ClockChủ Nhật, 15/04/2018 19:15

Narita hoa anh đào se rụng

TTH - Đã qua những ngày đông lạnh lẽo ngập chìm trong gió tuyết bời bời, Narita giờ đang ấm dần lên. Thành phố nhấp nhô trên núi đồi với những ngôi nhà mái thấp nép mình vào nhau, uốn lượn quanh co nhiều dãy phố, thỉnh thoảng lại thả mình xuống những con hẻm dốc rồi đổ dồn về những nách phố cổ kính ở khu trung tâm.

Nhật Bản: Mùa hoa anh đào sớm 9 ngày so với mọi nămNhật Bản đếm ngược đón hoa anh đàoĐặc sắc mùa hoa anh đào tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan

Vui chơi dưới bóng hoa đào

Những con phố Narita nhỏ hẹp, vô cùng sạch sẽ và yên ắng (hoàn toàn không nghe một tiếng còi xe dù xe cộ đông đúc); những cửa hiệu lấn sát ra đường với những mặt tiền lùi tiến và kiến trúc khác nhau nhưng trông vẫn rất chỉn chu và ngăn nắp như... người Nhật. Trước mỗi cửa hiệu là những chậu hoa nhỏ rực rỡ muôn hồng ngàn tía. Trứ danh là con đường Omote-sando uốn lượn và thoải dốc dài hơn một cây số dẫn đến ngôi đền cổ kính Shinsho-ji. Bên vệ đường, những chiếc ghế đá nguyên khối mát sạch cho du khách nghỉ chân, xen kẽ là những con trâu, cọp, nghê đá… được tạo dáng ngộ nghĩnh đáng yêu. Những ngôi nhà lùi sâu vào trong một khoảnh sân nhỏ với bờ tường rào gồm những tảng đá khắc chạm thư pháp. Qua độ mươi nhà lại có một bãi đỗ xe rộng chứ không phải nhà cửa san sát tận dụng từng mét đất kim cương để rồi xe hơi giăng tứ tung trên đường. Những cửa hiệu với kiến trúc cổ kính truyền thống đặc trưng bán đồ lưu niệm, những quán bar khép cửa ngủ muộn sau ca đêm, và đặc biệt là những tiệm cơm lươn nướng chen đặc khách chờ!

Chế biến món lươn ngay trước quán

Cơm lươn nướng là món ăn đặc sản của Narita. Tới Narita mà chưa ăn cơm lươn nướng thì coi như chưa tới. Chúng tôi ghé vào một quán cơm lươn nướng vào giờ cao điểm buổi trưa. Đông khách ngồi chờ đến lượt. Tôi lấy phiếu số 28, được thông báo phải chờ 25 phút nữa mới có bàn. Đến khi ngồi vào bàn, chọn món rồi còn phải chờ 30 phút nữa mới có món dọn lên. Cái đặc biệt của những tiệm cơm lươn nướng ở Omote-sando là nhân viên róc thịt lươn “đang nhảy” một cách thoăn thoắt điệu nghệ, xóc xiên tre rồi nướng ngay phía trước cửa quán cho thực khách xem. Một oa cơm lươn nướng với nước xốt teriyaki, kèm thêm một chén súp lươn thanh ngọt có vài mẩu ruột lươn bùi ngậy…, giá tầm 3.000 đến 4.000 yên (khoảng 650-850 ngàn VNĐ) tùy hai hay ba xiên lươn… Ăn sạch một oa cơm lươn nướng rồi nhấp mấy ngụm trà xanh thơm sạch miệng, gọi là hoàn tất một bữa trưa đắc ý ở Narita.

