ClockThứ Sáu, 13/01/2023 13:09

Lạm phát và 3 kịch bản điều hành giá

Năm 2023, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao tiếp tục kéo dài và khả năng suy thoái ngày càng rõ nét hơn. Vậy áp lực lạm phát nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao?

Đồng hành tháo gỡ khó khănCác ngân hàng trung ương sẽ đối mặt với trận chiến chống lạm phát vào năm 2023

Giá xăng dầu vẫn được cho là một yếu tố tác động tới mức độ lạm phát năm 2023. Ảnh: VietnamPlus.

Áp lực lạm phát giảm

Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Minh Tiến, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá. Cùng với đó là áp lực từ việc lùi thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng nhà nước quản lý trong thời gian qua cũng sẽ đặt ra các thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá ngay từ đầu năm. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế cũng sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả.

TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính đưa ra dự báo, các áp lực đối với lạm phát từ các biến số như tiền tệ, tỷ giá hay giá nhiên, nguyên vật liệu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ giảm trong năm 2023. Trên thực tế, lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 12/2022, khi lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,33% so với tháng trước. Tuy nhiên, áp lực tăng giá điện, giá một số dịch vụ do Nhà nước kiểm soát trong năm 2023 sẽ lớn hơn so với năm 2022, nhưng tác động cụ thể còn phụ thuộc vào thời điểm và mức độ điều chỉnh giá của cơ quan quản lý.

“Trong thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 1/2023 nhờ chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022, cũng như nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Áp lực lạm phát trong năm 2023 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như giá điện. Mặc dù vậy, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2023 với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% hay thậm chí dưới 4% là hoàn toàn khả thi” - ông Độ nhận định.

3 kịch bản điều hành giá

Theo dự báo của Bộ Tài chính, trong năm 2023, dự kiến có một số áp lực lên mặt bằng giá đến từ bối cảnh thế giới và trong nước. Xét bối cảnh trong nước, việc điều chỉnh giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá theo lộ trình thị trường tiếp tục là vấn đề cần xem xét thực hiện đối với một số dịch vụ công (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục...) sau khi đã trì hoãn trong 3 năm vừa qua.

Cùng với đó, một số chính sách hỗ trợ về thuế (như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng) sẽ hết hiệu lực; điều chỉnh tăng lương cơ bản (từ 1/7/2023) sẽ khiến giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng. Ngoài ra, thiên tai có thể gây ảnh hưởng cục bộ đến giá lương thực, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm tại một số địa bàn...

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, vẫn có một số yếu tố hỗ trợ như các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (lương thực, thực phẩm...) nguồn cung vẫn dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu dự kiến có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2023; sự kiên định trong kiểm soát lạm phát của Quốc hội và Chính phủ tiếp tục giúp giữ kỳ vọng lạm phát và hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023.

Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu và các thông tin đánh giá của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Ngân hàng Nhà nước về các yếu tố tác động đến lạm phát năm 2023, ước CPI bình quân năm 2023 trong khoảng 3,1-3,2%, có 3 kịch bản điều hành giá được lập ra như sau:

Kịch bản 1: Giả định giá xăng dầu giảm 5%; giá gas tăng 2%; giá lương thực, thực phẩm (gạo, thịt lợn) tăng 3%; giá điện sinh hoạt tăng 5%; giá vật liệu xây dựng tăng 5%; giá dịch vụ giáo dục tăng 15%; giá dịch vụ y tế tăng 4%; giá nhà ở thuê tăng 6%, CPI bình quân năm 2023 dự báo tăng khoảng 4,2% so với năm 2022.

Kịch bản 2: Giả định giá xăng dầu giữ ổn định; giá gas tăng 3%; giá lương thực, thực phẩm (gạo, thịt lợn) tăng 5%; giá điện sinh hoạt tăng 7%; giá vật liệu xây dựng tăng 6%; giá dịch vụ giáo dục tăng 18%; giá dịch vụ y tế tăng 6%; giá nhà ở thuê tăng 6%, CPI bình quân năm 2023 dự báo tăng khoảng 4,55% so với năm 2022.

Kịch bản 3: Giả định giá xăng dầu tăng 3%; giá gas tăng 4%; giá lương thực, thực phẩm (gạo, thịt lợn) tăng 5%; giá điện sinh hoạt tăng 8%; giá vật liệu xây dựng tăng 6%; giá dịch vụ giáo dục tăng 20%; giá dịch vụ y tế tăng 6%; giá nhà ở thuê tăng 6%, CPI bình quân năm 2023 dự báo tăng khoảng 4,98% so với năm 2022.

Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 4,2-4,98%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 4,4%-4,8% (với 3 kịch bản lần lượt là 4,4%, 4,6% và 4,8%) trong đó có giả định giá xăng dầu ổn định tại 3 kịch bản. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 4,3 ± 0,5%.

Năm 2023, công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt kiểm soát lạm phát. Các bộ, ngành, địa phương sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương, đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung cầu trong nước. Cùng với đó, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đối với các mặt hàng nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá, phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động đến CPI bảo đảm ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Theo Đại đoàn kết

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chính phủ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.

Chính phủ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

TIN MỚI

Return to top