ClockThứ Ba, 22/02/2022 06:30

Đầu tư nguồn lực đáp ứng đơn hàng xuất khẩu

TTH - Sau một năm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời điểm này, đơn hàng ngành dệt may khá dồi dào, các doanh nghiệp (DN) đang tăng tốc sản xuất để tận dụng thời cơ và tìm kiếm thêm khách hàng tiềm lực.

“Bội thu” đơn hàng mùa dịchTới tấp đơn hàng nhưng dệt may vẫn đối mặt nhiều nguy cơ trong đợt dịch mớiVực dậy ngành hàng xuất khẩu

Đơn hàng nhiều, Công ty CP Dệt may Phú Hoà An đang tuyển dụng hơn 1.000 lao động đáp ứng năng lực sản xuất

Đơn hàng dồn dập

Là DN sản xuất hàng dệt may xuất khẩu trực thuộc Tập đoàn Sơn Hà, thời điểm này Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế gặp khá nhiều thuận lợi khi dịch COVID-19 tại các nước trên thế giới được kiểm soát, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dịch cao, người dân quay trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh nên số lượng đơn hàng tăng đột biến. Tính đến nay, DN đã nhận đơn hàng đến hết năm 2022 và đang đàm phán với đối tác để ký kết đơn hàng mới cho năm 2023.

Theo lãnh đạo công ty, ông Lê Văn Khánh, khác với không khí trầm lắng, thiếu đơn hàng vào đầu năm 2021 khi các nước trên thế giới phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch nên các cửa hàng thời trang buộc phải đóng cửa, đầu tháng 2/2022, các khách hàng dệt may ở Mỹ, châu Âu liên tục đặt các đơn hàng xuất khẩu. Dù mới giữa tháng 2/2022, song đơn hàng công ty đã nhận hết năm, có nhiều khách hàng đặt số lượng lớn nhưng không thể nhận vì nguồn lực sản xuất không đáp ứng, sợ phải bồi thường hợp đồng vì xuất hàng chậm.

Nhà máy may Sơn Hà cũng đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ để tuyển dụng khoảng 600 lao động, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu

Để nâng cao công suất, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu của đối tác, DN đang hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy 2 tại Khu công nghiệp (KCN) Phú Đa, công suất 45 chuyền may, tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Đồng thời, đầu tư thiết bị máy móc hiện đại cho nhà máy 1 để nâng cao năng suất, tiết giảm nhân công, đáp ứng các đơn hàng đã ký.

Tại các KCN như Phú Bài, Phong Điền, Phú Đa…, từ đầu năm 2022 đến nay có khá nhiều DN đầu tư xây dựng nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Hiện, một số dự án (DA) như nhà máy sản xuất găng tay y tế của Công ty Kanglongda, các nhà máy sản xuất hàng dệt may của Công ty Scavi Huế, Công ty CP Dệt may Thiên An Phú; DA nhà máy gia công thạch anh Chân Mây, DA sản xuất máy biến dòng… đang đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động góp phần tăng năng lực ngành công nghiệp trong thời gian tới.

Theo lãnh đạo Công ty CP Dệt may Phú Hòa An, với số lượng đơn hàng năm 2022 tăng trên 20% so với năm 2021, đến thời điểm này công ty đã nhận đơn hàng hết năm 2022. Công ty vừa đưa vào vận hành nhà máy may 2 với công suất 48 chuyền may, tổng kinh phí đầu tư hơn 150 tỷ đồng.

Theo Phó Tổng Giám đốc công ty, ông Hồ Nam Nhật, do các DN phía nam chưa kêu gọi được lao động trở lại làm việc sau thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19 nên hiện đang sản xuất cầm chừng, vì vậy các đối tác chuyển đơn hàng ra Huế. Sau khi tiếp nhận các đơn hàng từ các nhà máy may phía nam, DN được trợ giá từ 15 - 20% so với mức giá DN trực tiếp ký kết với đối tác nên đơn vị đang tuyển dụng thêm 1.000 lao động, đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ nhằm thu hút lao động, tăng nguồn lực đáp ứng các đơn hàng.

