ClockThứ Tư, 22/09/2021 06:03

Khi “cả làng” cùng học online

TTH - Câu chuyện rôm rả nhất trong tuần qua vẫn là nhà nhà học online, khi vẫn còn nhiều học sinh ở 150 trường chưa đến lớp, được gặp bạn bè, dù chỉ trên không gian mạng. Mệt mỏi cũng nhiều khi phải học liên tục qua màn hình máy tính. Âu lo không ít khi không phải ai cũng có máy móc hay đường truyền ổn định để học.

Tiềm ẩn nguy cơ về an toàn điện khi trẻ học onlineHọc online: Muốn hiệu quả phải đúng cáchCần linh hoạt áp dụng hình thức dạy học trong mùa dịch Covid-19

Phụ huynh kèm con học tại nhà khi học trên truyền hình

Nhận diện rào cản

Em đến “nghẹt thở” vì cả nhà phải học online, cô hàng xóm kế bên bắt đầu than phiền. Nhà có 4 người, 2 đứa con học đã đành, mẹ cũng học online và kể cả cô cháu con ông anh về quê thăm ông bà nội cũng xin tá túc để học online. Ngôi nhà bé tẹo được phân mỗi người mỗi góc, cứ rứa mà học. Bọn trẻ dường như cũng biết chuyện nên không ồn ào, ai ôm máy nấy, tránh ảnh hưởng đến chuyện học của người khác. Khổ nhất là cu cậu lớp 1, học trên truyền hình, nó có thể ngủ trên bàn bất cứ lúc nào mặc cho cô giáo đang dạy. Thế nên, cả ngày học hành ai cũng mệt, tối lại thay phiên nhau để kèm con. "Đợt này em tốn khá nhiều tiền khi phải sắm máy tính cho con, em trả góp hết nhưng con có máy học lâu dài. Vất vả thật nhưng cả nhà đều vui, vì dù sao chuyện học đã được khơi thông sau kỳ nghỉ hè kéo dài", cô hàng xóm bày tỏ.

Khi học sinh đều học online, không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện mua sắm máy tính cho con. Hôm rồi, tôi đã chứng kiến buổi học online của Trường THPT Hai Bà Trưng, nhiều em đã xin phép cô giáo, ba bạn dùng một tài khoản để học vì mấy tháng nay bố mẹ không có việc làm, hứa mãi mà chẳng mua được laptop hay điện thoại thông minh cho con... Qua màn hình, tôi thấy cô giáo lặng đi để giấu xúc động, khuyến khích các em hãy hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn này. Và, đó cũng không phải là trường hợp cá biệt. Ở cấp tiểu học, nhiều em nghiêm ngặt tuân thủ nguyên tắc 5K để đến trường khi gia đình không có phương tiện để học và cũng không có người để quản con khi con học online. Học sinh ở các vùng nông thôn, miền núi lại khó khăn hơn, chỉ tính riêng về thiết bị học trực tuyến và đường truyền internet cũng là bài toán nan giải, có nơi chỉ có 30% học sinh có đủ điều kiện để học online, học trên truyền hình.

Nhiều giáo án linh động

Chuyện các em học online, học truyền hình khiến phụ huynh âu lo. Không ít người đã phải cắt phép để ở nhà giám sát con học. Nhiều chị đi làm mà đứng ngồi không yên, cứ phải xem camera liên tục vì chẳng thể nào yên tâm khi con ở nhà một mình. Lắm người phải mời gia sư về nhà kèm khi con học online vì sợ mải chơi game, không chịu học. Và không khó khi bắt gặp lời đề nghị của giáo viên chủ nhiệm, mong phụ huynh nhắc nhở các em vì xảy ra tình trạng vào lớp học, nhưng cô gọi mãi vẫn không thấy đâu. Qua camera trong các lớp học trực tuyến, không khó để bắt gặp cảnh học sinh ngáp, ngủ gật, nói chuyện riêng... Tình trạng này khiến giáo viên vừa giảng bài, vừa kiểm soát lớp học nên chất lượng dạy và học có phần giảm sút.

Vất vả dồn lên vai người thầy khi nhiều địa phương và học sinh chưa học được online, học truyền hình. Thế nên, mỗi trường học đều tìm ra các cách linh hoạt để hỗ trợ học sinh. Ông Võ Văn Thịnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Phú Vang cho hay, nhiều trường trên địa bàn đang kêu gọi hỗ trợ máy tính cũ để sửa chữa tặng học sinh nghèo. Với những học sinh không có bất kỳ thiết bị kết nối internet nào, ngành giáo dục yêu cầu nhà trường chuyển đổi bài học qua giấy để gửi về cho các em và sau đó, giáo viên sẽ trao đổi với học sinh bằng điện thoại. Ở các huyện miền núi, giáo viên đến nhà kèm cặp cho các em. Hoặc các em đến trường để học và phải tuân thủ nguyên tắc 5K. Tất nhiên, muốn học từ xa bằng nhiều hình thức hiệu quả, mấu chốt của vấn đề là sự phối hợp thường xuyên giữa phụ huynh với giáo viên.

