ClockThứ Tư, 06/10/2021 15:04

Để chương trình trồng cây xanh đạt hiệu quả lâu bền: Phải có giải pháp thực chất

TTH - Với mục tiêu phát triển cây xanh, góp phần bảo vệ môi trường và làm giàu từ rừng, Chính phủ đã ban hành đề án trồng 1 tỷ cây xanh trên cả nước đến năm 2025. Để đề án khả thi và đạt hiệu quả lâu dài, chiến lược trồng rừng cần trở thành mục tiêu thường xuyên, gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân.

Tăng cường quản lý về cây xanh đô thị trong mùa mưa bãoSáng kiến Xanh ASEAN: Trồng 10 triệu cây bản địa trong 10 năm tớiXanh mướt các loại cây trong nhà

Toàn dân Bhutan trồng cây kỷ niệm hoàng tử - con trai Quốc vương Khesar chào đời. Ảnh: The Iogical Indian

Nhìn từ Bhutan và Philippines

Cách đây 40 năm, Bhutan là một trong những quốc gia duy nhất trên thế giới lựa chọn mô hình tăng trưởng chú trọng chỉ số hạnh phúc (GNH). Theo đó, 4 chỉ số phát triển mà Bhutna kiên định theo đuổi là: Chỉ số môi trường, chỉ số phát triển kinh tế bền vững, chỉ số văn hóa và chỉ số chính phủ trong sạch, thân thiện.

Để đạt được chỉ số bảo vệ môi trường, Bhutan ban hành nhiều quy định, trong đó có quy định, người dân muốn chặt một cây xanh thì phải xin phép và trồng bù thay thế 3 cây khác. Việc trồng bù, chăm sóc cây được giám sát, theo dõi chặt chẽ.

Tại Bhutan, hoạt động trồng rừng được gắn với các chương trình hành động của Chính phủ. Cách đây chưa lâu, vào năm 2016, nhân sự kiện đầy tháng hoàng tử, con trai Quốc vương Khesar, Bhutan phát động trồng 108.000 cây xanh trên cả nước. Theo đó, 82.000 hộ dân, mỗi gia đình trồng 1 cây xanh. 26.000 cây xanh còn lại được các tình nguyện viên trồng tại các khu đặc biệt ở 14 huyện, thị.

Với nhiều cách làm thiết thực, đến nay, Bhutan - quốc gia chỉ có 750.000 dân bên triền dãy Himalaya xa xôi, không chỉ trở thành quốc gia xanh mà còn là thị trường xuất khẩu gỗ lớn của thế giới.

Không được như Bhutan, Philippines là một trong những quốc gia có nạn phá rừng nghiêm trọng nhất thế giới với tổng diện tích rừng che phủ giảm từ 70% xuống 20% trong thế kỷ 20. Khai thác gỗ bất hợp pháp luôn là vấn đề nhức nhối ở đất nước này. Việc thiếu cây xanh ở một số khu vực đã làm gia tăng nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất tại Philippines. 

Cách đây vài năm, Philippines đã ban hành đạo luật, yêu cầu mỗi học sinh năm cuối cấp tiểu học, trung học và đại học phải trồng ít nhất 10 cây xanh trước khi tốt nghiệp. Với đạo luật có tên "Di sản tốt nghiệp cho hành động vì môi trường", dự ước, khoảng 525 tỷ cây xanh sẽ được trồng tại Philippines trong một thế hệ, khi đạo luật được thi hành một cách nghiêm túc.

Các nhà chức trách Philippines tính toán, với hơn 12 triệu học sinh tốt nghiệp tiểu học, gần 5 triệu học sinh tốt nghiệp trung học và gần 500.000 học sinh tốt nghiệp đại học mỗi năm, sáng kiến này sẽ đảm bảo ít nhất 175 triệu cây xanh được trồng mới mỗi năm. Theo đó, ở mỗi thế hệ, Philippines sẽ có ít nhất 525 tỷ cây xanh được trồng. Kể cả khi các cây này chỉ có 10% khả năng sống sót, cũng sẽ có thêm 525 triệu cây xanh mới cho mỗi thế hệ người dân Philippines trong tương lai.

