ClockThứ Bảy, 11/04/2020 15:46
SINH VIÊN KỸ THUẬT VÀ CÔNG NGHỆ:

Sẽ đáp ứng 3 yêu cầu chính là kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ

TTH - Mặc dù thời gian qua tỉnh rất quan tâm phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), song vấn đề đào tạo nguồn nhân lực vẫn là câu chuyện đáng trăn trở, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, TS. Nguyễn Quang Lịch, Phụ trách Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học (ĐH) Huế cho rằng, những ngành mới ra đời có thể giải quyết một phần nỗi lo ấy.

Huế sẽ đào tạo ngành hộ sinh hệ đại họcLiên kết xây dựng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Huế thành "trái tim" khu vực miền Trung

TS. Nguyễn Quang Lịch, Phụ trách Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế

Theo TS. Nguyễn Quang Lịch, xu thế toàn cầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật điện, điện tử và tự động hóa, nhất là phân tích, khai phá dữ liệu lớn cho các lĩnh vực kinh doanh. Theo đề án của tỉnh cũng như định hướng từ ĐH Huế, ngoài đáp ứng nguồn nhân lực CNTT ở những lĩnh vực như lâu nay, năm 2020, sẽ tuyển sinh các ngành liên quan đến CNTT chất lượng cao, đáp ứng chiến lược phát triển CNTT của tỉnh.

TS. có thể nói rõ hơn về việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao?

“Bài toán con gà và quả trứng” khiến mọi người vẫn loay hoay. Doanh nghiệp (DN) lo ngại vấn đề nhân lực nên cân nhắc khi đến Huế, còn người học lại lo đầu ra liên quan đến việc thiếu DN lớn về CNTT. Tại nhiều cuộc họp của tỉnh vừa qua, các DN chia sẻ rất rõ vấn đề thiếu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

ĐH Huế đã nghiên cứu vấn đề này. Sau khi hoàn thành các thủ tục thành lập Khoa Kỹ thuật và Công nghệ (tháng 10/2019), hiện, khoa đã xây dựng các chương trình đào tạo của cả hai bậc đào tạo thạc sĩ và ĐH. Trong đó, ĐH có 2 hệ kỹ sư và cử nhân. Ngay trong năm 2020, khoa tuyển sinh 3 ngành đào tạo ĐH và 1 ngành trình độ thạc sĩ.

3 ngành trình độ ĐH, gồm: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (gồm 3 chuyên ngành là khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu kinh doanh); ngành kỹ thuật điện; kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Ngoài ra, khoa đang thúc đẩy để mở các chương trình đào tạo liên kết với ĐH Missouri State (Mỹ) dự kiến tháng 9 hoàn thành đề án theo diện là cấp song bằng và cấp bằng thạc sĩ của ĐH Missouri State ở Mỹ; hay chương trình thạc sĩ về Khoa học dữ liệu với trường đào tạo sau ĐH về CNTT Kyoto, Nhật Bản. Quy mô tuyển sinh ĐH năm 2020 khoảng 300 sinh viên (SV) và sau ĐH là 20 học viên.

Dự kiến những năm đầu góp khoảng 200 SV/năm, sau đó tăng dần, đến 2025 là khoảng 500 SV/năm. Với lực lượng trên, có thể đóng góp được nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.

ĐH Huế đã có những đơn vị khác đào tạo CNTT, liệu quá trình đào tạo của khoa có tạo ra sự trùng lặp, cạnh tranh?

Nhu cầu nhân lực theo đề án CNTT của tỉnh đến năm 2025 cần đến 10.000 người. Con số đó tuy trong lĩnh vực CNTT, nhưng sẽ ở các ngành nghề khác nhau. Chúng tôi mở các ngành nghề mà đơn vị khác không có. Đơn cử, Trường ĐH Sư phạm đào tạo giáo viên tin, hệ thống thông tin; Trường ĐH Khoa học đào tạo trong lĩnh vực CNTT (kỹ thuật phần mềm, quản trị mạng, khoa học máy tính), hay Trường ĐH Kinh tế đào tạo hệ thống thông tin kinh tế, còn chúng tôi tập trung các lĩnh vực mới. Điều này đã được ĐH Huế định hướng và quy hoạch cụ thể.

Những ngành mới sẽ có khác biệt gì so với các ngành nghề trong lĩnh vực CNTT đã có, thưa TS?

