ClockChủ Nhật, 27/10/2024 05:57

Ủng hộ... quyết liệt

TTH - Đứa cháu vào cấp 2 đã gần hết học kỳ. Gặp, tôi hỏi cháu đi học có vui không? Cháu trả lời có. Hỏi lớp bao nhiêu bạn thì bắt đầu ậm ừ. Hỏi có thân bạn nào không, tên gì, cũng chỉ ậm ừ. Cứ ngỡ cháu có gì hơi bất thường thì bố nó đã thay lời, tụi nó bây chừ không như anh em mình trước đâu. Lên trường hở ra là chúi đầu vô cái điện thoại. Cứ nhoay nhoáy clip này qua clip khác, trò chơi này tới trò chơi kia, có đâu mà trò chuyện, mà chơi đùa với bạn bè…

Pháp siết chặt quy định cấm sử dụng điện thoại di động tại trường họcNew Zealand: Cấm điện thoại di động trong môi trường học đường

 Bên cạnh mặt tiện ích, điện thoại di động đôi khi gây hiệu ứng tiêu cực đối với các em học sinh. (Ảnh minh họa)

Giải thích của người bố không làm tôi bất ngờ, nhưng lại khiến tôi chột dạ. Quả là đúng như thế thật. Thế hệ của chúng tôi, điện thoại - kể cả chiếc điện thoại bàn - là thứ gì đó văn minh, xa xỉ, không ai dám mơ tới. Bởi có mơ cũng chẳng để làm gì, biết gọi đi đâu, ai có điện thoại mà gọi. Nói gì đến cái di động, cái smartphone bây giờ. Chính vì không vướng bận vào ba cái đồ điện tử ấy, nên vô lớp là chỉ có học. Có ngứa ngáy quay qua quay về trò chuyện chút là lập tức bị thầy cô, bị lớp trưởng nhắc nhở, phê bình. Thậm chí có khi còn bị phạt. Vậy nên, giờ ra chơi đối với lũ học trò chúng tôi là cả một khoảng thời gian thần thánh. Chúng tôi tha hồ hò hét, chạy nhảy, rủ nhau ăn quà vặt, hoặc chơi đủ loại trò chơi tinh nghịch của lứa tuổi nhất quỷ nhì ma… Cũng chính nhờ vậy mà sợi dây gắn kết tình cảm giữa bạn bè, giữa trò và thầy hết sức ấm áp, đằm sâu và bền chặt. Có những người bạn mà mãi vài chục năm sau vẫn còn gặp, còn thân; có những người thầy, người cô mà giọng nói ấm áp của những bài giảng, hay những câu chuyện cổ tích được thầy/cô kể cho cả lớp trong những giờ sinh hoạt đến nay vẫn còn vọng vang trong con tim những đứa trò nhỏ năm nào nay đã gần hết tuổi trung niên - Điều mà với lũ trẻ bây giờ chắc rằng rất khó có được.

Cũng chẳng có gì khó hiểu khi học trò bây giờ trên tay em nào cũng kè kè cái di động. Nhỏ nhắn nhưng đầy quyền lực, nó như thanh nam châm cứ hút các em vào không dứt ra được. Trong lớp thì lén lút nhí nhoáy nhắn tin, xem web, chơi games. Thậm chí có trường hợp còn lén quay những đoạn clip chẳng mấy hay ho rồi tung hê lên mạng khiến cho xã hội nhìn ngành giáo dục với một hình ảnh đôi lúc hết sức méo mó. Giờ ra chơi thì nhiều em cũng với chiếc di động trên tay, mỗi em mỗi thế giới riêng. Thời gian đâu để chuyện trò, để chơi đùa, gắn kết? Chuyện cổ tích của thầy cô đối với các em bây giờ có khi cũng là cái gì đó “kỳ kỳ”, không chút hấp dẫn.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Ngay cả người lớn đôi lúc còn bị hút hồn, bị mê hoặc, trách gì lũ trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, tuổi thích khám phá lại không mê di động khi tàng chứa trong đó là cả thế giới thu nhỏ? Mặt khác, cũng không thể phủ nhận sự tiện ích của chiếc di động, ngoài là phương tiện liên lạc khi cần thiết, nó còn giúp ích không ít cho lũ trẻ trong học tập, sinh hoạt. Song, mặt tiêu cực của nó đối với lũ trẻ thì không cần dài dòng ai cũng nhận thấy. Mà không chỉ có xứ ta mà cả xứ… tây cũng nhận thấy, thế cho nên, bước vào năm học 2024-2025 này, “làn sóng” cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học, thậm chí trong suốt thời gian ở trường đã được thực thi tại nhiều quốc gia từ Âu sang Á: Hy Lạp, Bỉ, Anh, Hà Lan, Hungary, Đan Mạch, Trung Quốc, Hàn Quốc… Ở Việt Nam, nhiều trường học ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng đã tiên phong triển khai thực hiện động thái rất nên thực hiện này.

Cũng không phải là không có ý kiến tranh cãi. Có người bảo pháp luật nào cấm? Số khác lại bảo như vậy là vi phạm quyền riêng tư; xâm hại tài sản riêng của học sinh… Tranh cãi thì tranh cãi vậy thôi, chứ tôi chắc chắn số người đồng tình với việc làm này là chiếm đại đa số. Rất nhiều người trong chúng ta đều là những bậc làm cha, làm mẹ rồi; và cũng rất nhiều trong chúng ta đều đã từng nếm trải sự “khổ đau” khi phải luôn càu nhàu, hò hét bọn trẻ buông bỏ cái điện thoại để mà còn lo học, lo ăn, lo ngủ… nhưng kết quả đa phần là bất lực. Bây giờ lên lớp, thầy cô “hét” một tiếng, a lê nộp triệt để vào hộp, tan học mới được nhận lại. Ai lục soát, ai tịch thu đâu mà bảo xâm phạm riêng tư, xâm phạm tài sản? Một việc làm tưởng đơn giản, nhưng chắc chắn sẽ làm cho môi trường giáo dục tốt hơn, chất lượng dạy và học tốt hơn, tình cảm giữa thầy và trò, giữa trò và trò tốt hơn… Vậy thì cho dù có lý do gì chăng nữa, vẫn rất nên… quyết liệt ủng hộ.

Và tôi sẽ là người giong tay đầu tiên nếu được lấy biểu quyết.

Huy Khánh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước 10 tháng năm 2024 của cả nước chỉ đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ trên 95%, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương, cơ quan liên quan thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm
Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng

Ngày 28/10, ông Trần Xuân Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức gala thơ nhạc “Chút tình với Huế” thu về 600 triệu đồng nhằm sẻ chia các dự án cộng đồng tại quê hương.

Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng
“Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Sau 1 tháng phát động, thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Vận động Cứu trợ tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động được hơn 35 tỷ đồng tiền mặt cùng với nhiều vật chất ủng hộ Nhân dân các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra.

“Người trong một nước phải thương nhau cùng”

TIN MỚI

Return to top