Khó tuyển dụng lao động

Qua thống kê, đến thời điểm này 100% DN dệt may nhận đủ đơn hàng xuất khẩu trong quý I/2022, khoảng 50% DN đã ký hợp đồng đến hết quý II, III/2022 và hơn 30% DN đã nhận đơn hàng đến hết năm 2022. Các DN chuẩn bị nguyên phụ liệu, tuyển dụng thêm lao động, đầu tư máy móc thiết bị và triển khai các biện pháp phòng dịch COVID-19 để ổn định sản xuất. Một số DN chia sẻ đơn hàng cho các nhà máy, tạo sự gắn kết cùng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD).

Đơn hàng nhiều, chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất ổn định khi Chính phủ “nới lỏng” các biện pháp phòng dịch COVID-19, hoạt động vận tải hàng hóa thuận tiện giúp DN ổn định SXKD. Mặc dù vậy, hiện một số DN trên địa bàn không dám mở rộng nhà xưởng, nhận thêm đơn hàng do công tác tuyển dụng lao động gặp nhiều khó khăn, nhiều lao động từ các tỉnh phía nam về quê “tránh dịch” vào làm việc nay xin nghỉ để trở vào Nam, do các DN đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ lao động hấp dẫn.

Theo ông Lê Văn Khánh, giai đoạn cuối năm 2021, DN tiếp nhận hơn 300 lao động từ các tỉnh phía nam về Huế tránh dịch vào làm việc, ra Tết Nguyên đán 2022 số lao động này đã trở vào làm việc tại các nhà máy may phía nam nên hiện DN đang thiếu trầm trọng nguồn lao động.

Qua khảo sát tại các DN, hiện đơn hàng dệt may không thiếu, nhưng nhiều DN không dám nhận đơn hàng vì không chủ động được sản xuất do thiếu lao động và năng lực sản xuất. Mặc khác, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thỉnh thoảng có công nhân dương tính với COVID-19, làm gián đoạn các dây chuyền sản xuất.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, đầu năm 2022 có khá nhiều DN thông báo tuyển dụng lao động, trong đó có 41 DN có nhu cầu tuyển dụng hơn 9.000 người. Theo đó, nhiều DN tuyển dụng lượng lớn lao động làm việc tại Huế, như: Scavi Quảng Vinh tuyển 2.000 lao động, Công ty CP Vinatex Quốc tế chi nhánh Huế tuyển 1.340 lao động, Công ty TNHH Công nghệ Bảo hộ Kanglongda Việt Nam tuyển 1.269 lao động, Công ty Scavi Huế tuyển 570 lao động, Công ty Sơn Hà Huế tuyển 540 lao động…

Cùng với công tác tuyển dụng lao động, chủ động nguồn nguyên liệu cũng là giải pháp căn cơ, lâu dài cho DN dệt may. Bởi, từ thực tiễn đứt gãy chuỗi cung ứng của ngành dệt may qua 2 năm xảy ra dịch COVID-19, DN nhận thấy làm chủ nguyên liệu trong nước là “chìa khóa” giúp phát triển bền vững, chắc chắn hơn trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Dự án Osaka Huế nhận bàn giao mặt bằng đợt 1

Ngày 7/1, chủ đầu tư dự án Osaka Huế thông tin, đơn vị đã nhận giao đất đợt 1 để đầu tư thực hiện dự án khu dân cư tại khu quy hoạch LK8, LK9, CX11 và CC5 thuộc khu A, Khu đô thị mới An Vân Dương, thành phố Huế.

Dự án Osaka Huế nhận bàn giao mặt bằng đợt 1
Nhiều âu thuyền, vũng neo cần được đầu tư

Trên địa bàn thành phố Huế hiện có 8 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên. Nhiều âu thuyền nhỏ, vũng neo đậu tự nhiên ở các vùng ven biển, đầm phá đã xuống cấp hoặc chưa được đầu tư hạ tầng, ảnh hưởng đến việc phát triển hậu cần nghề cá và du lịch địa phương.

Nhiều âu thuyền, vũng neo cần được đầu tư

TIN MỚI

Return to top