ClockThứ Ba, 13/12/2022 07:00
NÂNG TẦM ĐẠI HỌC HUẾ THÀNH ĐẠI HỌC QUỐC GIA:

Trụ cột là xây và giữ nguồn lực đội ngũ - Kỳ 1: “Chảy máu” nhân lực

TTH - Nguồn lực đội ngũ được xác định là trụ cột, yếu tố quyết định đến thành công cho các mục tiêu, giải pháp xây dựng và phát triển Đại học (ĐH) Huế thành ĐH Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị. Bên cạnh thu hút nguồn nhân tài, việc giữ chân đội ngũ, tránh “chảy máu” nhân lực vẫn đang còn nhiều trăn trở.

Chuyện về phó giáo sư ở tuổi 36Công ty Canvas Gate mong muốn thúc đấy nghiên cứu khoa học, hợp tác đào tạo sinh viên

Ngoài vấn đề thu nhập, yếu tố để cán bộ yên tâm công việc là môi trường làm việc tốt, ổn định

Không quá khủng khiếp như con số hàng ngàn giáo viên bỏ việc ở bậc phổ thông, nhưng tình trạng cán bộ, giảng viên đại học (ĐH) xin nghỉ việc, chuyển việc ít nhiều làm hao tổn nguồn lực, ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo, chiến lược phát triển.

Cán bộ… chuyển việc

Sau nhiều năm công tác tại một trường ĐH thương hiệu bậc nhất ở Huế, chị L.T.C.N quyết định viết đơn xin nghỉ việc, chuyển về làm ở cơ sở tư nhân tự mở ra. Hỏi về lý do nghỉ việc, chị N. chia sẻ thật: “Áp lực công việc, nhưng trong trường công lập thực sự thu nhập không tương xứng”.

Thống kê từ Ban Tổ chức Cán bộ ĐH Huế cho thấy, từ ngày 1/1/2020 đến 30/9/2022, toàn ĐH Huế có 86 viên chức, người lao động nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ĐH Huế, trong đó Trường ĐH Khoa học có 18 người, Trường ĐH Nông Lâm có 16 người, Trường ĐH Ngoại ngữ 12 người, Trường ĐH Y - Dược 11 người… Tuy nhiên, theo rà soát của một số trường, con số trên có thể chưa phản ánh đủ, do có một bộ phận cán bộ, giảng viên đi học nước ngoài không trở về nhưng chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định. Có người đưa ra lý do xin kéo dài hoặc xin nghỉ không lương, song nguồn tin nhà trường nắm được thì khả năng họ muốn nghỉ việc.

Môi trường làm việc tích cực giúp cán bộ, giảng viên ĐH thuận lợi để cống hiến

Khảo sát chung cho thấy, nguyên nhân cho thực trạng cán bộ, giảng viên nghỉ việc, chuyển việc xoay quanh vấn đề thu nhập và môi trường làm việc. Trên thực tế, số người nghỉ việc về tự mở cơ sở làm ăn riêng không nhiều, đa phần là những người đã có cơ sở kinh doanh sẵn. Còn nhiều cán bộ, giảng viên khác vẫn kết hợp công tác ở trường rồi làm thêm nghề tay trái để cải thiện thu nhập. Đáng chú ý, nổi lên tình trạng cán bộ, giảng viên làm việc ở khu vực công chuyển sang trường tư, hoặc đi nước ngoài học tập rồi ở lại nước bạn làm việc.

Bà Q.G, cựu giảng viên của ĐH Huế đã chuyển việc chia sẻ: “Ở môi trường công, thu nhập thấp nhưng công việc đôi khi phải kiêm nhiệm. Giảng viên có khi phải làm công tác tuyển sinh hay những việc khác. Song, nếu xét với lời mời từ các trường tư, không những mức thu nhập cao hơn mà cơ hội thăng tiến cũng dễ dàng hơn”. Đồng quan điểm, một cán bộ Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế chia sẻ, nếu so sánh mức thu nhập của trường công và trường tư ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, họ có thể trả cao gấp 3-4 lần. Mặt khác, nếu nhận thấy tài năng, họ nhanh chóng mời cán bộ vào vị trị phó, trưởng khoa để giữ chân.

Dưới góc độ cán bộ quản lý, TS. Nguyễn Quang Lịch, Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế trăn trở, ở tại khoa, cũng có 3 trường hợp cán bộ chuyển việc, trong đó có 1 cán bộ cơ hữu là tiến sĩ chuyển sang trường tư. Dù trường tư ở khu vực miền Trung thu nhập không vượt bậc như ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng vấn đề cơm áo gạo tiền đã khiến họ cân nhắc việc ra đi. “Một tiến sĩ trẻ nhưng mức lương chỉ tầm 7-8 triệu/tháng khiến nhiều người không bằng lòng. Ngoài vấn đề thu nhập, nhiều đồng nghiệp cũng chia sẻ thêm các lý do là môi trường làm việc, hệ thống cơ chế quản lý, khả năng thăng tiến và áp lực phải làm nhiều việc ở trường ĐH công lập là lý do họ muốn chuyển sang trường tư”, TS. Lịch phân tích.

Từng có nhiều năm làm lãnh đạo ở ĐH Huế, PGS.TS. Lê Mạnh Thạnh, Nguyên Phó giám đốc ĐH Huế đánh giá: “So với nhiều ngành nghề, đời sống cán bộ, giảng viên ở các trường ĐH hiện nay thấp hơn. Những người ra trường có hội sẽ chọn làm ngoài, không những lương cao hơn mà thu nhập cũng tăng nhanh hơn, không phải 3 năm tăng 1 bậc. Thêm vào đó, quy định về điều kiện, tiêu chuẩn giảng viên hiện nay ngày càng chặt chẽ, không chỉ đòi hỏi đáp ứng giờ giảng mà còn phải viết bài báo khoa học… lại đưa vào cả tiêu chí thi đua, khen thưởng phần nào cũng ảnh hưởng tâm lý cán bộ, giảng viên. Đời sống, thu nhập chưa cao, muốn họ toàn tâm, toàn ý là rất khó”.