Tác giả bên tượng đồng nữ thi sĩ Takajo Mitsuhashi

Kể thêm chuyện trên đường Omote-sando. Ở một bùng binh nhỏ nơi góc đường có dựng một bức tượng toàn thân bằng đồng nữ thi sĩ haiku nổi tiếng trong văn chương hiện đại Nhật Bản Takajo Mitsuhashi, được khánh thành dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bà. Bà sinh năm 1899 ở Narita, sau khi tốt nghiệp trường nữ trung học thì lên Tokyo lập thi nghiệp, đến năm 23 tuổi lấy chồng là một nha sĩ. Bà sống hạnh phúc với thơ và chồng. “Thơ haiku của Takajo không chỉ thể hiện sức mạnh tinh thần của con người khi đối diện với nỗi mất mát những giá trị của đời sống, trong những tháng năm sung túc, cả trong những tháng ngày cỗi cằn hanh héo, mà còn cho thấy hình ảnh và phẩm giá của Người Thơ khi đối diện với tuổi già của chính mình. Thơ haiku của bà toát lên tinh thần mạnh mẽ và trang nghiêm đầy kiêu hãnh của phái nữ”. Đó là những lời ghi chú bên tượng bà. Tôi về lục tìm trên mạng thì thấy những bài thơ haiku của bà thế này, đúng là những tuyên ngôn và khát vọng mãnh liệt của những bậc “liễu yếu đào tơ” làm thi sĩ:

Mùa hè gầy yếu/ cái gì ghét/ là ghét

rồi:

Trèo lên cây/ sẽ thành nữ quái/ lá đỏ ráng chiều

hay:

Con ốc chết/ cuốn theo giấc mơ/ thế gian

Trở lại với ngôi đền cổ kính Shinsho-ji. Những tờ phướn trắng nhỏ treo trên các cột điện đường khắp thành phố cho biết rằng năm 2018 này là tròn 1080 năm hình thành Narita, tức là năm 938; thì đúng 2 năm sau đền Shinsho-ji được khởi công xây dựng. Ngôi đền thuộc phái Chisan của Phật giáo dòng Shingon. Vị thần chính của đền thờ này là Thần Lửa Fudo-myo-o. Đây là một trong những ngôi đền- chùa quan trọng của Nhật Bản, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Riêng trong những ngày đầu năm mới có đến 3 triệu khách đến vãn cảnh và cầu nguyện. Những công trình khác trong quần thể rộng mênh mông của đền chùa như các cổng, điện thờ… được xây dựng qua nhiều thời đại tiếp nối, lưu dấu những tầng nấc văn hóa và lịch sử của cả nước Nhật. Tôi đến thăm vừa lúc diễn ra một buổi tụng kinh trong ngôi tháp ba tầng. Các vị sư ở đây choàng những tấm áo cà sa màu tím, màu xanh lá cây tươi sắc, trông thật đẹp và ấn tượng. Bên phải cổng chùa có một bể nước mát bên trên đặt sẵn những chiếc gáo gỗ nhỏ, người ta đến rửa tay rửa mặt và cả uống từng ngụm nhỏ trước khi bước vào chùa. Trong sân chùa có một bộ lư đồng lớn để sẵn bột trầm xanh, người vãn cảnh chùa rắc nhẹ bột trầm lên đám lửa ủ vùi, thành kính chắp tay nguyện cầu trong hương trầm nghi ngút. Sau những phút giây thành kính chiêm bái trong chánh điện, khách vãn cảnh chùa vòng ra phía sau sẽ gặp một bức phù điêu lớn nối với nhau bằng những tấm đá khắc thư pháp, bên trên được thiết kế như một mặt của hòn giả sơn, trong các hốc đá xám rêu là tượng đồng 44 môn đồ của Đức Phật (36 tượng bên cánh trái và 8 bên cánh phải)- những vị Bồ Tát cứu nhân độ thế.