Toàn cầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đang thiếu nguồn nhân lực như big data, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, điện  - điện tử hay kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, đặc biệt là phân tích dữ liệu kinh doanh cho các lĩnh vực marketing, tài chính, chính sách, ngân hàng, du lịch, bất động sản…

Nói đến đào tạo chất lượng cao vì chúng tôi đặt ra nhiệm vụ là đào tạo phải đáp ứng 3 yêu cầu chính là kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ. Khoa muốn đào tạo mô hình phát triển kỹ năng, mục đích các kỹ sư ra trường có thể làm việc ở các công ty đa quốc gia. Để làm được điều đó, chúng tôi xây dựng cách thức linh hoạt cho từng module để SV chọn; tài liệu sử dụng giảng dạy 100% bằng tiếng Anh, sử dụng các giáo trình chuẩn của các ĐH trên thế giới. Trong thiết kế chương trình, chúng tôi dành 1 học kỳ đầu chủ yếu nâng cao năng lực ngoại ngữ và kỹ năng cho SV. Bên cạnh đó, khoa cũng hợp tác DN trong đào tạo, tối thiếu 40% học tập trong DN và SV sẽ học theo các dự án từ năm thứ 2. Chúng tôi cũng chú trọng hợp tác quốc tế để làm các chương trình liên kết.

Lâu nay, cái khó là học sinh giỏi, xuất sắc lại ít chọn học ở Huế. Nếu đầu vào tại khoa cũng không cao, làm sao đào tạo được nhân lực chất lượng cao?

Đây đúng là vấn đề khiến các đơn vị đau đầu thời gian qua. Nguyên nhân cho những khó khăn là còn thiếu DN tầm cỡ có trụ sở ở Huế để người học yên tâm. Tỉnh chưa có chính sách học bổng cho con em tỉnh nhà xuất sắc học tại Huế. Ngoài ra, sức hấp dẫn từ thành phố, mức lương so với các địa phương cũng là lý do. Với khoa chúng tôi, thêm một khó khăn là mới thành lập nên niềm tin với phụ huynh, học sinh chưa được tốt như một số trường khác.

Tuy nhiên, chúng tôi đang tìm nhiều giải pháp để thu hút những thí sinh đầu vào cao. Ngoài quảng bá tuyển sinh như các đơn vị, chúng tôi vận động nhiều nguồn học bổng cho SV từ DN và các nguồn lực khác, đồng thời đào tạo theo chất lượng cao nhưng chính sách học phí giống các trường. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất hiện đại và giảng đường kiểu mẫu đạt chuẩn cũng là động lực cho học sinh muốn học để trải nghiệm.

Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ cho học sinh lớp 12 trải nghiệm kiến thức sẽ học ở ĐH. Khoa kết hợp công ty tại Singapore làm các ngày hội “Demo Day” về rô bốt và trí tuệ nhân tạo để học sinh có thể nhìn trực tiếp, hoặc phát trực tiếp cho những học sinh ở xa. Đồng thời, kết hợp các trường ĐH ở nước ngoài tổ chức các chương trình tư vấn trực tuyến. Khi minh chứng được chất lượng, người học sẽ yên tâm.

Đáng mừng là tỉnh đã giao các ban ngành, đơn vị cùng phối hợp. ĐH Huế đã bắt đầu phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Tín hiệu tích cực nữa là vừa qua, tỉnh cũng đã mời gọi được nhiều DN CNTT lớn về Huế.

Thời gian tới, khoa sẽ có những hoạt động gì để đóng góp cho đề án phát triển CNTT của tỉnh?

Trước mắt, chúng tôi ưu tiên chiến lược tuyển sinh để thu hút người học mới có thể đào tạo nhân lực cho tỉnh. Bối cảnh dịch COVID-19, nhưng chúng tôi đang vận dụng nhiều cách, nhất là quảng bá tuyển sinh trực tuyến và qua truyền hình. Bên cạnh đó, chúng tôi mở các lớp học online đào tạo cho SV ĐH Huế các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo cơ bản, lập trình python hay học máy. Hiện, tại khoa có 30 SV đang theo học và có 90 SV đã đăng ký học các khóa học này. Hy vọng trong số này sẽ có nhiều em đam mê với lĩnh vực mới để tham gia vào đề án chuyển đổi nghề nghiệp từ lĩnh vực khác sang CNTT.

Đội ngũ giảng viên, CB-NV của khoa sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, tham dự các cuộc họp và đóng góp ý kiến bàn giải pháp thực hiện đề án. Đồng thời, chúng tôi sẽ kết nối, đóng góp các mối quan hệ hợp tác quốc tế, kết nối các chuyên gia, tham gia đào tạo, cố gắng chung sức phát triển đề án của tỉnh.

Xin cảm ơn chia sẻ của TS!

HỮU PHÚC (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chính sách tốt để giữ chân người tài

Từ thuở bình minh của lịch sử, các triều đại đầu tiên xây dựng quốc gia độc lập đều mong mỏi, khao khát nhân tài. Tùy theo từng giai đoạn lịch sử mà việc tiến hành lựa chọn nhân tài ra giúp nước được tiến hành theo những cách khác nhau. Ngày nay, việc trọng dụng nhân tài luôn đặt lên hàng đầu.

Chính sách tốt để giữ chân người tài

TIN MỚI

Return to top