ClockThứ Bảy, 15/04/2023 06:40

Tỉnh táo trước thông tin ngành “hot”

TTH - Trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin tuyển sinh, xu hướng thí sinh thích lựa chọn ngành “hot” có thể dẫn đến những sai lầm mà thí sinh cần đặc biệt chú ý.

Từ 10/4, Đại học Huế nhận hồ sơ đăng ký dự thi năng khiếuĐại học Huế: Hơn 5.600 chỉ tiêu cho các phương thức tuyển sinh sớmƯu tiên ngoại ngữ và thí sinh đạt các giải thưởng

leftcenterrightdel
 Tư vấn tuyển sinh năm 2023 cho thí sinh

Ngành nào cũng “hot”

Gõ thông tin “ngành hot” trên mạng, thí sinh Nguyễn Thị Phương Nga giật mình khi có hơn 24 triệu kết quả xuất hiện trong vòng 0,30 giây. Thử click tìm hiểu thông tin, Phương Nga càng hoang mang hơn khi mỗi nơi phân tích một kiểu và ngành nào cũng “hot”.

Những năm gần đây, xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh gắn liền với cụm từ “ngành hot”. Khảo sát nhanh nhiều thí sinh, khái niệm này được hiểu là ngành đang nổi, nhu cầu thị trường lao động lớn, thu nhập cao, những ngành đón đầu cơ hội việc làm thời 4.0.

Sự phát triển nhanh của công nghệ kéo theo sự ra đời của hàng loạt ngành mới. Trong năm 2023, nhiều đơn vị đào tạo ĐH trong cả nước dự kiến mở thêm nhiều ngành mới, điển hình như: Trí tuệ nhân tạo, digital marketing, marketing công nghệ, kinh doanh số, robot và trí tuệ nhân tạo… Nhiều ngành ra đời với những tên gọi rất “kêu”, đánh trúng vào tâm lý của thí sinh. Điểm chung trong các thông tin quảng bá tuyển sinh đều khẳng định đây là những ngành “hot”, ra đời đáp ứng thời đại công nghệ.

Không chỉ riêng các ngành mới, gắn liền với nền tảng công nghệ, chuyển đổi số, nhiều ngành tuyển sinh lâu nay cũng được gán thông tin ngành hot, kèm những câu khẩu hiệu khá hấp dẫn như “chạy theo ngành hot, không lo thất nghiệp”… Tuy nhiên, những thông tin quảng bá không đưa ra được các phân tích cụ thể và khách quan về dự báo thị trường lao động, cơ hội việc làm trong 4-5 năm tới, cũng như các phân tích về tỷ lệ việc làm đúng chuyên ngành.

Theo các chuyên gia, các trường mở ngành học mới là xu hướng đáp ứng nhu cầu thị trường. Các lĩnh vực như công nghệ, tài chính, trí tuệ nhân tạo... đều là những ngành nóng trong thị trường lao động. Điều đó cho thấy phản ứng nhanh của các trường và điều này chỉ thực hiện được trong bối cảnh tự chủ hiện nay. Tuy nhiên, thí sinh còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông nên chưa đủ thông tin và sẽ rất khó để biết ngành học đó thế nào để chọn học chuyên sâu. Tâm lý chạy theo ngành “hot” với hy vọng sẽ có cơ hội việc làm tốt trong tương lai là mong muốn chính đáng của người học. Song, trong bối cảnh có hàng trăm ngành học, thông tin các ngành bị nhiễu loạn, càng nhiều ngành thí sinh càng khó lựa chọn.

Một thực tế tồn tại nhiều năm qua là có thí sinh cho rằng, trong xã hội ngành này “hot”, ngành kia đẳng cấp, trong khi không thực sự yêu thích, chưa tìm hiểu kỹ. Kết quả là sau khi vào trường học vài năm đã “vỡ mộng”. Nhiều người muốn chuyển ngành, động cơ học tập không còn, nhưng lại tiến thoái lưỡng nan.

Tỉnh táo chọn lựa

Năm nay, hàng loạt trường ĐH công bố mở những ngành học mới. Câu chuyện có nhất thiết chạy theo lựa chọn ngành “hot”, ngành mới cũng là câu hỏi đặt ra của nhiều thí sinh.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế phân tích, khi một ngành mới được mở ra, các trường ĐH phải căn cứ vào chiến lược phát triển của đất nước, điều kiện kinh tế - xã hội và đặc thù ngành nghề, cơ sở đào tạo. Ngoài ra, những ngành học mới đều được các trường nghiên cứu kỹ càng, chuẩn bị cẩn thận thì mới tuyển sinh. Do đó, nếu thí sinh thật sự yêu thích, muốn học và có năng lực để theo học thì có thể lựa chọn.

Tuy nhiên, thí sinh không nên lựa chọn ngành nghề mà không đam mê, chưa có sự tìm hiểu kỹ. Thị trường lao động luôn biến đổi không ngừng, những ngành có thể “hot” ở hiện tại, nhưng 4-5 năm sau khi tốt nghiệp hoàn toàn có thể không còn “hot” nữa. Để có quyết định lựa chọn đúng đắn, thí sinh nên tìm hiểu các phân tích về dự báo thị trường lao động trong vài năm tới, tận dụng cơ hội gặp gỡ các chuyên gia, doanh nghiệp tại các ngày hội tư vấn tuyển sinh để trao đổi, được tư vấn.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, nếu thí sinh khi chọn ngành chỉ chăm chăm vào những ngành “hot”, không tính đến khả năng của bản thân, thị trường lao động trong tương lai, hay khi lựa chọn rồi nhưng lại không đủ sức theo đuổi ngành đó, đến khi ra trường rất dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp. Một trong những yêu cầu thí sinh không nên bỏ qua khi chọn ngành là cần cân nhắc nhiều yếu tố, như: năng lực, sở thích, nhu cầu xã hội và cả vấn đề tài chính hợp lý.

Thí sinh có thể tham khảo các anh, chị sinh viên đã và đang học tại trường mình dự định đăng ký thi/xét tuyển. Sinh viên khóa trước sẽ chia sẻ cho các em những cảm nhận sát thực và chính xác.

Bên cạnh sự chủ động của thí sinh, các đơn vị đào tạo ĐH và các trường THPT cũng cần phối hợp tốt trong việc định hướng nghề nghiệp cho thí sinh một cách khách quan. Cần có những dự báo sâu về thị trường lao động để phân tích cho thí sinh dựa vào thế mạnh học tập, sở thích và nhu cầu ngành nghề của người học.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Còn sức, còn lao động

250 triệu đồng lãi ròng mỗi năm từ trồng lúa và nấm rơm, là thành quả từ tình yêu lao động và sự chăm chỉ mà vợ chồng ông Lê Duy Quát và bà Nguyễn Thị Vui (Phú Lương, Phú Vang) “gặt hái” bao năm qua.

Còn sức, còn lao động

TIN MỚI

Return to top