ClockThứ Sáu, 22/01/2021 18:39

Khát vọng Quảng Điền

TTH.VN - Một vùng đất nhiều tiềm năng và có bề dày truyền thống, lại thêm khát vọng và nỗ lực vươn lên, chắc chắn trong một ngày không xa, cái vị thế “nhất Huế nhì Sịa” của Quảng Điền một thời sẽ được tái lập với một tầm cao mới…

Trung tâm thị trấn Sịa đang trên đường đô thị hóa

Xong công chuyện ở làng, tôi chở ông chú lên lại Huế để hôm sau bay vào miền Nam. Thời gian đang còn thong thả, ông bảo tôi cho ông về Sịa, lên lối Bao Vinh để ông được ngắm lại cảnh xưa. Hơi xa tí, nhưng có hề gì. Tôi vui vẻ gật đầu.

Quê tôi ở Phong Hiền, gần phía bắc đầu cầu An Lỗ. Cách nay non thế kỷ, gia đình đã lên Huế định cư. Ở quê bây giờ, thân ruột không còn ai, chỉ có  một số bà con xa xa trong họ tộc. Quê hương trong tôi nó gần với trách nhiệm nhiều hơn. Nhưng với những người thuộc thế hệ như ba tôi, chú tôi, những người đã sinh ra, lớn lên rồi rời đi từ nơi đây, đó là cả khung trời ký ức, là máu, là thịt, là những gì thiêng liêng nhất của cuộc đời.

Thuở ấy, khi ông nội tôi đang ở khu V theo kháng chiến, bà nội tôi một nách 4 đứa con dại, ruộng nương không có, bà cùng với một số chị em trong làng phải lên Huế chạy chợ. Buổi sáng khi trời còn chưa rõ mặt, với đôi quang gánh cùng mấy thứ hàng hóa làng quê, bà và mấy người bạn đã phải tất tả quảy đi, mà chỉ toàn đi bộ, về lối Sịa băng lên cho gần đường. Lên Bao Vinh, Đông Ba, bán hết hàng quê bà lại mua hàng phố gánh về. Cũng lại cuốc bộ, đỏ đèn đen đất chưa về tới làng. Mấy đứa con dại phải chờ mạ về mới có bữa tối…Dài dòng tí để nói về cái lý do mà chú tôi nhờ chở về Sịa rồi theo miệt Bao Vinh lên Huế. Có lẽ là để nhớ về người mẹ đã một thời không quản nhọc nhằn nguy hiểm để nuôi con …

Mới từ cửa ngõ thị trấn, ông chú đã ồ lên đầy vẻ phấn khích. Cũng dễ hiểu thôi, bởi với những người lâu ngày mới quay trở lại như ông, sự đổi thay của Sịa và vùng đất Quảng Điền là một sự ngạc nhiên quá lớn. Sịa trong ông cách đây chưa lâu lắm vẫn chỉ là một thị trấn với tuyến đường nhựa nho nhỏ chạy qua trung tâm, đôi bên chưa bao lăm nhà cửa, quán xá. Chợ Sịa nổi tiếng một thời cũng đã qua thuở hoàng kim, chỉ còn dừng ở quy mô một ngôi chợ nông thôn thường thấy. …Nay thì tất cả đã đổi thay.

Chùa cổ Thiện Khánh trên vùng đất phủ Bác Vọng xưa

Đường vào thị trấn 4 làn xe được chia 2 chiều riêng biệt, ở giữa có dải phân cách trồng hoa và cây xanh, có đèn giao thông, điện chiếu sáng, lề đường thoáng rộng. Nhiều tuyến đường ngang, đường dẫn về các xã, các khu dân cư cũng đã được xây dựng hoàn chỉnh, thảm nhựa phẳng lì. Nhà có số, đường có tên một thời cứ ngỡ chỉ là chuyện tếu cho vui, nay đã trở nên hiện hữu. Trung tâm Quảng Điền bây giờ đã thực sự mang dáng dấp một phố thị và vẫn đang tiếp tục trên đà đô thị hóa.

Chợ Sịa được chuyển đến vị trí mới và xây dựng thành trung tâm thương mại của cả vùng, chạy ngang trước mặt là con đường Nguyễn Vịnh hoành tráng rộng phải trên 20m. Tôi tạt vào cho ông chú thăm thú và mua chút quà quê, trước khi quay xe theo tỉnh lộ 4B lên Huế. Cũng không quên “nhấn nhá” với ông chú rằng, đấy là để tạo điều kiện cho ông “một vé tìm về ký ức”, chứ từ Quảng Điền lên Huế bây giờ hầu hết mọi người đều theo đường Nguyễn Chí Thanh, một con lộ mới kéo thẳng lên Huế với chỉ độ 30 phút chạy xe tốc độ vừa phải.