Sẽ uổng phí biết bao nếu tham quan đền chùa Shinsho-ji mà không đi vòng tiếp ra sau để đắm mình trong khu rừng chùa Naritasan rộng lớn đến 16 ha với những hồ nước rộng thông với nhau qua những dòng suối róc rách, những đàn cá chép tung tăng trong làn nước mát, những con bồ câu bay quanh nhà thủy tạ… Bao quanh hồ nước là những khu rừng cổ thụ thâm u, tiếng chim rừng rộn rã từng góc, có cả tiếng quạ kêu chát chúa nữa, những ngọn đồi nhấp nhô khoe sắc, những tác phẩm điêu khắc đá nhiều hình dạng, những bờ rào tre xinh xắn bên những cây trà mi hoa trắng và đỏ, những bụi cúc vạn thọ rực vàng… Và hoa anh đào! Đang mùa hoa anh đào nở! Tôi đã mong ước mùa hoa anh đào Nhật Bản biết bao lâu. Dưới đất, những bãi cỏ xanh lấm tấm màu hoa phớt hồng. Trên trời, rợp bóng hoa trong nắng ấm. Từng đợt hoa anh đào se rụng trong gió. Có lẽ bằng thừa khi lại thêm một lần mô tả cái thú cái cảnh tượng cái văn hóa thưởng thức hoa anh đào (Hanami) của người Nhật, mà tôi thì lại đến đây vào những ngày đầu tháng 4 đúng mùa anh đào nở rộ nên thôi khỏi phải nói gì nữa! Hàng trăm ngàn người nam phụ lão ấu tụ tập về các công viên, bờ sông… trải bạt, bày đồ ăn thức uống (chủ đạo là rượu),… rồi đàn hát, đọc thơ, vẽ tranh… Đó là cảnh tượng hôm qua đi Tokyo tham quan công viên Ueno rộng lớn “đi lên đi xuống” những ngọn đồi, từ xa xưa đã rất nổi danh là chốn hoa đào, nay vẫn được truyền tụng là một trong mười điểm ngắm hoa anh đào nở đẹp nhất Nhật Bản. Người Nhật yêu hoa anh đào theo những cách khác nhau, cách nào cũng cắm sâu vào truyền thuyết, đời sống, lịch sử, đạo, nghệ thuật… Dưới đây là một cách. Nơi một góc vườn chùa sau lối lên cổng chính của công viên, có một cây anh đào đổ bóng hoa xuống một miệng giếng thấp gần sát đất, tôi nhặt được một ghi chú ngộ nghĩnh. Rằng ở Nhật Bản nhiều cây anh đào (thậm chí cả một số cây khác) có tên riêng; trong số đó điển hình là cây anh đào Shushiki. “Vào thời Genroku, có cô bé gái con một chủ cửa hiệu bánh kẹo ở Koamicho, Nihonbashi tên là Oaki đã viết một bài thơ Haiku: "Cây hoa anh đào bên giếng nước gặp nguy khốn vì những chàng say ngất”. Bài thơ tả cảnh đám đông ngắm hoa đào gần một giếng nước. Cô bé thơ ngày ấy mới 13 tuổi nhưng đã có bút danh là Shushiki”. Từ đó trở đi, những cây anh đào mọc gần giếng nước thì được gọi tên là cây anh đào Shushiki!

Còn nhớ, tôi đã từng viết về hoa anh đào trong chùm thơ cảm khái sau trận động đất kinh hoàng hồi tháng 3 năm 2011, khiến “cõi sống này lệch trục/ vì Nhật Bản”:

ôi trời anh đào vẫn hồng trong gió rét

sống mang tội chết

từng hoa

Bây giờ đã tận thân tâm ngợp dưới trời hoa anh đào, cái cảm thức “sống mang tội chết” mỏng manh bi thương ấy lại trở về với tôi trong từng cánh hoa phiêu rợn…

Một ghi chú rằng, chết trong kiêu hãnh là vẻ đẹp của tinh thần võ sĩ đạo (samurai) Nhật Bản.

Narita, 5/4/2018

Bài, ảnh: PHẠM NGUYÊN TƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Bản đưa robot vào hoạt động ứng phó khẩn cấp ở khu vực nguy hiểm

Cục Phòng cháy, chữa cháy và ứng phó thảm họa Nhật Bản (FDMA) đang có kế hoạch triển khai robot cứu hỏa tự động và các phương tiện chuyên dụng khác, một phần trong nỗ lực nâng cao trang thiết bị và máy móc của các đội ứng phó khẩn cấp, được điều động đến các khu vực xảy ra động đất, lũ lụt và những thảm họa khác.

Nhật Bản đưa robot vào hoạt động ứng phó khẩn cấp ở khu vực nguy hiểm
Nhật Bản ghi nhận số ca cúm cao kỷ lục

Theo dữ liệu vừa được Bộ Y tế Nhật Bản công bố ngày 10/1, nước này đã ghi nhận kỷ lục 64,39 bệnh nhân cúm trên mỗi phòng khám trong tuần cuối cùng của tháng 12/2024, là số ca được báo cáo cao nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập vào năm 1999.

Nhật Bản ghi nhận số ca cúm cao kỷ lục
Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

Theo tin từ Japan Times, Nhật Bản vừa phát triển một phương pháp mới để phân hủy PFAS - một nhóm hợp chất hữu cơ chứa fluor nhân tạo thường được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”, thường được sử dụng trong rất nhiều loại sản phẩm tiêu dùng và gây ra những lo ngại về môi trường cũng như sức khỏe con người.

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

TIN MỚI

Return to top