ClockThứ Ba, 23/07/2019 06:30

Hạ tầng xử lý nước thải thiếu và yếu - bài 2: Manh mún

TTH - Ô nhiễm nguồn tiếp nhận nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc thiếu hẳn hệ thống thoát và xử lý nước thải đạt chuẩn.

Hạ tầng xử lý nước thải thiếu và yếu - bài 1: Nỗi đau... “nước thải”

Nước thải từ các dự án gây ô nhiễm sông Lợi Nông

0% nước thải qua xử lý

Theo ông Trần Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, công ty được tỉnh, thành phố giao quản lý hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP. Huế (trừ KĐTM An Vân Dương) và thị trấn Lăng Cô. Theo đánh giá, hệ thống thoát nước của thành phố được xây dựng qua nhiều thời kỳ, từ thời Pháp thuộc đến nay.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hệ thống thoát nước tuy được tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư, nhưng nguồn kinh phí hạn chế nên việc đầu tư còn mang tính chắp vá, chưa đồng bộ, mới chỉ tập trung giải quyết các điểm ngập cục bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị. Hệ thống thoát nước cũ của thành phố là hệ thống chung, thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt với tổng chiều dài 218km.

Ngoài các cơ sở xử lý nước thải cục bộ của bệnh viện và một số cơ sở sản xuất, nhà máy xử lý nước thải phía nam đang xây dựng chưa đi vào hoạt động, khu vực TP. Huế chưa được xử lý trước khi xả thải. Hầu hết các nguồn thải chưa được xử lý chủ yếu được đổ ra sông và hệ thống ao hồ.

Nhìn từ một khía cạnh khác, Huế là thành phố nhà vườn, nước thải thường được phần lớn hộ gia đình giải quyết cho tự thấm ngay trong khuôn viên đất. Đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm đất, nguồn nước ngầm và nguồn nước mặt của thành phố.

Tỷ lệ nước thải sinh hoạt qua xử lý hiện nay vẫn là con số 0, trừ khu vực thị trấn Lăng Cô. Trong đó, khu vực kinh thành có tổng chiều dài hệ thống thoát nước khoảng 52km bao gồm mương xây, cống với nhiều kích cỡ, hệ thống kênh hồ trong kinh thành gồm sông Ngự Hà và hơn 40 hồ lớn nhỏ với diện tích 51 ha.

Hệ thống thoát nước trong khu vực kinh thành là hệ thống thoát nước chung nhưng không hoàn chỉnh, phục vụ cho cả nước mưa và nước thải, do ít được duy tu bão dưỡng nên nhiều đoạn đã xuống cấp.

Hệ thống thoát nước vận hành dựa trên nguyên tắc tự chảy không có trạm bơm. Mật độ cống còn rất thấp và phân bố chưa đều nên quá trình điều tiết nước cũng khá hạn chế.

"Trắng" ở khu đô thị mới

KĐTM An Vân Dương đã và đang triển khai thi công 45 dự án (DA). Mật độ dân cư tăng nhanh khi nhiều DA đi vào hoạt động, nước thải sinh hoạt của người dân thải trực tiếp ra môi trường tăng theo; điển hình như KĐT An Cựu City, KĐC KV4, các KCC Vicoland, Xuân Phú, Trường Nguyễn Tri Phương… làm tăng khả năng ô nhiễm môi trường.

Theo quy hoạch được phê duyệt, KĐTM An Vân Dương có hệ thống thoát nước thải riêng, tách biệt với hệ thống thoát nước mưa. Nước thải sinh hoạt từng DA được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại trước khi đổ vào hệ thống thoát nước chính. Toàn bộ nước thải khu vực sẽ được thu gom về trạm xử lý nước thải tập trung thuộc DA cải thiện môi trường nước có công suất 30.000m3/ngày đêm.

Hiện nay, trạm xử lý nước thải này đang được đầu tư xây dựng và do Ban quản lý DA Cải thiện môi trường nước TP. Huế làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, khoảng cách từ quy hoạch đến thực tế lại khá xa .

Ông Huỳnh Minh Khang, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị thông tin, hiện đầu tư vào KĐT vẫn khá cầm chừng, nhà đầu tư vào KĐT cũng phân tán, không tập trung nên việc đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước toàn khu vực cần kinh phí lớn nên rất khó khăn. Hiện hạ tầng chỉ đầu tư theo kiểu nhà đầu tư đến đâu, đầu tư đến đó.

Việc đầu tư theo kiểu phân tán, nhỏ lẻ phụ thuộc vào việc kêu gọi đầu tư đang để lại nhiều hệ lụy.

Hiện các DA đang đi vào hoạt động, nhất là các DA nhà ở xã hội, KĐT có lượng dân cư tập trung khá đông nhưng việc đấu nối hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, nhiều DA nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra ruộng, sông, tác động tiêu cực đến môi trường và cả mỹ quan.

Ông Chu Tiến Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Aranya Việt Nam, chủ đầu tư DA chung cư Aranya cho biết, hiện DA đã hoàn thành giai đoạn 1, số lượng cư dân sinh sống khá đông. Nước thải từ DA được thải trực tiếp ra ruộng vì hệ thống thoát nước ngoài khuôn viên DA chưa được đầu tư, nên việc đấu nối hệ thống thoát nước từ DA đến hệ thống chung chưa được tiến hành.

Chưa nói việc đầu tư hệ thống thoát nước chung cho khu vực đô thị, ngay hệ thống xử nước thải tại trong khuôn viên DA cũng không được các chủ đầu tư quan tâm.

Kết quả kiểm tra tình hình thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt đối với các DA đầu tư xây dựng khu chung cư (KCC), nhà ở xã hội (NOXH) tại KĐTM An Vân Dương của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), KĐTM An Vân Dương, có 7 DA đầu tư xây dựng KCC, NOXH đã được Sở TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó có 1 DA không triển khai xây dựng, 6 DA còn lại đã đi vào vận hành nhưng chưa được chủ DA đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải như đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Trong đó, DA đầu tư xây dựng KĐTM An Cựu, phường An Đông, TP. Huế đã được UBND tỉnh thống nhất dừng xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chỉnh trang hạ tầng, đưa Thuận Hóa xứng tầm quận trung tâm

Với mục tiêu xây dựng và phát triển quận Thuận Hóa trở thành quận trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, dịch vụ du lịch…, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của TP. Huế, UBND quận Thuận Hóa đẩy mạnh xây dựng hệ thống hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Chỉnh trang hạ tầng, đưa Thuận Hóa xứng tầm quận trung tâm
Hoàn thiện hạ tầng cho ngành giáo dục

Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và đẩy mạnh triển khai chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), TP. Huế tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), hạ tầng trường lớp, xứng đáng là lá cờ đầu trong lĩnh vực GD&ĐT của tỉnh.

Hoàn thiện hạ tầng cho ngành giáo dục

TIN MỚI

Return to top