ClockThứ Tư, 05/11/2014 17:03

Giữ xanh cho đô thị Huế

TTH.VN - Được bố trí hài hòa trong tổng thể không gian kiến trúc đô thị, cảnh quan môi trường với những thảm xanh sinh thái bao gồm sông, núi, gò đồi, đầm phá và nét chấm phá nổi bật là sông Hương thơ mộng uốn khúc giữa thành phố Huế đã tạo nên đặc trưng riêng của đô thị Huế trong sự hài hòa với thiên nhiên và được mệnh danh là một “bài ca đô thị”.  

Với lịch sử mấy trăm năm là thủ phủ của xứ Đàng Trong, kinh đô của triều Nguyễn, Thừa Thiên Huế là nơi duy nhất của Việt Nam còn khá nguyên vẹn hệ thống đền đài, thành quách, cung điện…

Thành phố Huế nhìn từ trên cao

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, những năm qua, Thừa Thiên Huế đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản; đồng thời, hướng đến phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn tối đa các giá trị vốn có của môi trường, cảnh quan thiên nhiên theo định hướng “đô thị sinh thái, văn hóa, cảnh quan, thân thiên với môi trường”, được cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận.

Tháng 4/2014, Huế được công nhận là “Thành phố văn hóa của ASEAN”; đến tháng 6/2014, vinh dự được bình chọn là “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”.

Mang trong mình 2 danh hiệu là thành phố văn hóa, thành phố bền vững về môi trường của ASEAN, Thừa Thiên Huế đang đẩy nhanh tiền trình đô thị hóa, phát triển với mục tiêu phấn đấu đưa toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, sẽ dẫn đến những đối kháng nhất định theo quy luật phát triển của đô thị.

Do vậy, chọn hướng phát triển của đô thị Huế trong hiện tại và tương lai là câu chuyện đã và đang đặt ra, trong đó giữ gìn và phát triển thảm xanh, cảnh quan môi trường của vùng đất lịch sử - văn hóa được xem là vấn đề cấp bách trong sự bùng nổ đô thị hiện đại.

Thừa Thiên Huế đang cần xác định cho được một định hướng phát triển sáng tạo mới, một phương án quy hoạch xây dựng tổng thể, đi kèm với một chiến lược bảo tồn và phát triển phù hợp, trong đó phải ưu tiên bảo tồn và cải tạo cảnh quan môi trường vùng lõi di sản – thành phố Huế với quy chế quản lý đặc biệt để bảo vệ di sản và môi trường.

Theo PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển thành phố Hố Chí Minh, quá trình đô thị hóa, Thừa Thiên Huế phải rút kinh nghiệm từ những đô thị trong nước và thế giới để đảm bảo sự hài hòa, trong đó ưu tiên những thảm xanh, những cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, “nếu một con sông, con suối, kênh rạch, ao hồ sinh thái, một thảm xanh tự nhiên mỗi khi đã nhường chổ cho các tòa nhà cao tầng thì sẽ không bao giờ có lại được”.

Điển hình dễ nhìn thấy ở thành phố Hồ Chí Minh, khi đô thị hóa thiếu sự cân bằng, một phần kênh rạch của thành phố bị lấp đi và hoặc ô nhiễm nặng, nổi bật nhất là rạch Lò Gốm, rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè một thời bốc mùi hôi thối mà người dân phải xa lánh. Để giải quyết môi trường con rạch này, thành phố Hồ Chí Minh đã phải tiêu tốn hết 18 triệu USD giai đoạn 1 và 480 triệu USD giai đoạn 2. Đây là bài học nhãn tiền để Thừa Thiên Huế lấy làm bài học trong quá trình đô thị hóa phải đảm bảo môi trường và cảnh quan đô thị.

Huế là thành phố di sản hiện hữu, đồng bộ và đặc sắc của Việt Nam, trong đó thiên nhiên Thừa Thiên Huế là di sản, thể hiện bản sắc riêng của đất trời Thừa Thiên Huế, thiên nhiên ở Thừa Thiên Huế nó được nhân văn hóa theo kiểu Huế. Coi thiên nhiên là di sản là xuất phát điểm để chúng ta vẽ nên thành phố này đẹp hơn cho tương lai. Phải nhìn rộng ra Huế không chỉ là di sản thành quách cung đình, mà còn là hệ thống di sản thiên nhiên và chính hệ thống di sản thiên nhiên đó đã tạo nên Huế hài hòa trong tự nhiên từ chốn kinh thành đến đô thị và các làng xã.

