ClockThứ Tư, 25/05/2022 05:47

“Ôn Đề” làm khuyến học

Sinh sống ở Huế không cản trở nhà báo Võ Đại Đề luôn “có mặt” ở quê hương An Truyền, dành tâm sức góp phần lo toan những công việc có liên quan đến lợi ích của địa phương. Anh là người khởi xướng việc lập Hội đồng hương An Truyền (Phú An, Phú Vang) tại Huế và được bầu làm chủ tịch.

Từ năm 1995 đến nay, hội đã đến với bà con nghèo, người già, tàn tật, các em mồ côi và các em học sinh, sinh viên hiếu học làng An Truyền, xã Phú An và cả các xã lân cận huyện Phú Vang, Hương Thủy và TP. Huế với hàng ngàn suất quà giá trị hàng tỷ đồng. Riêng quỹ học bổng dành cho học sinh, sinh viên của làng lên đến hàng trăm triệu đồng. Các buổi trao thưởng, vinh danh hằng năm của hội đồng hương trở thành sự kiện được trông chờ của mọi gia đình trong làng.

Thông qua những hoạt động khuyến học có hiệu quả, anh Võ Đại Đề tạo được thương hiệu “Ôn Đề” và đây là lời chào cửa miệng mà mọi người dành cho anh. Được sự kính mến của người dân và đánh giá cao của lãnh đạo địa phương, được bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học xã từ tháng 12/2019.

Trên cương vị mới, năng lực, tâm huyết của Võ Đại Đề lại có dịp phát huy hơn nữa. Trong hoàn cảnh xã chưa có điều kiện hỗ trợ ngân sách, hội có sáng kiến và tự xoay xở để xây dựng trụ sở của Hội Khuyến học xã. Sáng kiến tưởng chừng như không tưởng này được thực thi tốt đẹp. Chỉ sau một thời gian ngắn được UBND xã giao đất, văn phòng hội chính thức ra đời.

Cho đến nay, trong toàn tỉnh và có lẽ cả toàn quốc nữa, chưa có nơi nào hội khuyến học cấp xã tự mình xây dựng được trụ sở làm việc. Đó là một công trình khá khang trang với 40 mét vuông xây dựng (chưa tính sân bãi), có phòng họp 40 chỗ ngồi bề thế trong khuôn viên của trụ sở xã,  khánh thành đúng dịp Đại hội Hội Khuyến học xã, nhiệm kỳ 2019 - 2024 và là nơi liên tục tổ chức nhiều sự kiện khuyến học của xã.

“Sao anh cả gan thế”, tôi đặt câu hỏi. “ Ôn Đề” cười hào sảng: “Dựa trên kết quả những công việc khó khăn mà mình đã từng làm, dựa vào niềm tin một việc làm tốt bao giờ cũng cho kết quả tốt, trước sau gì rồi cũng có quý nhân hỗ trợ”. Anh lại tiếp: “Hơn nữa, vợ chồng tôi thấy đây là một việc nghĩa nên đã thống nhất tạm ứng một khoản tiền hưu để dành của gia đình để trang trải chi phí xây dựng. Sau này nguồn tài trợ không đủ thì phần còn lại sẽ trở thành khoản đóng góp của chúng tôi cho xã hội...”

Không phụ lòng anh, những quý nhân đầu tiên đã xuất hiện, trong đó có một người quen ở TP. Hồ Chí Minh, một vị thượng tọa quê làng Chuồn đang trụ trì một ngôi chùa ở Đồng Nai, bác Nguyễn Chuyên một Việt kiều ở Mỹ về quê thăm tết và một số bạn bè doanh nghiệp đến chúc mừng...

Có trụ sở mới, hoạt động khuyến học ở Phú An ngày càng khởi sắc. Hai năm 2020 và 2021, anh đã cùng tập thể ban chấp hành hội liên hệ, vận động tài trợ cho những gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ cho các cháu học sinh, sinh viên nghèo không chỉ dành cho quê anh mà còn cho các xã vùng lân cận với hàng ngàn suất quà cứu trợ có giá trị lên đến 1,3 tỷ đồng. Đáng chú trong đó có nguồn tài trợ của Đoàn Y tế, Ban Từ thiện chợ An Đông, chương trình “Sát cánh cùng gia đình Việt” của Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Ban Từ thiện xã hội Giáo hội PGVN Thừa Thiên Huế; Đoàn cứu trợ Phật giáo tỉnh Đồng Nai...

“Ôn Đề” và cán bộ hội dành tâm sức cho các hoạt động xã hội từ thiện mà trọng tâm là công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Nhờ năng lực nổi bật của anh đã tạo được sức mạnh tổng hợp với sự chung tay, góp sức của các cấp lãnh đạo, các ngành, đoàn thể và họ tộc ở xã Phú An và của Hội đồng hương làng An Truyền tại TP.  Huế, tạo dựng nhiều mối quan hệ vượt xa tầm mức của một hội khuyến học xã.

Nguyễn Trọng Chân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khuyến học và khuyến tài

Công tác khuyến học, khuyến tài hiệu quả là một trong những “đòn bẩy” quan trọng, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Phú Vang.

Khuyến học và khuyến tài
Những công trình “băng sông, vượt biển”

Nhiều công trình, dự án trọng điểm về giao thông được đầu tư không chỉ giúp giao thương thuận lợi, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những công trình “băng sông, vượt biển”
Tăng tốc trên các công trình trọng điểm

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá cao so với trung bình chung của cả nước. Theo đó, tính đến cuối tháng 10/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 59,7% kế hoạch. Song, để đạt được mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công đến cuối năm nay là thách thức không nhỏ với các ban ngành, chủ đầu tư.

Tăng tốc trên các công trình trọng điểm

TIN MỚI

Return to top