ClockThứ Ba, 03/11/2015 15:02

Chăm lo cho thế hệ trẻ

TTH - Những người “đầu tắt mặt tối” với công việc đồng áng, lao động nặng nhọc ở thôn Uất Mậu, thị trấn Sịa (Quảng Điền) hiểu rõ giá trị của việc học nên đã quyết tâm gây dựng phong trào khuyến học. Nhờ đó, thành tích học tập của học sinh nơi đây ngày một tiến bộ.
Lễ trao thưởng cho học sinh đạt kết quả học tập tốt ở thôn Uất Mậu năm học 2014-2015

Già chăm lo, trẻ cố gắng

Về Uất Mậu, chúng tôi nghe được câu chuyện những học sinh nghèo vươn lên trở thành những tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân giàu kiến thức. Chuyện không mới, nhưng nỗ lực của những người làm công tác khuyến học thì không phải nơi đâu cũng làm được. Ông Nguyễn Ngọc Phổ, Chi hội phó Chi hội khuyến học thôn Uất Mậu kể lại, cách đây 18 năm, đời sống các gia đình khó khăn, những đứa trẻ trong thôn đến trường dù cố gắng nhiều nhưng kết quả học tập vẫn thấp, nhiều em chán nản bỏ học. Những người lớn trong thôn ngồi lại trao đổi, tìm cách động viên  học sinh “bám lấy” con chữ để đổi đời, rạng danh thôn xóm, cũng từ đó hội khuyến học của thôn ra đời, do 40 sáng lập viên góp tiền tạo quỹ. Năm đầu tiên số tiền ít, họ quyết định trao 80 suất quà cho những học sinh tiêu biểu, làm gương để những em khác cố gắng. Hai năm sau, một người dân địa phương sinh sống từ Lào trở về tài trợ 7 triệu đồng. Có “quỹ cứng”, phong trào khuyến học ở Uất Mậu thuận lợi hơn, tạo ra cuộc thi đua cho học sinh đến trường gặt hái kết quả. Nhìn nhận được điểm lợi từ phong trào này, người dân trong thôn thống nhất cùng thực hiện, họ đưa ra phương án mỗi gia đình có làm ruộng đóng 0,5kg lúa/sào/năm, những hộ còn lại góp 30.000 đồng/năm vào quỹ khuyến học. Mô hình khuyến học trong thôn phát triển không ngừng, số thành viên góp tiền gây quỹ tăng lên 100 người, cha mẹ cũng dần quan tâm đến chuyện học của con cái. “Họ bảo nhau, đời mình đã khổ nên đời con phải được sung sướng, muốn thế chỉ có con đường học”, ông Phổ nhấn mạnh.

Niềm vui nhận thưởng và ý thức được sự vất vả của những người ngày đêm đi “xin tiền” làm khuyến học, thế hệ trẻ trong thôn càng quyết tâm cố gắng. Ông Phổ chia sẻ: “Mỗi năm chi hội phát thưởng khoảng 12-15 triệu đồng, ra trước đình làng để báo công tổ tiên nên tụi nhỏ thấy vinh dự lắm, cũng vì thế mà chúng đua nhau học. Nhờ đó, từ 80 em ban đầu, năm ni có đến 140 em nhận thưởng từ chi hội. Những cô cậu học trò ngày xưa được chúng tôi giúp đỡ, bây giờ thôn đã có 1 tiến sĩ, 7 thạc sĩ. Con em đậu đại học, cao đẳng khá nhiều”.

Khuyến học để thoát nghèo

Những người làm công tác khuyến học thôn Uất Mậu cho biết, ngoài việc vinh danh những học sinh đạt thành tích tiêu biểu thì lễ phát thưởng hằng năm nhằm mục đích động viên những em học sinh nghèo vượt khó vươn lên. Uất Mậu là một địa phương trước đây có nhiều hộ nghèo, nên chi hội khuyến học ra đời còn gắn với một nhiệm vụ đi sâu vào đời sống các gia đình, kịp thời động viên các em cố gắng đến trường, tránh tư tưởng chán nản bỏ học.

Cứ đến mùng 4 Tết hằng năm, chi hội lại tổ chức gặp mặt học sinh, sinh viên, những người về quê ăn Tết, để trao đổi chuyện đời, chuyện học và động viên nhau cố gắng. Những tấm gương nghèo học giỏi, thành đạt được kể ra, đánh bật “tư tưởng” lung lay của những học sinh hoàn cảnh.

Theo ông Phổ, nhờ phong trào khuyến học phát triển, những gia đình thuần nông trong thôn đã chấp nhận khổ cực để nuôi con học đến nơi đến chốn, chuyện gia đình có 2-3 con học đại học, thạc sĩ, ra trường có việc làm ổn định trở nên quen thuộc với người dân trong thôn. “Như gia đình ông Nguyễn Đình Thông trước đây thuộc hộ nghèo, cố gắng làm ăn nuôi 3 con học đại học, giờ trở nên khấm khá. Gia đình anh Lê Thế Dũng, Nguyễn Ngọc Vinh cũng 2-3 con học đại học, thạc sĩ giờ ra trường làm đàng hoàng, quay lại giúp đỡ cha mẹ”, ông Phổ nêu ví dụ.

Ông Lê Ngọc Quát (có 1 con đậu tiến sĩ, 2 con đại học) xúc động: “Hai vợ chồng tui làm nông mà sống nhưng xác định con thiếu học thì không được gì nên quyết tâm bám mấy sào ruộng cộng thêm chăn nuôi để đưa con đến trường. Giờ con cái đứa mô cũng thành đạt, niềm vui không có gì có thể diễn tả hết. Như ri là quá hạnh phúc rồi”.

Trong lòng của người dân Uất Mậu, niềm tự hào lớn nhất là từ một làng quê nghèo thuần nông, con em họ đã và đang học hành thành đạt. Nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ổn định công việc lại tìm về giúp quê hương, chung tay cùng thế hệ những người lớn tuổi làm công tác khuyến học, giúp cuộc sống của người dân địa phương bước sang một trang mới.

Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng nghiệp thông qua ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam"

Tổ chức cho học sinh chia sẻ về ước mơ, khát vọng; truyền cảm hứng, hướng nghiệp định hướng tương lai và trao quà hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn là những hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong chương trình ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam" do Trường cao đẳng Công nghiệp Huế phối hợp với Trường THCS Thủy Phương (TX.Hương Thủy) tổ chức vào ngày 9/1. Hoạt động nhằm thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên Việt Nam.

Hướng nghiệp thông qua ngày hội Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam
Trao quà cho học sinh nghèo học giỏi ở huyện Phú Lộc

Ngày 9/1, Hội Khuyến học huyện Phú Lộc phối hợp với đơn vị tài trợ Hội Vietkids - Ban Từ thiện Xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Huế tổ chức trao quà cho học sinh nghèo học giỏi ở huyện Phú Lộc.

Trao quà cho học sinh nghèo học giỏi ở huyện Phú Lộc
60 tác giả tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2025

Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên (HSV) Việt Nam (9/1/1950 - 9/1/2025), từ ngày 9/1-18/2, HSV và Đoàn Thanh niên Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2025.

60 tác giả tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2025
“Vừa hồng, vừa chuyên"

Với học sinh và sinh viên (HSSV), Ngày truyền thống HSSV (9/1) hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ HSHV trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vừa hồng, vừa chuyên

TIN MỚI

Return to top