Để giữ cho đô thị di sản, cảnh quan môi trường, theo Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái - Hội kiến trúc sư Việt Nam – Canada: Huế cần bảo tồn riêng từng khu đô thị di sản không chỉ cải tạo để thích ứng với cuộc sống mới, mà vẫn duy trì đặc điểm tổ chức không gian cũ. Cụ thể là các phường nội thành, các khu Gia hội, Bao Vinh, Kim Long, Vĩ Dạ, Thủy Biều… thuộc diện này. Quản lý cải tạo ở đây phải có quy chế riêng. Tiếp đến là bảo tồn các vùng cảnh quan 2 bên bờ sông Hương, các đồi Vọng Cảnh, Thiên An… Tuyệt đối không cho phép xây dựng những công trình phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Phải mạnh dạn nói “không” với xu hướng xây dựng xen cấy, tăng độ cao và phá vỡ không gian cảnh quan bên bờ sông Hương.

Nhiều người khi đến Huế đều ngỡ ngàng và thích thú với không gian xanh của thành phố với rất nhiều công viên cây xanh, đường phố rợp mát bóng cây. Diện tích đất cây xanh ở Huế (công viên, đường phố, thảm cỏ) đã đạt 18,5 m2/người (chưa tính cây xanh trong vườn nhà dân, đất vườn ươm, cây công sở, cây xanh trong hệ thống di tích, rừng cảnh quan).

Cùng với khoảng 750 ngôi nhà vườn với hệ thống cây xanh bao phủ, có giá trị cả về văn hóa và lịch sử, đã tạo thành một tổng thể không gian xanh cho đô thị Huế đầy ấn tượng. Nhìn từ trên cao, Huế như một thảm xanh tự nhiên xen lẫn đền đài, thành quách cổ kính. Trong quá trình đô thị hóa, Thừa Thiên Huế tuyệt đối không để những con đường xanh, những công viên xanh, những tiểu khu xanh, gốc phố xanh trở thành hoài niệm.

Giữ lại không gian xanh cho Huế không chỉ là yếu tố môi trường mà còn tạo lợi thế mạnh hơn cho ngành du lịch phát triển bởi xu thế ngày nay, du khách càng quan tâm hơn đến du lịch sinh thái. Huế phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là cần thiết, trong đó cảnh quan thiên nhiên là một loại di sản hấp dẫn du khách, không thua kém di sản kiến trúc cung đình, di sản văn hóa đô thị mà Huế đang sở hữu.

Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế có con người đẹp, thiên nhiên đẹp mà tương ứng là có văn hóa đẹp, có môi trường đẹp – hai yếu tố quan trọng khẳng định chất lượng cuộc sống của con người.

Huế vinh dự được mang trong mình 2 danh hiệu văn hóa - môi trường của ASEAN. Cổ nhân có câu “đạt thì dễ mà giữ mới khó”. Để Huế mãi là thành phố văn hóa, bền vững về môi trường, đòi hỏi những người có trách nhiệm quản lý, những ai tha thiết với bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường vùng đất này phải nhanh tay hành động bằng tất cả tâm, trí, lực…

Khởi đầu là những quy hoạch phát triển phù hợp nhất, không đối kháng với văn hóa, môi trường và di sản Huế từ chính quyền cho đến sự chung tay bảo vệ của từng người dân Huế, làm cho văn hóa Huế ngày càng thêm “sâu”, môi trường đô thị Huế ngày càng thêm “xanh”, để Huế thật sự là “Quê hương của hạnh phúc”.

Xin mượn lời của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính để thay lời kết: “Phương châm phát triển Huế: thành phố văn hóa – lịch sử, thành phố sinh thái trong thiên nhiên, thành phố không có nhu cầu đối kháng, thành phố phát triển mà không tạo nên những hậu họa. Huế - nơi sống no ấm, sống an lạc, sống hài hòa và không bon chen, nơi ta thở sâu, đi nhẹ, nói êm. Có thể, Huế mới đích thực là chốn đô thi ước mơ cho người đời”.                    

Trần Dương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm tra thực địa mô hình trồng cây mai vàng Huế

Ngày 10/11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả kiểm tra thực địa mô hình trồng cây mai vàng Huế. Đây là một trong những hoạt động chính liên quan đến đề tài KH&CN cấp tỉnh: "Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống mai vàng Huế - Hoàng mai Huế" do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả chủ trì và PGS.TS Đặng Văn Đông là chủ nhiệm đề tài.

Kiểm tra thực địa mô hình trồng cây mai vàng Huế
Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

TIN MỚI

Return to top