Cần giải pháp thực chất, bền vững

Tại Việt Nam, phong trào “Tết trồng cây” được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động từ năm 1960 và được duy trì cho đến nay. Với nhiều nỗ lực từ các chương trình, dự án bảo tồn, phát triển rừng, tỷ lệ rừng che phủ được tăng lên hàng năm. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, nạn khai thác rừng bừa bãi chưa được ngăn chặn triệt để. Các dự án thủy điện, khai thác khoáng sản, lấy đất sản xuất... thiếu quy hoạch, thiếu sự quản lý chặt chẽ khiến không ít diện tích rừng mất trắng.  

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, dù diện tích rừng bị thiệt hại giảm 270ha/năm, nhưng chỉ trong vòng 4 năm (từ 2016-2019), diện tích rừng cả nước bị thiệt hại lên tới 7.283ha. Như vậy, trung bình mỗi năm, có 2.430ha rừng mất đi do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Theo đề án trồng 1 tỷ cây xanh đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025, cả nước phấn đấu có 690 triệu cây xanh phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Cùng với đó, đề án đưa ra các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó chú trọng tăng cường xã hội hóa, đưa việc trồng cây trở thành phong trào thi đua thiết thực của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của mọi người dân, tránh phô trương, hình thức. 

Để chiến lược trồng cây xanh có hiệu quả thiết thực, lâu dài, bền vững, không chỉ là phong trào đến hẹn lại lên, thiết nghĩ, cần học tập phương cách từ xứ sở Bhutan hay từ Philippines.

Cần thiết đưa chỉ tiêu trồng cây xanh vào quy ước xây dựng gia đình, thôn, bản văn hóa. Nếu ở mỗi địa phương, cả cộng đồng cùng giao kết xây dựng quy ước, mỗi đứa trẻ được sinh ra, mỗi cặp vợ chồng cưới nhau, hay thậm chí mỗi người già qua đời, đều đánh dấu bằng việc trồng vài cây xanh, được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác thì cây xanh sẽ dần lan tỏa.

Không chỉ ràng buộc bằng quy định như ở Bhutan hay Philippines, sẽ là hành vi đẹp và có ý nghĩa thiết thực nếu ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, mỗi khi ai đó được bổ nhiệm, thăng chức, họ sẽ trồng một vài  cây xanh.

Ở quy mô lớn hơn, ngoài trồng cây vào mỗi đầu năm mới để hưởng ứng “Tết trồng cây” mà Bác Hồ đã phát động, nên tổ chức trồng cây xanh trên cả nước vào các ngày lễ lớn như Quốc khánh 2/9, kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; các ngày sinh của các lãnh tụ, tiền bối cách mạng... Hay đơn giản như tổ chức cho du khách trồng cây xanh khi tham quan địa điểm du lịch sinh thái.

Nếu không gắn với giải pháp cụ thể, quyết liệt, nhằm ràng buộc trách nhiệm, lan tỏa cảm hứng đến mỗi người dân... thì e rằng, mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh đến năm 2025 và các mục tiêu lâu dài hơn ở mỗi địa phương, khó lòng đạt được hiệu  quả cao và bền vững.

Nhật Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình

Trong 2 ngày 23 và 24/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn công tác quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình
“Rèm xanh” cho căn nhà

Phủ xanh ngôi nhà bằng các loài cây leo là xu hướng được nhiều người ưa chuộng trong những năm gần đây. Như những “tấm rèm xanh” tự nhiên, những dàn cây leo không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà còn giúp giảm thiểu ảnh hưởng từ nắng mưa, tạo nên không gian xanh mát, trong lành và dễ chịu giữa chốn đô thị.

“Rèm xanh” cho căn nhà
Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới

Trong 2 ngày 19-20/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến về công tác chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non (GDMN), tham vấn quy trình thí điểm, các biểu mẫu báo cáo kết quả thí điểm chương trình GDMN. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới

TIN MỚI

Return to top