ClockThứ Sáu, 25/03/2016 05:11
BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN VÙNG ĐẦM PHÁ:

Cần cơ chế hoạt động thỏa đáng

TTH - Các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS) là điều kiện cần thiết trong việc tái tạo, bảo tồn các loài thủy sản trước nguy cơ cạn kiệt do khai thác, đánh bắt hủy diệt. Từ khi thành lập đến nay, nhiều khu BVNLTS gặp một số khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ.

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hương

Khi NLTS được bảo vệ

Từ khi các khu BVNLTS được thành lập, ý thức bảo tồn thủy sản của người dân được nâng lên đáng kể. Ngư dân trong vùng được hưởng lợi từ các khu bảo vệ, hạn chế tình trạng đánh bắt, khai thác thủy sản mang tính hủy diệt. Đây chính là điều kiện cho các loài thủy sản trên vùng đầm phá được tái tạo, bảo vệ và ngày càng sinh sôi.

Tại khu vực đầm phá Vũng Mệ thuộc xã Quảng Lợi (Quảng Điền) một thời NLTS bị khai thác hủy diệt, cạn kiệt, ngư dân lâm vào cảnh khó khăn trong công việc làm ăn, đời sống bấp bênh. Từ khi thành lập Khu BVNLTS Vũng Mệ, nhiều loại cá, tôm có giá trị ngày càng sinh sôi, tái tạo. Ông Hồ Trúc, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá thôn Hà Công, xã Quảng Lợi chia sẻ: “Thật đáng mừng khi NLTS Vũng Mệ ngày càng sinh sôi do được bảo vệ nghiêm ngặt, tình trạng đánh bắt hủy diệt hạn chế rất nhiều. Qua kiểm tra, khảo sát, nhiều loại thủy sản tự nhiên, có giá trị kinh tế như tôm đất, cá bống đao, cá bống mủ, cá dầy… tăng nhanh trong mấy năm gần đây. Các hộ đánh bắt có thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/tháng, đời sống từng bước được cải thiện, có cơ hội vươn lên khá giả”.

Khu vực Cồn Sầy thuộc xã Hương Phong (TX Hương Trà) cách đây mấy năm bị liệt vào danh sách “báo động đỏ” do nạn đánh bắt hủy diệt. Từ khi, Khu BVNLTS Cồn Sầy được thành lập, các loại thủy sản có giá trị được tái tạo, sinh trưởng ngày càng nhiều. Ông La Tiềm, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Đông Phong, xã Hương Phong- đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý Khu BVNLTS Cồn Sầy cho biết, mặc dù mới đóng trụ mốc bảo vệ nhưng các loài rong hẹ phục hồi với mật độ khá dày. Sản lượng các loài cá kình, bống thệ, mú, hồng, nâu… xuất hiện trở lại và sinh sản ngày càng nhiều.

Tương tự, từ khi các khu BVNLTS Hòn Núi Quện, Gành Lăng và Khe Đập Làng thuộc xã Lộc Bình (Phú Lộc) được thành lập, nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế vốn có nguy cơ hủy diệt như cá dìa, kình, thệ… nay đã sinh sôi trở lại. Đây là cơ hội cho ngư dân phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”.

Bất cập cần giải quyết

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh đánh giá, việc thành lập các khu BVNLTS, giao quyền quản lý, khai thác mặt nước cho người dân là hợp lý trong xu thế hiện nay, nhằm bảo vệ, tái tạo NLTS. Đến nay, toàn tỉnh có 18 khu với diện tích 685 ha; hằng năm các ban, ngành đều tổ chức thả cá, tôm tái tạo NLTS trên sông đầm.

Mặc dù được thành lập và đi vào hoạt động từ nhiều năm qua, nhưng nhiều Khu BVNLTS vẫn chưa có cơ chế hoạt động rõ ràng. Hầu hết các khu BVNLTS được giao cho các chi hội nghề cá tại địa phương quản lý, song các chi hội đều gặp khó khăn về kinh phí và phương tiện phục vụ hoạt động tuần tra, kiểm soát. Trong khi đó, nguồn lực huy động trong dân quá ít so với yêu cầu hoạt động. Ông Phan An, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá 2, xã Lộc Bình bộc bạch: “Lâu nay, phương tiện tuần tra đều phải mượn của ngư dân. Nhưng thuyền của bà con không phải lúc nào cũng có sẵn để cho chi hội mượn. Nhiều lúc phát hiện dấu hiệu, hay sự xuất hiện của ngư tặc, khai thác trái phép trong khu bảo vệ nhưng đành chịu”.

Ông Phan An thông tin thêm, mấy năm trước Chi cục Thủy sản tỉnh cấp khoảng 1 triệu đồng/năm, không đủ mua xăng dầu tuần tra. Chi phí mỗi chuyến tuần tra tối thiểu cũng vài trăm ngàn đồng, trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ quá ít nên công tác này không thường xuyên. Các chế độ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác quản lý, tuần tra không có nên không thể phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm… Ông Lê Đức Phương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình cũng thừa nhận, do những khó khăn trên mà công tác tuần tra, truy bắt các đối tượng vi phạm không thường xuyên. Khi ngư dân thông tin phát hiện có đối tượng vi phạm trong khu BVNLTS, các lực lượng chức năng phải đi mượn thuyền, mất nhiều thời gian nên không thể truy bắt kịp thời để có biện pháp xử lý, răn đe.

Ông Lê Đức Phương chia sẻ: “Sắp đến, chính quyền địa phương có trách nhiệm xem xét, tạo cơ chế thuận lợi cho các chi hội hoạt động. Tuy nhiên, việc đầu tư mua sắm phương tiện tuần tra là ngoài khả năng của địa phương. Mỗi chiếc thuyền đảm bảo cho công tác tuần tra, quy quét hiện nay có giá tối thiểu 150 triệu đồng. Rất mong cấp trên, các ban ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các chi hội mua sắm phương tiện. Chi phí xăng dầu và các hoạt động khác cũng cần đáp ứng yêu cầu. Chế độ hỗ trợ cho các lực lượng làm công tác tuần tra, ngoài hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng cần sự giúp đỡ của cấp trên để họ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”. Ông La Tiềm, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Đông Phong, xã Hương Phong khẳng định: “Nếu được đầu tư phương tiện, chi phí hoạt động một cách thỏa đáng, chắc chắn hiệu quả công tác quản lý, BVNLTS trên đầm phá sẽ được nâng lên”.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người

Theo các chuyên gia, sự phụ thuộc ngày càng tăng của con người vào trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) có thể khiến họ mất đi lợi thế trong việc phát triển các kỹ năng đọc, viết và kỹ năng phân tích quan trọng trong tương lai.

GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người
Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình

Trong 2 ngày 23 và 24/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn công tác quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình

TIN MỚI

Return to top