ClockThứ Tư, 06/01/2021 07:30

Lưu giữ trải nghiệm để dạy & học tốt hơn

TTH - Qua hoạt động trải nghiệm thường xuyên ở những di tích lịch sử, danh thắng, địa chỉ đỏ… trên địa bàn TX. Hương Thủy do nhà trường tổ chức, học sinh Trường THCS Thủy Dương đã ra mắt “Tập san văn học địa phương”, đồng thời trở thành ngôi trường đầu tiên của tỉnh “xuất bản” một tác phẩm có giá trị tham khảo và có thể áp dụng để nâng cao hiệu quả trong việc dạy và học môn ngữ văn ở khối THCS.

Dấu ấn ngôi trường hướng đến đạt chuẩn quốc giaHuế là ngôi nhà thứ hai của tôi

Giáo viên, học sinh Trường THCS Thủy Dương trong một buổi trải nghiệm ở đình làng Thủy Dương

Từ ý tưởng của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khi mong muốn người dân Huế, nhất là học sinh càng phải hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử truyền thống, các vấn đề về địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị – xã hội, môi trường, con người của Thừa Thiên Huế, với sự phối hợp của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô, 2 năm trở lại đây, ngành giáo dục TX. Hương Thủy nói chung, Trường THCS Thủy Dương nói riêng là đơn vị đi đầu toàn tỉnh trong việc tạo điều kiện để học sinh có nhiều hơn những trải nghiệm về các danh thắng, địa chỉ đỏ… trên địa bàn.

Sau một vài lần tổ chức dạy học trải nghiệm sáng tạo, dạy học thực địa cho học sinh, thầy Phùng Hữu Kim Quân - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thủy Dương đã suy nghĩ làm thế nào để những trải nghiệm của các em không bị quên lãng theo thời gian, đồng thời, trở thành tư liệu quý giúp các thế hệ học sinh, giáo viên kế cận tham khảo, áp dụng trong dạy và học.

Từ trăn trở này cộng với việc được đi trải nghiệm thực tế nhóm, học sinh Trường THCS Thủy Dương, trong đó 2 học sinh “chủ lực” là Ngô Thị Diễm Phúc (lớp 9/2) và Phùng Thị Thu Sương (lớp 9/1) đã tập hợp, sưu tầm, ghi chép lại những gì đã trải nghiệm ở các danh thắng, di tích văn hóa, địa chỉ đỏ…, đồng thời, thông qua nguồn tư liệu của thầy Quân và hướng dẫn của cô Võ Thị Thảnh (giáo viên Ngữ văn, chủ nhiệm lớp 7/4) và một số giáo viên, các em đã cho ra đời “Tập san văn học địa phương”.

Là tác phẩm tổng hợp chương trình văn học địa phương cấp THCS cho cả 3 phân môn: Văn, tiếng Việt và tập làm văn, “Tập san văn học địa phương” đã góp phần giúp giáo viên và học sinh có thêm nhiều kiến thức, tư liệu về chương trình địa phương để phát huy tối đa hiệu quả trong dạy và học chương trình ngữ văn địa phương cùng các văn bản nhật dụng, văn bản thuyết minh trong nhà trường.

Theo cô Võ Thị Thảnh, môn văn học địa phương trong chương trình THCS nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương, từ đó, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, ý thức tìm hiểu và vận dụng những kiến thức đã học để góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa lịch sử cộng đồng.

Tại mỗi một buổi trải nghiệm, các giáo viên được phân công sẽ chuẩn bị kiến thức liên quan, tìm cách thuyết minh súc tích, đầy đủ và dễ hiểu nhất. Ở chiều ngược lại, một mặt nghe giáo viên thuyết minh, mặt khác, học sinh tham gia phải tìm hiểu trước về địa điểm, sử dụng máy ảnh để ghi lại các hình ảnh, cẩn thận ghi chép và đem ra thảo luận, chọn lọc, nhóm trưởng tập hợp nội dung trải nghiệm của các bạn sau đó nhờ giáo viên xác minh lại để điều chỉnh, bổ sung. Với cách làm này, học sinh vừa thu nạp được kiến thức cho bản thân, đồng thời, lưu giữ được những trải nghiệm thông qua câu chữ, hình ảnh, từ đó giúp giáo viên, học sinh các thế hệ tiếp theo có được tư liệu bổ ích trong quá trình dạy và học.

“Tập san văn học địa phương” đã mở ra một cơ hội để những giá trị truyền thống tốt đẹp được giới thiệu rộng rãi, góp phần giáo dục lòng tự hào về truyền thống, lịch sử, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước và là chất xúc tác để giữ gìn, phát huy tài sản tinh thần vô giá mà ông cha ta đã để lại. Sắp tới, mô hình này sẽ được ngành Giáo dục & Đào tạo thị xã áp dụng ở các trường học trên địa bàn”, bà Ngô Thị Ái Hương – Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy chia sẻ.

Bài, ảnh: Thanh Đoàn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học văn hóa địa phương qua trải nghiệm Tết

Trước kỳ nghỉ Tết, nhiều trường học tổ chức các hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền vừa tạo không khí vui tươi, vừa giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh.

Học văn hóa địa phương qua trải nghiệm Tết
Đọc - trải nghiệm trong không gian văn hóa Huế

“Đọc - trải nghiệm trong không gian văn hóa Huế” là hoạt động thú vị do Trường tiểu học Lý Thường Kiệt phối hợp với CLB Sách và Văn hóa Huế tổ chức sáng 11/1 tại 23-25 Lê Lợi.

Đọc - trải nghiệm trong không gian văn hóa Huế
Lan tỏa vẻ đẹp Huế từ hộ chiếu du lịch

Ngành du lịch Huế đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách khi đến Huế. Sau thành công của hoạt động ra mắt hộ chiếu du lịch Huế - Hue City Passport 2023, ngành du lịch Huế đang đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động lan tỏa vẻ đẹp Huế từ hộ chiếu du lịch.

Lan tỏa vẻ đẹp Huế từ hộ chiếu du lịch
Trải nghiệm văn hóa Huế với bạn bè quốc tế

Những ngày giao mùa sang thu, các bạn sinh viên đến từ xứ sở hoa anh đào đã có dịp đặt chân đến Huế. Tại đây, họ đã có những trải nghiệm thú vị về văn hóa tại mảnh đất Cố đô cùng những người bạn Việt Nam.

Trải nghiệm văn hóa Huế với bạn bè quốc tế

TIN MỚI

Return to top