ClockThứ Năm, 22/02/2024 13:17
Phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia:

Tháo gỡ “nút thắt” về cơ sở pháp lý

TTH - Dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với quy hoạch này, “nút thắt” về cơ sở pháp lý để xây dựng Đại học Huế thành Đại học Quốc gia (ĐHQG) sẽ được tháo gỡ.

Trao chứng nhận đạt chuẩn chất lượng chu kỳ 2 cho Trường đại học Sư phạmNguồn lực từ cựu sinh viênĐưa Viện Công nghệ sinh học phát triển xứng tầm

 Các nghiên cứu khoa học của Đại học Huế ngày càng có tính thực tiễn cao

Tháo gỡ “nút thắt”

Hiếm có đại học nào trong cả nước như Đại học Huế khi có đến 2 nghị quyết của Bộ Chính trị khẳng định sẽ xây dựng Đại học Huế thành ĐHQG. Đầu tiên là Nghị quyết số 54-NQ/TW phát triển Đại học Huế gắn với xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ hai là Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chính phủ cũng có Nghị quyết số 83/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng có kết luận rằng nhanh chóng phát triển Đại học Huế thành ĐHQG để phát huy vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu trong khu vực.

Chủ trương, định hướng để phát triển Đại học Huế thành ĐHQG là rất rõ ràng. Bản thân Đại học Huế cũng đã rất chủ động để xây dựng đề án thành ĐHQG từ rất sớm. Tuy nhiên, có một “nút thắt” khiến cho việc xây dựng đề án bị chậm lại một thời gian. Đó là cơ sở pháp lý và các tiêu chí, tiêu chuẩn để xây dựng từ một đại học Vùng thành ĐHQG hiện nay chưa có. Thiếu đi cơ sở pháp lý nên Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thể trình đề án của Đại học Huế đến Chính phủ.

Vì chưa có các bộ tiêu chí cụ thể, nên quá trình thực hiện đề án xây dựng thành ĐHQG, Đại học Huế đã bám sát vào các tiêu chuẩn của hai ĐHQG Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để triển khai. TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng Ban Thanh tra và Pháp chế, Đại học Huế cho biết, Đại học Huế đã tiến hành đối sánh về đội ngũ nhân lực, ngành nghề đào tạo, đào tạo sau đại học, các bài báo khoa học được công bố… để triển khai cho mình. Thực tiễn cho thấy, rất nhiều tiêu chí của Đại học Huế đã bắt kịp, hoặc đã tiệm cận với hai ĐHQG trên. Tiêu chí nào còn thấp thì Đại học Huế tập trung khắc phục.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến trong khoảng thời gian ngắn nữa sẽ hoàn thiện trình Chính phủ ký ban hành. Theo dự thảo quy hoạch, đến năm 2030, cả nước sẽ phát triển thành 5 ĐHQG. Như thế sẽ có thêm 3 ĐHQG nữa bên cạnh ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh hiện nay, là Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội.

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế nhấn mạnh, khi quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, “nút thắt” bấy lâu nay về cơ sở pháp lý sẽ chính thức được tháo gỡ. Khi đó sẽ có đầy đủ pháp lý để Đại học Huế triển khai các thủ tục để thành ĐHQG.

Đại học Huế hợp tác với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nhằm thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia 

Phấn đấu thành ĐHQG thứ 3

Đại học Huế hiện có 13 đơn vị đào tạo, gồm 8 trường đại học thành viên, 1 phân hiệu tại tỉnh Quảng Trị, Trường Du lịch và 3 khoa trực thuộc, cùng hệ thống các viện nghiên cứu, trung tâm, nhà xuất bản. Quy mô đào tạo 150 ngành trình độ đại học, 108 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 55 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, với hơn 40 nghìn sinh viên hệ chính quy, hơn 6 nghìn học viên cao học và nghiên cứu sinh. Xét về quy mô, tính truyền thống, vị thứ trên các bảng xếp hạng đại học thế giới, châu Á; hay kể cả tiềm năng phát triển gắn với quy hoạch chung…, Đại học Huế đều hội đủ để phát triển thành ĐHQG.

PGS.TS. Lê Anh Phương đặt mục tiêu, khi quy hoạch ban hành, Đại học Huế sẽ tiếp tục tiến hành các thủ tục; đồng thời tham mưu lãnh đạo tỉnh có các văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ để thúc đẩy quá trình hoàn thiện pháp lý. So với 2 cơ sở đào tạo đại học được định hướng thành ĐHQG trong quy hoạch, Đại học Huế đang có những bước đi sớm hơn. Cụ thể là hiện đề án xây dựng Đại học Huế thành ĐHQG đã được 5 Bộ, ngành Trung ương cơ bản thống nhất thông qua. Vì vậy, Đại học Huế đặt mục sẽ là đơn vị thứ 3 được công nhận ĐHQG và nỗ lực hoàn thiện để kịp với thời gian của tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Cùng với các thủ tục của đề án ĐHQG, vừa qua, Đại học Huế đã hoàn thiện đề án phát triển Trường đại học Y – Dược, Đại học Huế theo mô hình Trường - Viện cấp quốc gia, hướng tới đạt chuẩn quốc tế vào năm 2045; đề án phát triển Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế trở thành trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia; xây dựng đề án về cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức trình độ cao công tác tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại học Huế đến năm 2030; thành lập Viện Chuyển đổi số và Học liệu; Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và Xã hội; Viện Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục...

Theo lãnh đạo Đại học Huế, đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng tổ chức bộ máy, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng và quốc gia, gắn với nhiệm vụ phát triển Đại học Huế thành ĐHQG. Tiến hành sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quản lý điều hành, thúc đẩy sự phát triển chung của Đại học Huế và các trường đại học, viện thành viên, đơn vị thuộc, trực thuộc; xây dựng khối đoàn kết thống nhất, phát huy vai trò sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của các tổ chức đoàn thể trong Đại học Huế.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top