Còn giáo viên dạy online lại có áp lực riêng, có cô cảm thấy căng thẳng và chưa nghĩ ra cách nào khả thi để ổn định tâm lý. Một cô giáo trẻ dạy tiểu học bày tỏ, cái tôi lo là trong tiết dạy của mình, nhiều phụ huynh hỗ trợ con và can thiệp hơi sâu. Có hôm vẳng trong âm thanh tiếng la mắng, góp ý cô dạy bài này, bài kia chưa hợp lý. Chưa kể, tình trạng rớt mạng internet liên tục khiến phụ huynh nổi nóng với giáo viên, xem như lỗi tại cô. Tất nhiên, phụ huynh quan tâm đến tiết học của con là điều rất tốt. Song, khi họ xuất hiện trong không gian lớp học buộc cô giáo phải linh hoạt ngôn ngữ, nói sao cho các con hiểu và nói như thế nào để phụ huynh hài lòng.

Học online đã thực sự hiệu quả?

Ý kiến của phụ huynh cho rằng, vẫn chưa hợp lý khi xếp thời khóa biểu dạy học trực tuyến như dạy học trực tiếp, dẫn tới nghẽn mạng, quá tải cho học sinh, khó khăn cho phụ huynh khi cần hỗ trợ con học vào khung giờ bố mẹ phải làm việc. Thực tế, không gian, thời gian dạy học theo hình thức trực tuyến mở rộng hơn vì thế các trường cũng cần tận dụng điểm mạnh này để sắp xếp linh hoạt thời khóa biểu theo hướng giãn thời gian học của học sinh ở các khung giờ khác nhau, không nhất thiết học dồn vào một buổi với 4 - 5 tiết.

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, học online, học truyền hình hiệu quả không bằng trực tiếp đó là điều hiển nhiên. Để học online hiệu quả phải đảm bảo các điều kiện: đường truyền và hạ tầng kỹ thuật tốt để hỗ trợ học sinh tiếp cận với sóng truyền hình. Trước đây, học online là tình thế nhưng bây giờ phải đi vào quy củ, đòi hỏi xây dựng nội quy lớp học, thầy, cô giáo không phải ngồi đâu cũng có thể dạy được mà sắp đến, giáo viên nên đến trường để giảng dạy với bảng đen, phấn trắng, ăn mặc chỉnh tề như đang dạy lớp học trực tiếp. Chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên trong dạy trực tuyến phải được đào tạo và năng lực, kỹ năng học online cũng như điều kiện học tập của học sinh cũng cần được trang bị.

Chủ trương của ngành giáo dục sẽ tập trung giải quyết các vấn đề trên mới có thể thay thế lớp học truyền thống, mới tính đến chuyện học online đạt hiệu quả cao. Tôi vẫn hình dung ra những áp lực của thầy và trò sau khi học sinh trở lại trường. Nhưng lúc đó, học sinh ở các vùng miền sẽ không bị thiệt thòi về dung nạp kiến thức khi đã có nhiều kịch bản được xây dựng dành cho các em ở mọi hoàn cảnh. Và tôi tin ngày ấy đang đến gần...

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng nghiệp thông qua ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam"

Tổ chức cho học sinh chia sẻ về ước mơ, khát vọng; truyền cảm hứng, hướng nghiệp định hướng tương lai và trao quà hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn là những hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong chương trình ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam" do Trường cao đẳng Công nghiệp Huế phối hợp với Trường THCS Thủy Phương (TX.Hương Thủy) tổ chức vào ngày 9/1. Hoạt động nhằm thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên Việt Nam.

Hướng nghiệp thông qua ngày hội Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam
“Vừa hồng, vừa chuyên"

Với học sinh và sinh viên (HSSV), Ngày truyền thống HSSV (9/1) hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ HSHV trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vừa hồng, vừa chuyên
Áp lực của học sinh từ các cuộc thi

Việc tổ chức các cuộc thi cho học sinh không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực mà còn góp phần giáo dục toàn diện cho các em.

Áp lực của học sinh từ các cuộc thi

TIN MỚI

Return to top