ClockThứ Ba, 28/07/2015 07:26

Biến “sỏi đá thành cơm”

TTH - Không có nguồn thu “khủng” như một số đồng chí, đồng đội khác làm kinh tế giỏi ở thị xã Hương Thủy, nhưng ông Nguyễn Văn Mẫu (xã Dương Hòa, Hương Thủy) là một trong những tấm gương tiêu biểu của sự chịu thương chịu khó để làm chủ cuộc sống bằng sức lao động và ý chí của bản thân.

Ngày chúng tôi đến thăm, ông Nguyễn Văn Mẫu lại bị bó chân ngồi một chỗ. Trước đó vài ngày, trong một lần sửa chữa sân nhà, ông bị mất đà trật chân ngã. Trong suốt thời gian trò chuyện, ông cứ cười. Chắc vì sẵn có tinh thần tươi trẻ ấy nên thật khó để nhận ra ở ông dù đã 76 tuổi và từng chết đi sống lại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ông Mẫu và sản phẩm vườn nhà – cây thanh trà trĩu quả
Ông Mẫu bắt đầu tham gia kháng chiến chống Mỹ từ chính đất Dương Hòa này. Thời điểm đó, ông làm cơ sở cho Tỉnh ủy, sau là Thành ủy. Ông bị thương trong một lần cùng anh em thực hiện nhiệm vụ điều nghiên sân bay Phú Bài để vẽ sơ đồ. Trận ấy vào khoảng đầu năm 1967, không ít người phải nằm lại. Còn ông, một bên chân bị thương nặng và bị địch bắt về tra khảo. Sau một thời gian không khai thác được gì, ông bị đưa ra nhà tù Phú Quốc, đến khi được tự do thì biết thương tật trên cơ thể ở mức 3/4. Với mức thương tật đó, ông Mẫu được tạo điều kiện để học ngành Bưu chính viễn thông. Hòa bình, ông về phục vụ ngay Bưu điện Hương Thủy. Nhưng không được bao lâu, cuộc sống vất vả, lại không đỡ đần được vợ con nhiều nên ông quyết định về hưu non, trở về Dương Hòa làm vườn.
 “So với nhiều anh em khác, tui không lanh lợi bằng nhưng được cái là chịu khó. Khổ như bữa ni đã ăn thua chi so với thời chiến tranh. Hơn nữa, Đảng đã dạy rồi, lao động là vinh quang, có đổ mồ hôi sôi nước mắt thì chắc chắn sỏi đá cũng thành cơm thôi, không lo chi đói”, ông Nguyễn Văn Mẫu cười hiền.
Mặc dù tuổi đã cao, nhưng hiện nay vợ chồng ông Mẫu vẫn là lao động chủ lực của vài ha đất rừng, 5 ngàn m2 vườn nhà, 1 sào ruộng lúa và 3 sào đất khô. Đất rừng không có nhiều, nhưng có thuận lợi là nằm ngay bên đường giao thông nên ông đỡ vất vả trong việc chăm sóc, thu hoạch và định giá bán. Với hàng ngàn m2 đất vườn, ông trồng nhiều loại cây khác nhau, trong đó có 3 loại chủ lực cho giá trị kinh tế cao là thanh trà, tiêu và măng cụt. Con cái đã trưởng thành, chỉ còn vợ chồng anh con trai út với 2 cô con gái xinh xắn ở chung với ông bà, nên tranh thủ những ngày nghỉ, anh con trai cũng giúp được ông rất nhiều trong các việc thu hái mà phải leo trèo. Còn những việc khác, như cắt lúa, thu hoạch đậu… vợ chồng già cứ động viên nhau “túc tắc làm để con cái yên tâm lo việc của chúng”. Thấy chúng tôi có chút ái ngại vì sức già việc nặng, ông hài hước: “Vui nhất là đi bơm thuốc cho lúa. Cái chân trái ni không nghe lời cứ lún xuống bùn mãi thôi. Nếu có thêm cái gậy thì hay, nhưng chống gậy rồi thì tay mô mà thụt cần thuốc nữa”. Nói rồi, ông lại cười hà hà…
Hiện nay, ông Mẫu đang tham gia dự án phát triển kinh tế vùng gò đồi của thị xã Hương Thủy, trong đó tập trung chủ yếu cho cây tiêu. Mặc dù kinh nghiệm với cây tiêu đã được ông đúc kết bao nhiêu năm, nhưng ông vẫn rất vui khi được tham gia vào dự án này. Ông bảo, như thế giúp cho mình hiểu được đất vườn, cây cối của mình tốt hơn, biết cách chăm sóc tốt hơn. Nguyện vọng lớn nhất của ông Mẫu trong thời gian tới là tiếp tục được tham gia ngày càng nhiều lớp tập huấn về chăm sóc cây vườn, nhất là đối với những loại cây cho hiệu quả kinh tế cao mà ông đang trồng trong vườn nhà.
Tại thời điểm này, Hương Thủy có 874 hội viên Hội Cựu chiến binh có mức sống khá và giàu và là địa phương có nhiều nhất tỉnh về những mô hình kinh tế hay của cựu chiến binh. Các hội viên của Hội Cựu chiến binh thị xã Hương Thủy đang khẳng định “tinh thần bộ đội Cụ Hồ thời bình” qua một số mô hình làm kinh tế hiệu quả, như: sản xuất kinh doanh tổng hợp, nuôi cá nước ngọt, nuôi gia súc gia cầm tổng hợp, trồng cây lâu năm, doanh nghiệp tư nhân, trồng hoa và cây cảnh. Nhiều hội viên có lãi ròng từ 80-120 triệu đồng/năm, một số đạt mức 400-500 triệu đồng/năm... Riêng đối với ông Nguyễn Văn Mẫu, mỗi năm ông cũng có thu nhập khoảng 80-100 triệu đồng. Ông bảo: Mình thương tật thế này thì vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng chí, đồng đội khác đã không thể trở về. Vì vậy, nếu còn sức lực thì không có khó khăn gì mà không thể vượt qua được. Nhờ theo vườn theo ruộng mà các con tôi được ăn học nên người. Giờ chân đau ngồi một chỗ, nhưng tôi chỉ mong có được sức khỏe để vui vầy với con cháu, với cây cối trong vườn là không gì bằng được nữa.
Bài, ảnh: Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tàu, xe về quê ngày Tết

