ClockThứ Bảy, 19/09/2020 13:34

Chặn việc hợp đồng lòng vòng

Đều trong ngành y tế, trong thời gian ngắn vừa rồi, cơ quan chức năng đã phát hiện hai vụ nâng khống giá thiết bị y tế, với mức độ  - nói một cách hình tượng theo thuật ngữ chuyên dùng của dự báo thời tiết là “giật trên cấp 12”. CDC Hà Nội nâng khống giá mua thiết bị y tế lên đến hơn 3 lần, trong khi Công ty cổ phần Trang thiết bị y tế Hà Tĩnh bán 4 bộ máy giặt với mức giá nâng lên gấp 6 lần. Xin được lưu ý, số nâng khống không phải từ con số 1-2 đồng mà từ tiền tỷ, cho nên con số nâng khống tuyệt đối là rất lớn. Cụ thể, vụ việc ở CDC Hà Nội là nâng từ 2,3 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng, tức là làm thất thoát khoảng 4,7 tỷ đồng. Vụ ở Hà Tĩnh là từ hơn 2 tỷ đồng khi 4 máy giặt sấy vào đến bệnh viện đã lên 12 tỷ đồng, tức là làm thất thoát khoảng 10 tỷ đồng.

Có vài đặc điểm chung cần lưu ý như sau: tiền sử dụng trong những vụ này đều là tiền công; những người chấp nhận mua thiết bị với giá trên trời là những người làm việc công. Đường đi của nâng giá đều có chung một thủ thuật là mua bán lòng vòng. Từ công ty A qua công ty B; rồi từ công ty B qua công ty C… đến cuối cùng mới đến nơi tiêu thụ. Qua mỗi khâu như vậy, giá được nâng lên một bậc.

Sở dĩ chúng ta quan tâm đến những vụ việc này là bởi vì nó có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào có vốn đầu tư công, thậm chí là vốn đầu tư từ các công ty cổ phần. Không chỉ ở lĩnh vực y tế mà còn nhiều lĩnh vực khác. Ví dụ như vụ “xây biệt thự cho bò” ở Nghệ An. Chuồng bò làm không khá hơn một ngôi nhà cấp 4, nhưng có giá đến chừng 7,8 triệu đồng/m2 xây dựng.

Riêng vốn đầu tư công hàng năm trên cả nước là rất lớn. Vốn đầu tư của doanh nghiệp cũng không hề nhỏ. Chẳng hạn như ở Huế, vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm ước tính, khối tư nhân chiếm khoảng 60%. Nâng khống giá đối với vốn đầu tư công là nhằm rút ruột ngân sách của Nhà nước, còn vốn đầu tư tư là rút ruột từ vốn đầu tư của cổ đông, có thể có cả vốn ngân hàng?

Để chấm dứt hoặc ít nhất hạn chế tình trạng này, có mấy mắt xích cần giải quyết. Thứ nhất là buộc phải công khai. Anh mua mặt hàng này với giá trị bao nhiêu, từ địa chỉ nào là phải công khai. Một khi đã công khai thì việc giám sát dễ dàng hơn. Hơn nữa, một khi đã công khai thì anh cũng phải “chờn”, không thể nâng khống giá vô thưởng vô phạt như vậy được. Quy định đấu thầu mua sắm công đã có nhưng cũng rất dễ rơi vào tình trạng “quân xanh quân đỏ”. Việc thẩm định giá cũng đã được quy định rất rõ, nhưng như hai trường hợp nêu trên chúng ta thấy, có tình trạng “thẩm định liều”, cho nên một biện pháp bổ sung nữa tốt nhất là công khai, minh bạch. Ở lĩnh vực y tế, vừa rồi Bộ Y tế đã có một động thái, công khai giá của các trang thiết bị y tế là một điều rất hay.

Thứ đến, phải chặn đứng việc hợp đồng mua bán lòng vòng. Các cơ quan chức năng kiểm soát việc này luôn luôn đặt câu hỏi tại sao không mua trực tiếp mà mua thông qua trung gian? Càng qua nhiều trung gian thì càng phải đặt dấu hỏi nghi ngờ - liệu có thông đồng để nâng giá không. Điều này không khó để truy ra dấu vết của đường đi lòng vòng. Bởi qua một hợp đồng mua bán đều có chủ thể, có địa chỉ hẳn hoi. Ví dụ như vụ tại CDC Hà Nội mua bán lòng vòng qua đến 4 công ty, còn vụ ở Hà Tĩnh thì qua một công ty trung gian để hợp lý hóa chứng từ.

NGUYÊN LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bắt đối tượng trong đường dây mua bán thận

Ngày 24/12, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Trọng Luận (sinh năm 1990), trú tại TP. Vinh, Nghệ An về hành vi “Mua bán bộ phận cơ thể người”.

Bắt đối tượng trong đường dây mua bán thận

TIN MỚI

Return to top