Đường tỉnh 4B bây giờ cũng đã khoác áo mới chứ không còn lóc chóc như một dạo. Cảnh bùn lầy nước đọng khi tháng gió ngày mưa gần như đã chấm dứt. Gió từ cánh đồng thổi lên mát rượi. Thật là sảng khoái. Tôi hít căng lồng ngực bầu không khí trong veo và bất chợt thấy biết ơn ông chú bởi cũng nhờ ông mà lâu lắm tôi mới lại được dịp đi lại trên con đường với rất nhiều kỷ niệm của một thời chập chững bước vào nghề báo.

Ấy là đầu những năm 1990, “thị phần” làm báo của những đứa mới vào nghề như chúng tôi là những vùng nông thôn xa xa, về đó tác nghiệp, lân la nịnh nịnh mấy anh cán bộ hợp tác xã để xin tin tiến độ…Thế nên, đường tỉnh 4B là một trong những con đường thân quen đưa chúng tôi về với Quảng Thành, Quảng An, Quảng Phước, Quảng Lợi,… Con đường lúc ấy vừa xấu, vừa nhỏ, cây cầu lớn nhất là cầu Thanh Hà vẫn còn lát ván, mảnh có mảnh không và chỉ dành cho xe 2 bánh… dắt bộ. Những lúc gặp mưa to, đang đi thì đường ngập sâu, để khỏi lỡ tin bài không cách nào khác là phải gửi xe vào nhà dân rồi theo đò mà đi. Còn những ngày lỡ độ đường, gặp lúc trời tối, muốn không “lạc bước sa chân” xuống sông xuống ruộng thì liệu mà vòng lên An Lỗ theo quốc lộ 1 mà vào …

Ngư dân mưu sinh trên phá Tam Giang

Thời điểm ấy tính ra đã hơn hai mươi năm sau ngày đất nước im tiếng súng. Vết thương chiến tranh đang dần liền sẹo ở các miền quê tôi qua, song cuộc sống của người nông dân thì vẫn đang còn nhọc nhằn lắm. Điện thiếu, nhiều ngôi trường vẫn trong tình cảnh tạm bợ, học sinh phải học tạm, học ghép, học ở các điểm lẻ. Nước sạch cho sinh hoạt tại các vùng trũng như Hương Phong, Quảng Thành, Quảng An… thì khỏi nói, nó là vấn đề bức xúc ghê gớm. Nhớ có lần về Quảng Thành, lúc đó, trụ sở của xã đang đóng trong một con đường nhỏ, bên cạnh con hói chảy qua. Ngồi làm việc nhìn ra, thấy trên hói nào là vịt lội, trâu đằm, người tắm giặt, rồi cả rửa rau vo gạo cũng đó. Anh Đào Lý, lúc ấy là Chủ tịch UBND xã, bảo đấy là câu chuyện khiến xã rất đau đầu, nhưng bí. Đã thử giếng khơi, giếng khoan nhưng tất cả đều thất bại bởi mạch nước ngầm ở đâu cũng ô nhiễm. Đầu tư kéo nước máy về thì khác nào chuyện… mơ lên thiên đàng. Sau này, nghe chuẩn bị có dự án tài trợ giúp xây dựng một số bể lắng lọc, cả cán bộ lẫn người dân trong xã ai cũng khấp khởi mừng. Chuyện bây giờ kể lại, nghe cứ như cổ tích…

Quảng Điền giờ đây đường ô tô đã bon bon về tận trung tâm các xã. Các trục đường thôn cho đến đường làng ngõ xóm được bê tông gần hết. Trên 70% đường trục chính nội đồng cũng đã cứng hóa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư phân bón và thu hoạch sản phẩm. Các công trình thủy lợi, nhất là công trình trọng điểm đều được đầu tư xây dựng, nâng cấp; 100% diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện cơ bản đã được chủ động tưới tiêu. Việc triển khai thực hiện đề án “tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã giúp cho Quảng Điền tạo lập được trên 530 ha cánh đồng mẫu lúa chất lượng với giá trị tăng bình quân từ 10-12 triệu đồng/ha. Nhiều mô hình mới như nuôi trồng thủy sản xen ghép, trồng mía, rau má, rau an toàn... cho người nông dân thu nhập 1 ha có nơi đến 300 trăm triệu mỗi năm. Ngay như vùng cát nội đồng vốn chua phèn, cằn khô cháy bỏng ngỡ không thể làm gì được, nay cũng đã xuất hiện nhiều trang trại làm ăn rất hiệu quả, số trang trại cho doanh thu từ vài trăm triệu, thậm chí tiền tỷ mỗi năm đã không còn là chuyện lạ… Quảng Điền bây giờ đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM); Huyện đang hướng đến mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao vào cuối nhiệm kỳ 2020- 2025.