Ngày 25/1 (26 Tết) - ngày đầu tiên trong chuỗi ngày nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 chính thức bắt đầu cũng là lúc tàu, xe tăng chuyến để phục vụ việc đi lại của người dân.

Tàu, xe về quê ngày Tết
Đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định dịp Tết

Trước thềm năm mới Ất Tỵ 2025, Công ty CP Cấp nước Huế (HueWACO) đã lên kế hoạch, sẵn sàng các phương án cần thiết nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục, ổn định cho người dân trên địa bàn thành phố trước, trong và sau tết Nguyên đán.

Đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định dịp Tết
Phú Vang dồi dào nguồn hàng phục vụ Tết

Nhiều mặt hàng đặc sản của Phú Vang được khách hàng ưa chuộng, tăng số lượng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ, tăng thu nhập cho người dân.

Phú Vang dồi dào nguồn hàng phục vụ Tết
Tăng thu nhập từ vụ hoa Tết

Hộ ông Phan Bá Hùng (thôn 2, xã Vinh Thanh, Phú Vang) là một trong những hộ điển hình ở Vinh Thanh (Phú Vang) đầu tư “bài bản” cả về số lượng và chủng loại hoa phục vụ thị trường Tết, tăng thu nhập.

Tăng thu nhập từ vụ hoa Tết

TIN MỚI

Return to top