ClockThứ Năm, 04/08/2022 08:42

Cùng phụ nữ khởi nghiệp

TTH - Bằng những hoạt động, việc làm thiết thực, các cấp hội phụ nữ ở Nam Đông luôn là địa chỉ tin cậy, đồng hành cùng chị em hội viên phụ nữ khởi nghiệp.

Giải ngân vốn vay cho phụ nữ đoạt giải trong cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp

Gian hàng nông sản của phụ nữ Nam Đông được trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ

Liên kết trồng dứa

Tổ liên kết trồng và tiêu thụ chuối, dứa sạch ở Hương Sơn được thành lập từ năm 2019, với 24 thành viên. Nhớ khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu, chị Trần Thị Thắm, dân tộc Cơ Tu, tổ trưởng cũng đồng thời là Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Sơn tỏ vẻ lo lắng, thật thà bảo, “thông cảm hới, mình chỉ biết làm (thôi) không quen nói mô”. Nói vậy, nhưng khi được động viên, chị Thắm vẫn giới thiệu được công việc một cách thông suốt.

Dứa và chuối vốn là đặc sản nổi tiếng của Hương Sơn. Riêng với cây dứa, xã Hương Sơn là nơi có diện tích dứa trồng lớn nhất huyện Nam Đông, với khoảng 25ha. Lâu nay, khó khăn trong phát triển cây dứa ở Hương Sơn là cây giống, nhiều người dân vẫn chưa nắm rõ kỹ thuật trồng và nhất là tiêu thụ sản phẩm sao cho hiệu quả nhất. Câu chuyện xoay quanh giống dứa Kaien có mặt Nam Đông từ năm 1996 khi có một doanh nghiệp dự định xây dựng nhà máy chế biến dứa trên địa bàn tỉnh nên triển khai xây dựng một số vùng nguyên liệu. Theo đó, giống dứa Kaien dần len lỏi vào các hộ dân, nhưng sau đó dần mai một do dự án không thực hiện. Năm 2018, một hộ dân ở thôn Ta - rung bỏ công tìm mua giống dứa Kaien chính gốc và “đánh liều” trồng xen canh trên diện tích cam của gia đình và đó cũng là thời điểm phát triển của dứa Kaien ở Hương Sơn.

Dứa Kaien có trái to đến 5kg/trái, mắt cạn và thơm ngon, có thể đáp ứng nhu cầu chế biến nguyên liệu thành cô đặc nếu quy mô đủ lớn, nhưng hiện do sản lượng chưa cao nên chủ yếu người dân vẫn thường để ăn, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Nhiều người dân vẫn có thói quen trồng dứa xen với các loại cây trồng khác và không đầu tư chăm sóc nên năng suất thấp. Tháo gỡ khó khăn này, cùng với tổ chức Hội LHPN, 3 năm qua, tổ liên kết trồng và tiêu thụ chuối, dứa sạch Hương Sơn đã tổ chức 5 buổi tập huấn xoay quanh kỹ thuật trồng đúng cách và tiêu thụ sản phẩm. Vấn đề “liên kết” từ san sẻ cây giống đến việc bán dứa thế nào để có lợi nhất cũng được bàn tới trong các sinh hoạt định kỳ của cấp hội cơ sở và của tổ. Chị Thắm bảo, bản thân mình cũng được “hưởng lợi” khi với 0,3ha dứa, có thu nhập trên chục triệu đồng/vụ.

Trao chiếc cần câu

Tổ liên kết trồng và tiêu thụ chuối, dứa sạch ở Hương Sơn là một trong 4 tổ liên kết do Hội LHPN huyện Nam Đông vận động thành lập gần đây. Ba tổ liên kết còn lại là nuôi gà lấy trứng và thịt, liên kết cam ở thôn 10, xã Hương Hòa và thu mua nông sản an toàn ở Hương Lộc. Đây là các mô hình ra đời từ việc triển khai Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” ở Nam Đông. Liên kết sản xuất theo hướng mô hình tổ liên kết hay hợp tác xã là tạo điều kiện để hội viên, phụ nữ cùng ý tưởng, chí hướng và ngành nghề cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để phát triển kinh tế làm giàu hiệu quả.

Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, Hội LHPN Nam Đông đã mở 5 lớp tập huấn về Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” với nhiều nội dung đa dạng và phong phú, như quản lý tài chính hộ gia đình, chuyển đổi số trong kinh doanh. Hội LHPN các xã/thị trấn hỗ trợ, giúp đỡ hội viên khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh với nhiều hình thức, như cải tạo vườn, cây giống (cau, chuối), ngày công lao động, phân NPK… Đặc biệt, Hội LHPN xã Hương Lộc hỗ trợ giúp 1 chị với số tiền 2 triệu đồng khởi nghiệp trồng nấm lim và nấm sò; Hội LHPN xã Hương Phú hỗ trợ giúp 1 chị khởi nghiệp vườn rau sạch với số tiền 2 triệu đồng.

Đồng hành khởi nghiệp

Từ nhiều năm qua, cụm từ “khởi nghiệp” đã trở nên phổ biến nhưng với Nam Đông, đặc biệt là chị em phụ nữ dân tộc Cơ Tu tại các xã định canh định cư, câu chuyện khởi nghiệp vẫn đầy mới mẻ và gặp không ít khó khăn. Ðể bắt đầu khởi nghiệp, ngoài thiếu tự tin, tư tưởng an phận thủ thường, họ còn gặp thách thức đến từ định kiến giới, hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực và thị trường.

Cái khó ở Nam Đông, theo bà Hoàng Thị Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện còn ở tâm lý muốn làm ăn riêng nên để xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất và kinh doanh phải thuyết phục, vận động và hơn thế, phải tập làm quen. Nếu thời tiết không thuận lợi như thu hoạch cam thường rơi vào mùa mưa nên gặp khó trong vận chuyển và tiêu thụ thì việc có nhiều sản phẩm cây trồng (cam, dứa) đã có thương hiệu lại là một thuận lợi. Cũng theo bà Loan, giao thông phát triển cùng với việc sử dụng rộng rãi điện thoại thông minh là một thuận lợi trong khởi nghiệp phát triển kinh tế. Vấn đề là phải cho bà con “chộ” được cái hay và cái lợi để làm theo.

Thực tế ở Nam Đông cho thấy, việc triển khai thực hiện đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp mới dừng lại ở khâu tập huấn, tư vấn cho các ý tưởng khởi nghiệp, chưa tổ chức được công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các ý tưởng tiếp cận với các nguồn vốn còn ít. Để tiếp tục khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh, thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trong huyện cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp; thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh; đẩy mạnh các các cuộc vận động nhằm huy động nội lực của các tầng lớp phụ nữ trong huyện giúp nhau khởi nghiệp. Mỗi chị em phụ nữ cần chủ động tích cực học hỏi, mạnh dạn để có thể tự mình thay đổi cuộc sống, trở thành tấm gương phụ nữ “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trên hành trình khởi nghiệp

Toàn tỉnh có gần 1.000 phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh. Trên hành trình khởi nghiệp, những hội viên, phụ nữ luôn được các cấp hội đồng hành, hỗ trợ...

Trên hành trình khởi nghiệp

TIN MỚI

Return to top