ClockThứ Tư, 24/06/2020 06:45

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU: Cơ hội tăng tỷ trọng hàng Việt tại châu Âu

TTH - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, hàng rào thuế quan sang các nước EU xóa bỏ sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, đặc biệt là dệt may, đồ gỗ và thủy hải sản. Đây là cơ hội lớn, song cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp (DN) khi tuân thủ chặt chẽ các quy tắc xuất xứ.

Quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam-Anh được hưởng lợi từ EVFTA

Lĩnh vực dệt may - sợi sẽ thụ hưởng nhiều ưu đãi khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực

Cơ hội cho dệt may, đồ gỗ

Dệt may được xem là ngành chủ lực của tỉnh với hơn 62 DN đang hoạt động sản xuất, trong đó có 47 DN sản xuất hàng dệt may với quy mô 400 chuyền may, khoảng 500 triệu sản phẩm may mặc và đồ lót/năm; lĩnh vực sợi có 13 DN với quy mô sản xuất 460.000 cọc sợi, tương đương khoảng 100.000 tấn sợi các loại/năm; lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành dệt may có 2 DN.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) dệt may đạt trên 705 triệu USD, chiếm tỷ trọng 74% tổng KNXK hàng hóa của tỉnh; ngành thủy sản đạt 47 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 102 triệu USD. Riêng KNXK các ngành thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may đi các nước EU trong năm 2019 còn khiêm tốn, trong đó các mặt hàng xuất sang các nước EU chủ yếu là tôm thẻ của Công ty CP Chăn nuôi CP; bàn, ghế gỗ của Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế; các sản phẩm sơ sợi, áo quần may sẵn các loại của Công ty Scavi Huế, Công ty CP Dệt may Huế, Công ty TNHH Hanesbrand VN Huế, Công ty CP Sợi Phú Bài.

Theo Giám đốc Điều hành Công ty CP Dệt may Huế Nguyễn Hồng Liên, đa số sản phẩm của công ty chủ yếu xuất sang thị trường Mỹ, khoảng 10% xuất sang châu Âu. Tuy nhiên, khi EVFTA được ký kết, công ty đã có kế hoạch mở rộng đối tác tại thị trường này. Với lợi thế thuế quan sẽ cắt giảm (theo lộ trình), đặc biệt với đặc điểm của công ty có nhà máy sản xuất vải, đáp ứng được yêu cầu “quy tắc xuất xứ từ vải trở đi” sẽ là một lợi thế cạnh tranh trong thời gian đến.

Bà Liên cho rằng, EVFTA là công cụ quan trọng để nâng cao thương hiệu sản phẩm của Việt Nam nói chung và sản phẩm của Thừa Thiên Huế nói riêng tại thị trường châu Âu, đây cũng là cơ hội, sức ép để DN tự điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh, tiếp cận các công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Liên minh châu Âu là một trong 5 thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam. EVFTA vừa được ký kết sẽ có tác động tương đối lớn tới sự phát triển của lĩnh vực xuất khẩu đồ gỗ của các DN trên địa bàn.

Theo Giám đốc Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế Lê Dương Huy, EU là thị trường khá ổn định đối với các sản phẩm đồ gỗ nội - ngoại thất với tỷ trọng xuất khẩu của DN chiếm trên 40%. EVFTA thực sự là luồng gió mới để DN tiếp tục đầu tư công nghệ, đổi mới dây chuyền sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng các yêu cầu để thụ hưởng ưu đãi. Trong đó, các sản phẩm như ván dán, ván găm đang có thuế suất là 7% sẽ giảm về mức 0% sau 5 năm; còn với gỗ thanh đang có mức thuế là 3-4% và đồ gỗ dùng cho nhà bếp mức thuế là 2% sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định này có hiệu lực.

Lĩnh vực dệt may - sợi sẽ thụ hưởng nhiều ưu đãi khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực

Mở rộng thị trường

Hiệp định EVFTA ký kết sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có Thừa Thiên Huế. Với cam kết xóa bỏ và cắt giảm thuế quan mà hai bên đã thống nhất sẽ là cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ... và đây cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các DN trên địa bàn.

Thị trường EU là một trong những thị trường xuất khẩu chính của các nhóm sản phẩm này nên EVFTA sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho các DN, góp phần gia tăng KNXK, tiếp cận thị trường, đồng thời góp phần tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Bà Nguyễn Hồng Liên cho rằng, các tiêu chuẩn của EVFTA liên quan đến nhiều lĩnh vực, vì vậy, cần có sự vào cuộc chủ động, tích cực của đơn vị chịu trách nhiệm các lĩnh vực đó vào cuộc thì DN mới nhanh chóng đáp ứng các tiêu chuẩn. Ngoài ra, các ban, ngành cần hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn cung, đặt biệt là vải để các DN mở rộng quy mô sản xuất, tăng tỷ lệ xuất khẩu vào EU.

Bên cạnh những thuận lợi về ưu đãi thuế quan, thời gian tới ngành dệt may sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, cạnh tranh nguồn nhân lực gia tăng do các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển nhà máy vào Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế làm chi phí nhân công tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định, EVFTA là một hiệp định mang tính toàn diện nên để thực thi hiệp định có hiệu quả cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành và bản thân các DN. Hiện, tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết về thực hiện Hiệp định EVFTA dựa trên đặc thù các thế mạnh xuất khẩu của tỉnh, đặc biệt là dệt may.

Dự kiến trong quý III/2020, UBND tỉnh sẽ phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương tổ chức phổ biến, tuyên truyền về EVFTA cho các cơ quan liên quan và các DN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ khi tham gia công tác tuyên truyền, quảng bá các mặt hàng xuất khẩu của mình ra thị trường nước ngoài mà trọng tâm là EU.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thu thuế thương mại điện tử 10%” là vi phạm pháp luật về thuế

Theo thông tin từ Cục Thuế thành phố Huế, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện mẫu thông báo có nội dung: “Từ 01/01/2025, cơ quan thuế có quyền truy cập vào mọi tài khoản cá nhân để truy thu thuế thương mại điện tử. Cơ quan thuế sẽ đánh thuế hết tất cả các giao dịch có nội dung chuyển tiền là “mua – bán” để quyết định cưỡng chế, thu hồi thuế.

“Thu thuế thương mại điện tử 10 ” là vi phạm pháp luật về thuế
Thương mại điện tử và những tác động tới môi trường

Thương mại điện tử toàn cầu đã tăng trưởng đều đặn trong thập kỷ qua. Việc số hóa cuộc sống hiện đại cùng sự ra đời của các công nghệ mới đã hoàn toàn thay đổi hành vi mua sắm của người dân. Trong thập kỷ qua - đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19, số lượng người mua hàng trực tuyến đã tăng với tốc độ chưa từng có, biến thương mại điện tử thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD.

Thương mại điện tử và những tác động tới môi trường
Xã hội hóa nguồn lực xúc tiến thương mại

Ngày 24/12, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (Trung tâm) tổ chức đánh giá hoạt động xúc tiến thương mại năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp năm 2025.

Xã hội hóa nguồn lực xúc tiến thương mại

TIN MỚI

Return to top