ClockThứ Năm, 18/04/2019 13:30

Đủ tài, đủ tâm làng nghề sẽ sống

TTH - Thịnh suy của những làng nghề truyền thống bây giờ không chỉ là chuyện của riêng nghệ nhân hay người dân mà còn của cả cộng đồng…

Hiệu ứng từ các kỳ Festival Nghề truyền thống HuếTrao bằng công nhận làng nghề truyền thống mai cảnh Thế Chí Tây

Những nghệ nhân đan lát tại làng Bao La vẫn kiên trì tìm tòi mẫu mã mới

1. “Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột/ Chiếu Bình Định tốt lắm ai ơi…”, câu ca dao mà người làng Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) nằm lòng từ ngàn đời.

Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La khoe, sản phẩm từ mây tre nếu không do chính tay người địa phương làm chắc chắn sẽ không đẹp và sắc. Với bí quyết riêng của mình, đến bây giờ, làng nghề vẫn còn sống khỏe, sống tốt. Rổ rá bằng mây, tre Bao La không chỉ đi Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Nội mà còn sang Trung Quốc với đa dạng các sản phẩm, phân khúc thị trường khác nhau.

Ông Dinh khoe cũng đúng, bởi Bao La thuộc trong số ít làng nghề biết thay đổi để phù hợp với thực tế và được thị trường đón nhận. Họ không dừng lại ở những sản phẩm thủ công truyền thống mà còn cải tiến, giúp người tiêu dùng được xem những sản phẩm lưu niệm độc đáo.

Lý giải về sự thành công của nghề đan lát ở Bao La, ông Dinh dừng lại ở chữ “tài”, bởi trước đó tôi cắc cớ ông rằng, nghề đan lát không chỉ ở Bao La, mà ngay trên mảnh đất Thừa Thiên Huế không ít nơi đang làm và khi sản phẩm của Bao La tìm đường “xuất ngoại”, sẽ sang tay rất nhiều người, rất dễ bị “đánh cắp”.

Du khách thích thú với sản phẩm của làng nghề đúc đồng

Chữ “tài” của ông Dinh không chỉ ở 5 hay 6 công đoạn kỹ thuật để làm ra một sản phẩm, từ khâu chọn sơ chế nguyên liệu rồi vót, gầy, đan, lát, lận, nứt mà còn đặt cái tâm nghề lẫn sự học hỏi để biến những sản phẩm vốn không thuộc về nghề đan lát để trở thành sản phẩm chính thống của nghề.

“Họ đều là nông dân, cặm cụi ngày đêm làm việc, lúc rảnh lên mạng để tìm kiếm những sản phẩm mới chuyển sang vật liệu chính là mây tre, có rứa hàng năm mới có sản mới cho thị trường. Nhiều người hỏi tôi về đặc trưng, sự khác biệt của sản phẩm ở Bao La để những nơi khác không bắt chước, tôi chỉ nói gọn là nằm ở con người. Nghề gì cũng có bí quyết, đan lát ngó qua đơn giản nhưng nếu không phải là người Bao La, những kỹ thuật như “lận” hay “nứt” sẽ khác ngay. Có rứa sản phẩm của chúng tôi mới đứng vững được. Bây giờ nhân lực không đủ sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Dinh chia sẻ. 

Nghề truyền thống không chỉ là nghiệp chính mưu sinh của người dân nhiều thế kỷ trước mà ở đó còn phản ánh nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân cư. Đến bây giờ nhiều nghề vẫn tồn tại, phát triển nhưng không ít nghề mai một, mất dần theo thời gian nếu không thay đổi.

Có lần tôi “lạc” vào một nhà thờ họ tộc có một cái lư bằng đồng tuyệt đẹp, đó là một trong ba món đồ được gọi là tam sự. Trưởng họ khoe xuất xứ ở phường Đúc (TP. Huế), nơi có làng làng nghề đúc đồng nổi tiếng.

Những sản phẩm độc đáo của làng nghề đúc đồng ở Phường Đúc thu hút du khách

Vị trưởng họ nọ có thể không biết, chứ chiếc lư đồng ấy chỉ là sản phẩm nhỏ bé trong muôn vàn sản phẩm tinh xảo ở làng nghề đúc đồng này. Rất nhiều sản phẩm có xuất xứ từ nơi đây trở thành mẫu mực, thậm chí lập kỷ lục, vượt khỏi “biên giới” như, tượng Trần Hưng Đạo đặt tại công viên Vị Hoàng (TP. Nam Định), tượng Như Lai đặt tại chùa Kim Thành (Gia Lai)… hay Đại hồng chung ở chùa Bái Đính  được xem là quả chuông lớn nhất Đông Nam Á.

Anh Nguyễn Phùng Sơn, hậu duệ của nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Sính bảo, tượng lớn, chuông lớn một thời được xem là đặc trưng của nghệ nhân xứ Huế. Nhưng làng nghề bây giờ sống khỏe là nhờ nhu cầu thị trường. Chùa chiền, đền thờ, miếu điện mọc lên càng to, càng nhiều càng khiến thợ đúc có thêm việc, rồi họ cũng chuyển sang các mặt hàng lưu niệm để đa dạng hóa sản phẩm.

