ClockThứ Bảy, 08/06/2019 15:13

Nợ công đã thấp hơn dự kiến nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức

Theo Bộ Tài chính, các chỉ số về nợ công năm 2018 của Việt Nam đều đạt kết quả tích cực và thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu nợ công Quốc hội đặt ra.

Có giải pháp căn cơ quản lý nợ đọng thuế và chậm giải ngân vốn xây dựng cơ bản

Xếp hạng tín nhiệm quốc gia được cải thiện

Báo cáo tại cuộc họp báo chuyên đề về tình hình nợ công năm 2018 của Bộ Tài chính chiều 7/6, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng phòng Kế hoạch và quản lý rủi ro, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) khẳng định, các chỉ số về nợ công của Việt Nam năm 2018 đều đạt so với chỉ tiêu đề ra.

Theo đó, nợ công của Việt Nam năm 2018 được kiểm soát ở mức 58,4%/GDP, thấp hơn nhiều mức Quốc hội cho phép (65%/GDP); nợ Chính phủ 50,0%/GDP, thấp hơn mức 54%/GDP Quốc hội cho phép; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2018 là 15,9%/thu ngân sách, thấp hơn mức cho phép 25%/thu ngân sách nhà nước; nợ nước ngoài quốc gia là 46%/GDP, thấp hơn mức 50%/GDP được Quốc hội cho phép.

Nợ công năm 2018 thấp hơn dự kiến nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức (Ảnh minh hoạ: KT)

Cùng với đó, công tác điều hành chính sách tài khóa đã đạt được nhiều thành quả khả quan, thu cân đối ngân sách ước vượt 7,8% so với dự toán, bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn so với dự toán khoảng 3,7% GDP, qua đó giảm nhu cầu huy động vốn vay của Chính phủ.

Năm 2018, vốn vay trong nước được huy động là 250.500 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi ngân sách trung ương và trả nợ gốc, đạt 90,8% so với kế hoạch và chiếm 78,6% cơ cấu vay vốn của Chính phủ, trong đó kênh phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo.

Về vấn đề vay vốn nước ngoài, trong năm 2018, giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ khoảng 3.010 triệu USD, chiếm 21,4% cơ cấu huy động vốn của Chính phủ.

Việc thực hiện nghĩa vụ trả các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ nằm trong mức đã được phê duyệt tại các Nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết.

Về vấn đề thực hiện hạn mức bảo lãnh của Chính phủ, có 2 ngân hàng chính sách được bảo lãnh phát hành trái phiếu. Theo đó, năm 2018, Ngân hàng Phát triển huy động được 16.545 tỷ đồng (bằng 95% kế hoạch) với 74,3% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên.

Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 9.670 tỷ đồng (bằng 100% hạn mức phát hành) với 71% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Đến 31/12/2018, dư nợ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của 2 ngân hàng chính sách là 157.738 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cuối năm 2017.

Việc kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh của Chính phủ, không cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước và khuyến khích người vay trả nợ trước hạn đã dẫn đến giảm dư nợ bảo lãnh nước ngoài...

Hiệu quả trong công tác quản lý nợ công đã đóng góp vào cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Tháng 4/2019, S&P nâng hệ số tín nhiệm của Việt Nam từ BB- lên mức BB với triển vọng Ổn định; tháng 8/2018, Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ B1 lên Ba3 và thay đổi triển vọng từ Ổn định sang Tích cực; tháng 5/2018, Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB và thay đổi triển vọng từ Ổn định sang Tích cực vào tháng 5/2019.

Vẫn còn nhiều thách thức

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nợ công cũng chịu nhiều thách thức. Trong đó, việc Việt Nam tốt nghiệp IDA (dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển Quốc tế) kể từ năm 2017, các chỉ tiêu chi phí - rủi ro danh mục nợ Chính phủ, đặc biệt là nợ nước ngoài có xu hướng kém thuận lợi hơn trước đây.

Đối với danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ, trong 5 năm tới các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư. Thay vào đó, Chính phủ cần huy động các khoản vay mới với điều kiện kém ưu đãi hơn nhiều, sát với thị trường để bù đắp thiếu hụt cho cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư công trung hạn.

Mặc dù tỷ lệ vay bằng đồng Việt Nam đã tăng lên (từ 55% vào cuối năm 2015 lên 59,2% dư nợ Chính phủ tính đến hết năm 2018), song danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn tập trung vào 4 loại tiền chủ đạo gồm SDR, JPY, USD và EUR, là những đồng tiền có biến động lớn trong thời gian vừa qua...

Do đó, để tiếp tục quản lý hiệu quả nợ công, đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, Tài chính chủ trương thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường trái phiếu Chính phủ cả về chiều rộng và chiều sâu theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ và mở rộng cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hạn mức nợ nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, bảo đảm trong hạn mức được phê duyệt, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn...

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rủi ro nợ công hiện hữu sau đại dịch

Mặc dù nợ công có xu hướng giảm và được quản lý chặt chẽ trong ngưỡng an toàn, song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ công vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến thâm hụt ngân sách tăng cao.

Rủi ro nợ công hiện hữu sau đại dịch

TIN MỚI

Return to top