Theo TS. Nguyễn Quang Phục, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế, ở nhiều nước có cơ chế thuận lợi (như Úc, Canada, New Zealand…), giảng viên đi học rồi ở lại. Có người định cư hợp thức hóa gia đình, có người ở lại công tác với những điều kiện tốt hơn. Mặc dù nhiều trường hợp đi theo diện học bổng kiếm được, con số không phải lớn, nhưng điều này làm đơn vị đào tạo mất người.

Khảo sát từ nhiều nguồn ở các trường ĐH tại Huế, con số mỗi năm nghỉ việc, chuyển việc không quá đột biến, nhưng rải rác ở các đơn vị hầu như đều có. Nhiều cán bộ tâm huyết cũng thốt lên: “Người đi thì dễ, người về chẳng mấy ai. Đó là chảy máu nhân lực”.

Hệ lụy trước mắt và lâu dài

Tất cả các nhiệm vụ, mục tiêu đều đặt con người vào vị trí trung tâm, chủ thể của công việc. Nói cách khác, khi nguồn lực bị “chảy máu” kéo theo hệ lụy về sau, với rất nhiều vấn đề phát sinh.

Giảng viên Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế hướng dẫn sinh viên thực hành

ThS. Phan Thanh Tiến, Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế, phân tích, cán bộ nghỉ việc, chuyển việc chắc chắn ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo, buộc nhà trường phải phân công, hợp đồng giảng viên thỉnh giảng. Lo ngại tình trạng ấy, một số đơn vị tại trường như Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc đã đưa ra giải pháp hạn chế cán bộ đi học nước ngoài, thuyết phục cán bộ đi học nâng cao trình độ ở các trường chất lượng trong nước.

Thực ra, ngay từ đầu tuyển dụng, việc xác định chỉ tiêu đội ngũ, phân công giảng dạy gần như “đóng khung” kế hoạch để đảm bảo chất lượng. Vì vậy, không thể phủ nhận, đội ngũ nghỉ việc, chuyển việc không ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo trước mắt và lâu dài, thậm chí có thể gây xáo trộn đề án vị trí việc làm; hoặc ít ra, buộc các trường phải tuyển thêm người, rồi cần thời gian để đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được công việc.

Đó chỉ là hệ lụy trước mắt. Việc “chảy máu” nhân lực sẽ ảnh hưởng đến cả chiến lược dài hơn... Đơn cử, đội ngũ đáp ứng để đào tạo sau ĐH hoặc mở các ngành mới, cần tỷ lệ tiến sĩ/giảng viên. Nếu một tiến sĩ nghỉ/bỏ việc, chuyển đi nơi khác chắc chắn ảnh hưởng sẽ không nhỏ. Tuy đến nay, các trường khẳng định không thiếu giảng viên đào tạo, nhưng thực ra, nếu giảng viên nghỉ/chuyển việc, giải pháp tạm thời chỉ là phân công, sắp xếp tạm thời. Vẫn cần một bộ máy ổn định công tác.

Không chỉ khó cho những nhiệm vụ của đơn vị đào tạo, mà cũng tác động đến ĐH Huế, khi ĐH Vùng đang thực hiện đề án, nhiệm vụ phát triển thành ĐH Quốc gia. Nếu xem mỗi cán bộ là một mảnh ghép, nhân tố để hợp sức thực hiện từng mục tiêu nhỏ, thì khi một mảnh ghép rời ra, kế hoạch chung cũng cần đòi hỏi bổ sung nhân sự, hoặc chậm lại về thời gian, nhất là khi “mất đi” nhân tài thực sự giỏi.

“Trước đây, khi giao lưu thế giới chưa sâu rộng, hoạt động giao lưu quốc tế tại các trường ĐH lại nổi bật. Nhiều người muốn ở lại trường ĐH vì cơ hội học bổng nhiều, khả năng được đi đây đó để học tập nâng cao trình độ từ đó mở ra nhiều cơ hội khác. Hiện nay, với tốc độ toàn cầu hóa, hợp tác sâu rộng, cơ hội đó ít lại hay nói đúng hơn là bị chia sẻ, vì có quá nhiều trường ĐH, nhiều đơn vị làm tốt liên kết, hợp tác quốc tế”, PGS.TS. Lê Mạnh Thạnh, Nguyên Phó giám đốc ĐH Huế trăn trở.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

Kỳ 2: Không chỉ xây mới mà cần phải giữ

(Còn nữa)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ưu tiên nguồn lực phát triển du lịch dịch vụ

Với mục tiêu đưa Thuận Hóa trở thành trung tâm văn hóa, dịch vụ du lịch, thương mại…, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Huế, cùng với việc triển khai các chương trình, dự án (DA) trọng điểm, năm 2025 quận Thuận Hóa tăng cường nguồn lực đầu tư hạ tầng, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế đêm cũng như khai thác tiềm năng du lịch biển, đầm phá trên địa bàn.

Ưu tiên nguồn lực phát triển du lịch dịch vụ
Nâng tầm sản phẩm, kết nối tour tuyến thu hút khách

Cùng với việc hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, sản phẩm OCOP, quận Thuận Hóa xây dựng kế hoạch tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa, du lịch nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan và mua sắm sản phẩm làng nghề.

Nâng tầm sản phẩm, kết nối tour tuyến thu hút khách

TIN MỚI

Return to top