Trước khi trở về Huế, anh Sơn có gần 20 năm hành nghề ở ngoại tỉnh. Hơn ai hết, anh hiểu, dấn vào nghiệp nghề phải cần làm gì để tồn tại. “Cạnh tranh và nghiên cứu thị trường” – anh Sơn nói, đó chính là sự khác biệt giữa xưa với nay. “Nghề đúc đồng Huế có tiếng từ lâu, nhưng giờ nhiều nơi đúc đồng cũng phát triển mạnh, có nơi có thể làm chuông lớn, tượng lớn hơn cả Huế. Có điều, cách pha chế, tạo hợp kim của người thợ Huế khác, đồng thời kỹ thuật đúc của mình cũng tinh xảo hơn khiến sản phẩm luôn có chỗ đứng”, anh Sơn chia sẻ.

2. Đúc đồng hay đan lát chỉ là những nốt nhạc hay trong bản hòa ca đủ cung bậc trong số hàng trăm làng nghề của Huế.

Festival Nghề truyền thống Huế cận kề, đó không chỉ là ngày hội của những làng nghề, ngành nghề truyền thống của tỉnh mà còn là nơi những nghệ nhân, người thợ khắp cả nước tề tựu về để quảng bá, chiêm ngưỡng, học hỏi lẫn nhau.

Ở đó, nhắc đến nghệ nhân Nguyễn Văn Sính, Nguyễn Phùng Sơn thì du khách như nghe âm thanh tiếng chuông vọng; nhìn thấy nghệ nhân Trần Duy Mong, du khách sẽ hình dung ngay các sản phẩm kim hoàn tinh xảo hay trò chuyện với nghệ nhân Lê Văn Kinh, họ sẽ tưởng tượng được phong cảnh Huế ngay trên tranh thêu…

Khôi phục hay giữ nghề truyền thống ngoài cái nền tảng sẵn có còn phải cần con người, những người đủ tâm và tài. Đến đây tôi chợt nhớ đến làng nghề sản xuất nước mắm Hải Nhuận (xã Phong Hải, huyện Phong Điền) vừa được UBND tỉnh công nhận. Có thể dịp hội lớn này là cơ hội để họ quảng bá sản phẩm. Nhưng điều quan trọng là duy trì và phát triển nghề thế nào giữa muôn trùng những thứ tương tự như vậy. Bản chất của nước mắm truyền thống không chỉ ở hỗn hợp 3 cá 1 muối mà nằm ở con người và thị trường, làm thế nào để đứng vững, đứng chắc.

Mỗi nghề, làng nghề đều có những giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng. Khôi phục, phát triển làng nghề nhiều năm qua được xác định là hướng đi ưu tiên để phát triển du lịch. Song, trong gần trăm làng nghề truyền thống, với khoảng 30 làng nghề thủ công truyền thống thì số làng nghề hoạt động tốt chưa nhiều.

Ai một lần ngang qua làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) sẽ tiếc rẻ cho nghề làm gốm hầu như chỉ đỏ lửa mỗi khi đến kỳ festival. Nghệ nhân nơi đây trăn trở về lớp kế cận để duy trì nghề, du khách khi ghé thăm chẳng mấy ấn tượng ngoài những ngôi nhà cổ và kiểu tập tành nặn đất sét bỏ lò nung. Đến dịp, sản phẩm vẫn có để trưng bày, để tham gia nhưng xong lễ hội, lò lại nguội. Bây giờ gốm không còn là kinh tế nên dân chẳng mấy mặn mà.

Khi ghé thăm những làng nghề, tôi vẫn đau đáu cho những nghề truyền thống chỉ còn lại danh tiếng, nghề chỉ còn là tên gọi. Khôi phục được hay không giá trị thực chất chắc không dễ trả lời sau những lần lễ hội...

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làng nghề làm nón lá ở Thanh Tân

Hình thành từ lâu nhưng sau bao thăng trầm, nghề làm nón (chằm nón)ở làng Thanh Tân (xã Phong Sơn, thị xã Phong Điền) hiện vẫn lưu giữ được nét đẹp truyền thống và tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Làng nghề làm nón lá ở Thanh Tân
Giáo dục truyền thống qua bảo tàng

Những năm qua, Bảo tàng Lịch sử TP. Huế rất chú trọng đến chức năng giáo dục khoa học, tập trung vào các nhiệm vụ giáo dục truyền thống cách mạng và truyền thống yêu nước. Những di tích thuộc sự quản lý của Bảo tàng trở thành điểm đến thú vị, tạo được cảm hứng và học hỏi được rất nhiều điều hay.

Giáo dục truyền thống qua bảo tàng
Ấm lửa rèn Bao Vinh

Người xưa truyền lại, nghề rèn Bao Vinh (phường Hương Vinh, quận Xuân Phú) đã có từ lâu đời với nguồn gốc từ làng Hiền Lương (thị xã Phong Điền) nổi tiếng nghề rèn, nghề sắt truyền thống.

Ấm lửa rèn Bao Vinh
Chăm lo, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Đã từng đi qua chiến tranh, thấy được giá trị của sự độc lập, tự do, Hội Cựu chiến binh (CCB) trong toàn tỉnh luôn xác định, để khơi dậy truyền thống yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ trẻ phải chính bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Chăm lo, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

Đôi vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời, sinh sống tại huyện A Lưới đã dành cả cuộc đời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy, họ trở thành những ngọn lửa dẫn đường và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

TIN MỚI

Return to top