ClockThứ Sáu, 28/07/2017 06:35

Kim ngạch xuất khẩu tốt nhưng nhiều trái cây Việt vẫn "vô hình"

Trái cây Việt đang trên đà phát triển tốt với kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD trong 7 tháng năm 2017, được các thị trường khó tính trên thế giới ưa chuộng.

Sơ chế thanh long tại Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Trái cây Việt đang trên đà phát triển tốt với kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD trong 7 tháng năm 2017, được các thị trường khó tính trên thế giới ưa chuộng.

Tuy nhiên không ít sản phẩm trái cây Việt phải mang tên của quốc gia khác để lưu thông trên thị trường thế giới. Vì vậy, việc xây dựng một thương hiệu cho trái cây Việt là vấn đề quan trọng khẳng định sản phẩm quốc gia.

Cần thương hiệu

Với sản lượng hơn 10.000 tấn trái cây Việt xuất khẩu trên toàn thế giới trong 7 tháng năm 2017 thì thị trường Trung Quốc chiếm tới 74%. Tuy nhiên hiện xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu vẫn qua đường tiểu ngạch, thiếu ổn định, không được gắn thương hiệu trong khâu tiêu thụ đối với đa số mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam.

Mặt khác, một số lượng hàng hóa sang các thị trường Campuchia, Thái Lan rơi vào hoàn cảnh tương tự khiến mặt hàng trái cây Việt vô tình không tên giữa thị trường thế giới hoặc phải mang một thương hiệu khác do chính quốc gia nhập khẩu gắn vào.

Chia sẻ trường hợp này, ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường (Tiền Giang) cho biết, sản phẩm thanh long của Việt Nam đã xảy ra hiện tượng đánh tráo thương hiệu, gắn nhãn của các nước nhập khẩu như Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan rồi xuất khẩu tiếp sang các thị trường khác.

Mặc dù các quốc gia nhập khẩu loại sản phẩm này đều biết rằng đây là sản phẩm của Việt Nam, nhưng lại gọi tên theo nhãn đã được dán trên sản phẩm. Đây là bất lợi lớn với trái cây Việt, đặc biệt là với trái thanh long.

Theo ông Đoàn Văn Sang, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do nông dân thiếu thông tin về giá cả thị trường, rơi vào bẫy treo giá cao nhưng ảo của các thương lái thu mua, làm cho một số lượng lớn thanh long bị dồn ứ khi vào vụ thu hoạch, không bán được.

Thực tế này khiến nông dân Việt Nam cần bán hàng nên các nhà nhập khẩu sẵn sàng đưa ra điều kiện khi mua hàng, không được gắn thương hiệu Việt Nam thì mới tiêu thụ hàng hóa.

Với những sản phẩm trái cây có thể đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu về tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cao, có thể gắn thương hiệu Việt Nam lại không đủ số lượng hàng hóa để để đáp ứng nhà nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông sản sạch Đại Thuận Thiên (Cần Thơ), 2 năm qua, Đại Thuận Thiên phải tự đầu tư 60ha trồng các loại trái cây nhiệt đới theo tiêu chuẩn GlobalGap và đáp ứng các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm của thị trường khó khăn nhất là Nhật Bản.

Các nhà nhập khẩu từ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan đặt hàng các loại trái cây nhiệt đới như xoài, quýt hồng, sầu riêng, măng cụt,… nhưng Đại Thuận Thiên chưa đủ số lượng cung cấp.

Vải thiều Việt Nam đã được xuất khẩu vào nhiều thị trường khó tính. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Dù các thị trường này chỉ yêu cầu 10 container/tuần (tương đương gần 160 tấn) nhưng với loại sản phẩm đạt tiêu chí Global Gap là điều khó khăn.

Cho dù doanh nghiệp muốn liên kết với các hộ nông dân để sản xuất cũng khó, vì chính nông dân luôn tự phá vỡ quy trình canh tác dù được cán bộ nông nghiệp của doanh nghiệp hướng dẫn nhiều lần.

Đa dạng hóa sản phẩm

Trước yêu cầu cần một thương hiệu vững chắc cho trái cây Việt Nam, các cơ quan chức năng đưa ra nhiều phương án xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm trái cây Việt trên thị trường quốc tế.

Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức các đoàn giao thương tại các hội chợ lớn, hội chợ chuyên ngành thực phẩm tại các nước Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan,… nhằm quảng bá hình ảnh sản phẩm trái cây tươi, sản phẩm chế biến của Việt Nam với khách hàng tiêu dùng quốc tế.

Triển khai chương trình "Vietnam food branding", xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm thực phẩm Việt Nam nói chung, trong đó có mặt hàng trái cây.

Ngoài ra, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học-Công nghệ nâng cao chuỗi giá trị, đa dạng hóa sản phẩm trái cây, tăng cường chế biến sâu để đa dạng hóa thị trường, đã thực hiện ký kết các hiệp định thương mại tự do FTAs để mở cửa thị trường rau quả của Việt Nam. Tại thị trường Australia là xoài, vải; Mỹ có vú sữa, thanh long…

Trong năm qua, Chính phủ Việt Nam mở thêm nhiều thị trường khác để giúp mặt hàng rau quả xuất khẩu tốt hơn. Người sản xuất phải tuân thủ tốt tiêu chí an toàn thực phẩm trong sản xuất của nhà nhập khẩu, giúp tăng cao chuỗi giá trị trái cây và giúp ngành phát triển bền vững, đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ.

Bên cạnh việc mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu trái cây Việt Nam đến với khách hàng thế giới thì việc chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm cũng là phương án thúc đẩy trái cây Việt phát triển.

Tuy nhiên, để thực hiện chế biến tốt thì các nhà máy cần một nguồn nguyên liệu lớn, ổn định, lâu dài. Điều này hiện rất khó thực hiện đối với doanh nghiệp và nông dân bởi hầu hết nông dân sản xuất trái cây cả nước đều sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Mỗi hộ thực hiện phương thức canh tác riêng, chất lượng không đồng đều, số lượng thiếu ổn định nên cuối cùng gánh nặng tự xoay sở, đầu tư vùng nguyên liệu vẫn đặt lên vai doanh nghiệp, tự gom diện tích sản xuất và đầu tư thiết bị, công nghệ để thực hiện.

Vì vậy, để có được sản phẩm trái cây chế biến cung ứng cho thị trường nhập khẩu, đa dạng hóa sản phẩm, các doanh nghiệp phải mất thêm một khoảng thời gian nữa, ông Nguyễn Hoàng Cung nhấn mạnh.

Hiện sản phẩm trái cây chế biến chỉ chiếm 10% trong tổng số trái cây xuất khẩu. Chính vì vậy, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản theo đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng đã có nhiều chính sách mở, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, rau quả Việt Nam mở rộng khả năng sản xuất và đầu tư công nghệ chế biến, xử lý và bảo quản sau thu hoạch, tiến sỹ Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các nền kinh tế đang phát triển: Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD

Dữ liệu mới vừa được Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố cho thấy, xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số toàn cầu năm 2023 đã đạt tổng cộng 4.500 tỷ USD, trong đó, các nền kinh tế đang phát triển đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 1.000 tỷ USD về xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số.

Các nền kinh tế đang phát triển Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1 000 tỷ USD

TIN MỚI

Return to top