ClockThứ Tư, 18/08/2021 07:15

Giá thấp, đánh bắt xa bờ gặp khó

TTH - Sản lượng khai thác hải sản 7 tháng đầu năm ước 23 ngàn tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một số loại cá nục, cá ngừ tiêu thụ chậm, giá bán giảm từ 20-30%.

Đánh bắt xa bờ: Chưa thực sự vươn xaSản lượng đánh bắt thấp, cơ sở cấp đông thiếu hàngĐối thoại để nắm bắt và thực hiện tốt hơn chính sách cho người lao động

Một tàu ở Thuận An trúng đậm cá nục nhưng vẫn lỗ

Hiệu quả khai thác chưa tương xứng

Theo ngư dân Trần Quốc ở phường Thuận An (TP. Huế), thực tế có thời điểm, ngư dân đánh bắt mỗi chuyến 5-7 tấn đến cả chục tấn cá nục, ngừ… Tuy nhiên, phần lớn các chuyến biển hiệu quả đều rơi vào thời điểm ảnh hưởng dịch COVID-19, sản phẩm tiêu thụ khó khăn, giá thấp. Trong vài tháng trở lại đây, giá hải sản, nhất là các loại cá nục, ngừ… giảm từ 20-30%.

Trong khi đó, những chuyến vươn khơi, kéo dài thường tốn chi phí xăng dầu khá lớn. Mỗi chuyến đánh bắt từ 7 đến 10 ngày chi phí nhiên liệu từ 40-60 triệu đồng. Có thời điểm giá xăng dầu, đá ướp lạnh tăng cao kéo theo chi phí mỗi chuyến khai thác cũng tăng, nên sản lượng dù khá cao nhưng hiệu quả khai thác vẫn thấp.

Ông Quốc nhẩm tính, nếu gặp trúng luồng cá, mỗi chuyến có thể đánh bắt 5-10 tấn cá nục, với giá trung bình chỉ 15 ngàn đồng/kg thì doanh thu ước 75-150 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí nhiên liệu, lương thực, bảo dưỡng thiết bị, máy móc, lưới cụ, trả công thuyền viên… chủ tàu còn lãi rất ít, thậm chí hòa vốn và thua lỗ.

Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An (TP. Huế), ông Nguyễn Văn Giàu đánh giá, thời tiết những tháng đầu năm nay khá thuận lợi, nhiều tàu, thuyền trên địa bàn đánh bắt khá hiệu quả về sản lượng. Tuy vậy, giá xăng dầu luôn dao động ở mức khá cao, trong khi giá hải sản lại thấp nên nhìn chung, hiệu quả khai thác chưa tương xứng.

Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang xác định, năng lực, hiệu quả đánh bắt của các tàu được nâng cao rõ rệt, tính riêng sản lượng khai thác thủy sản 7 tháng đầu năm nay, toàn huyện Phú Vang ước đạt gần 13 ngàn tấn, tăng khoảng 5-6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dù sản lượng tăng nhưng hiệu quả khai thác thấp do hải sản tiêu thụ chậm, giá thấp. Nhiều tàu khai thác sản lượng khá vẫn thua lỗ, có thời điểm phải nằm bờ, ngư dân không có nguồn thu trang trải cuộc sống.

Trúng đậm cá nục nhưng giá thấp

Cần đầu tư hoạt động thu mua, chế biến

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Trương Văn Giang đánh giá, trong điều kiện ngư trường ngày càng khó khăn, các đội tàu cá vẫn hoạt động sản xuất. Con số trên 23 ngàn tấn hải sản toàn tỉnh trong 7 tháng đầu năm nay, tăng khoảng 3,6% so với cùng kỳ năm trước là minh chứng sản lượng đánh bắt hải sản khá hiệu quả.

Tuy nhiên, một số loại cá biển như nục, ngừ tiêu thụ chậm hơn và giá giảm mạnh so với trước khi dịch COVID-19 xảy ra. Các đội tàu lưới rê, vây ánh sáng tụt giảm sản lượng, các tàu hiệu quả thấp nằm bờ, kéo theo đội dịch vụ hậu cần trên biển khó khăn. Nếu các tàu này đánh bắt hiệu quả thì sản lượng khai thác hải sản sẽ còn cao hơn nhiều. Hoạt động chế biến và tiêu thụ hải sản chưa mạnh; cá nục cấp đông và một số loại xuất tươi theo dạng tiểu ngạch đi Trung Quốc gặp nhiều trở ngại do dịch bệnh. 

Ông Giang cho rằng, để nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản, thời gian đến cần tăng cường hỗ trợ ngư dân khai thác thông qua các chính sách từ Trung ương đến địa phương. Ngành thủy sản có biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực, tổ chức sản xuất cho các đội tàu khai thác vùng biển xa, chú trọng đầu tư máy móc, lưới cụ khai thác các loại hải sản có giá trị như mực, cá thu, chủa, cam, cu, cờ, ngừ đại dương... Các tổ đội thu mua, khai thác kết nối các cơ sở thu mua, chế biến trong và ngoài tỉnh nhằm ổn định giá cả, kích cầu sản xuất.

Các cơ sở hoạt động chế biến cần được đầu tư một cách thỏa đáng, đảm bảo hạ tầng, thiết bị máy móc, hệ thống cấp đông, dự trữ nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, phối hợp với ngư dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất, thu mua, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đầu ra ổn định. Trong điều kiện ngư trường, nhất là vùng biển gần bờ, trung bờ đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lợi hải sản, các bộ, ngành liên quan cần tăng cường công tác nghiên cứu, điều tra nguồn lợi hải sản, dự báo ngư trường, định hướng các biện pháp cho các đội tàu khai thác hiệu quả.

Đến nay, tổng số tàu khai thác hải sản xa bờ toàn tỉnh có đăng ký là 572 chiếc. Trong đó, tàu cá cỡ trung dài từ 12-15 mét là 146 chiếc; tàu xa bờ dài từ 15 mét trở lên 391 chiếc; tàu cỡ lớn dài trên 24 mét 12 chiếc (trong đó có 4 tàu vỏ thép).

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt

Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi việc người dân đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện Quảng Điền đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt
Lắng nghe để gỡ khó

Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo huyện với ngư dân trên địa bàn là giải pháp quan trọng để Quảng Điền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm hướng đến mục tiêu: Phát triển hiệu quả dịch vụ, du lịch biển, đầm phá.

Lắng nghe để gỡ khó
Thả lưới rùng quây cá ngát

Gần ba giờ đồng hồ sau khi thả, tấm lưới được những ngư dân lành nghề kéo lên thuyền. Theo nhịp sóng, thuyền tấp vào bờ, trong chiếc giỏ đựng lộc biển, những con cá ngát thu hút sự quan tâm của người mua.

Thả lưới rùng quây cá ngát
Tập huấn phổ biến pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU

Ngày 20/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn nhằm phổ biến pháp luật về thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); triển khai Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao.

Tập huấn phổ biến pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU

TIN MỚI

Return to top