Nuôi trồng thủy sản đã làm đổi thay cả vùng đất và đời sống của nhiều hộ gia đình ở Quảng Công - Một xã vùng biển, đầm phá của Quảng Điền

Mải nghĩ, đã thấy Quảng Thành trước mặt. Tranh thủ cơ hội, tôi chở ông chú dạo một vòng để ông biết làng rau Thành Trung, biết nơi từng tọa lạc tòa thành Hóa Châu nổi tiếng. Mà đâu chỉ mỗi Hóa Châu với các danh tướng Đặng Tất, Đặng Dung thời hậu Trần, đất Quảng Điền còn từng 2 lần được chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ của Đàng Trong (Phước Yên đầu thế kỷ XVII và Bác Vọng đầu thế kỷ XVIII); đất này cũng đã sinh ra bao bậc danh thần nho sĩ lưu danh sử sách như Nguyễn Văn Thành, Thân Văn Quyền, Trần Thúc Nhẫn, Đặng Hữu Phổ, Cao Đăng Đệ, Trần Đạo Tiềm, Ngô Thế Lân… Thời đại Hồ Chí Minh, Quảng Điền nói riêng, Thừa Thiên Huế nói chung tự hào góp mặt 2 người con ưu tú, kiên trung: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhà thơ Tố Hữu…

Quảng Điền cũng không chỉ có rau, có lúa mà còn có hơn chục cây số  bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp và dồi dào tiềm năng thủy sản; Có phá Tam Giang lồng lộng với nhiều loại cá tôm đặc sản ngon nức tiếng; Có những nghề thủ công truyền thống nay vẫn tồn tại và phát triển như đan lát ở Bao La, làng tơi nón Ô Sa, bún ở Thanh Cần, mộc nề vùng Sịa, Tây Ba… vừa là sinh kế của người dân vừa góp phần phát triển du lịch; Có nhiều ngôi làng vẫn còn giữ những nét đẹp và những giá trị văn hóa truyền thống đậm màu làng quê Việt như Thủ Lễ,  Phước Yên, Xuân Tùy, Phổ Lại, Niêm Phò.... Gần đây, làng Hà Cảng (Quảng Phú) làm dậy sóng cộng đồng với “cây cô đơn Mắt Biếc”. Hàng ngàn du khách đã đổ về đây và ngỡ ngàng với một làng quê hiền hòa đẹp như tranh vẽ…

Một vùng đất nhiều tiềm năng và có bề dày truyền thống như thế, lại thêm khát vọng và nỗ lực vươn lên, chắc chắn trong một ngày không xa, cái vị thế “nhất Huế nhì Sịa” của Quảng Điền một thời sẽ được tái lập với một tầm cao mới; Quảng Điền sẽ ngày càng sáng, xanh, sạch, giàu đẹp, văn minh, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, như quyết tâm mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.

Bài- Ảnh: Diên Thống

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quảng Điền lo thất thu vụ hoa Tết

Chỉ một thời gian ngắn nữa là tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Tuy nhiên, người trồng hoa trên địa bàn huyện Quảng Điền đang lo lắng vì nguy cơ thất thu do thời tiết mưa lạnh kéo dài khiến hoa chết hàng loạt.

Quảng Điền lo thất thu vụ hoa Tết
Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn

Là địa phương có lợi thế về chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, huyện Quảng Điền đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, ngừa dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô lớn, công nghiệp tập trung.

Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, dâng hương tại Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Sáng 29/12, trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh, thăm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; tặng quà người có công với cách mạng tiêu biểu trên địa bàn TP. Huế.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, dâng hương tại Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
“Nhìn vô trong Huế...”

Thuở ấu thơ, trẻ con làng tôi đứa mô cũng có một niềm ao ước đó là được đi Huế chơi ít nhất là một lần. Đình làng Đại Lộc quê tôi có một lùm mù u rậm rạp và là chốn để chúng tôi leo trèo và hát những câu nghêu ngao vào những buổi chiều hè: “Trèo lên cây mù u nhìn vô trong Huế...”. Rồi những đêm không trăng, trời đầy sao, lũ trẻ con làng chúng tôi nhìn về phía xa xôi, nơi có một quầng sáng phía chân trời và nói với nhau rằng, đó là Huế. Hồi đó, làng tôi có một chuyến đò đi Huế hàng ngày xuất phát ở bến đò Đồng Dạ, nơi con sông Ô Lâu bắt đầu chảy qua làng tôi. Nhưng phải có công chuyện chi quan trọng thì nông dân làng tôi mới đi Huế, còn trẻ con như chúng tôi thì rất khó để được đi.

“Nhìn vô trong Huế  ”

TIN MỚI

Return to top