ClockChủ Nhật, 22/11/2020 06:50

Về chùa Giác Lương ngắm cây sứ hơn 200 tuổi

Chùa cổ Giác Lương - ngôi chùa làng đầu tiên của Thừa Thiên Huế được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa quốc gia

“Cổng tam quan và cây sứ hơn 200 năm tuổi là nét đặc trưng ở chùa Giác Lương đó chị”.

Lời giới thiệu của thầy Hải, giáo viên Trường tiểu học Đông Hiền ở xã Phong Hiền (Phong Điền) thôi thúc tôi có quyết định chọn được điểm đến cuối tuần vừa rồi.

Cây sứ trước gian thờ chính đã trải qua hơn 2 thế kỷ

Chùa Giác Lương cách cổng làng Hiền Lương khoảng hơn trăm mét. Nằm ở vùng trũng của huyện Phong Điền, dấu vết những đợt thiên tai vừa qua còn in rõ trên nền sân gạch và các bức tường, nhưng ngôi chùa có kiến trúc nhà rường cổ đã vững vàng sau thiên tai. Thầy Hải khẳng định, việc tham quan chùa không ảnh hưởng đến thời tiết, nên dù hôm chúng tôi đến chùa là thời điểm cả dải đất miền Trung đang chuẩn bị đón cơn bão số 10, trời lúc tạnh lúc mưa nhưng quan cảnh bên trong vẫn thoáng đãng, trang nghiêm.

Như lời thầy Hải giới thiệu, cổng chùa cao 3 tầng quả là nguy nga so với ngôi chùa cổ nhỏ bé nằm bên trong. Anh Nguyễn Đức Thiện, người kế nghiệp cha lo chuyện hương đăng ở chùa cho biết, theo lời người già ở làng, chùa do bà Hoàng Thị Phú xây dựng cách đây hơn hai thế kỷ để thờ Phật và các vị thần. Người xây chùa còn có chủ ý tạo nơi thờ các ngài khai canh và 12 họ đầu tiên sinh sống ở làng Hiền Lương để nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội, tổ tiên ông bà của mình. Anh Thiện nhấn mạnh thêm, không nhiều chùa ở Huế xây cổng tam quan, mà tầng hai của cổng còn có án thờ ngài hộ pháp để trấn giữ chùa mà như lời bà con ở đây là rất linh thiêng.

Nhiều trường học đưa học sinh đến tham quan Giác Lương tự

Tôi may mắn gặp được mệ Trần Thị Biên, năm nay 80 tuổi, sinh ra và lớn lên ở làng Hiền Lương, kể: “Trong chiến tranh, chùa là nơi che giấu nhiều cán bộ lắm. Mậu Thân, bom rải khắp làng mà chùa không bị chi”.

Có lẽ từ những ấn tượng tốt ấy mà dù suốt một thời gian dài, nhà chùa hoàn toàn không có nguồn kinh phí nào để chăm sóc hay trùng tu; lễ vật và tiền bà con mang đến cúng vào các dịp lễ tết… cũng chưa đủ nhang đèn, hương hoa; người dân trong làng vẫn tự nguyện góp công chăm sóc, nhang khói, giữ gìn chùa luôn được chu toàn.

Cụ Biên trải lòng: “Còn khỏe, có thời gian thì tui lo quét sân, chừ già, không quét dọn được nữa thì ra đây hóng mát cũng thấy người thoải mái, nhẹ nhàng hơn”.

Anh Thiện cho biết, trước ba anh là cụ Nguyễn Đắc Định làm trù trì ở chùa nhiều năm, cụ mất cách đây 5 năm, anh Thiện thay ba lo việc hương khói, nhưng nếu một mình anh thì lo không xuể, mà nhờ bà con, người quét sân, nhổ cỏ, người trồng cây... nên không gian chùa luôn sạch sẽ, hương đèn đầy đủ.

Về quê nội sau ngày đất nước giải phóng, vườn nhà tôi có hơn chục cây sứ hoa đỏ hoa vàng, tính đến nay chúng đã có vài chục năm tuổi. Nhưng cây sứ cổ ở Giác Lương tự thực sự gây ấn tượng với tôi. Cây nằm bên phải gian nhà chính của chùa, gốc cây to, nhiều nhánh mọc cao vút tỏa bóng hết nửa sân chùa. Với chừng ấy thời gian, không biết cây đã hứng chịu bao đợt thiên tai, bão lũ nhưng vẫn vững chãi trước thời gian.

Với không gian yên tĩnh, trong lành, cùng những giá trị lịch sử văn hóa, nhiều năm nay, Giác Lương tự là điểm tham quan được giáo viên chủ nhiệm và tổng phụ trách Đội các trường ở huyện Phong Điền và các địa phương lân cận đưa học sinh đến tham quan, giới thiệu.

Thầy giáo Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Điền cho biết: “Từ Giác Lương tự, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tìm thêm nhiều điểm đến bổ ích ngay trên địa bàn để đưa học sinh đến tham quan”.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuông đồng “kể chuyện”

Ngày nay, nhiều ngôi cổ tự xứ Huế vẫn còn lưu giữ được rất nhiều chuông quý ra đời dưới thời Nguyễn. Nhìn những hoa văn, họa tiết ở những quả chuông ấy, người đời nay không chỉ thấy được trình độ kỹ thuật, kỹ xảo của nghệ nhân xưa mà còn cảm nhận được những triết lý sâu sắc chứa đựng trong đó.

Chuông đồng “kể chuyện”
“Rèm xanh” cho căn nhà

Phủ xanh ngôi nhà bằng các loài cây leo là xu hướng được nhiều người ưa chuộng trong những năm gần đây. Như những “tấm rèm xanh” tự nhiên, những dàn cây leo không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà còn giúp giảm thiểu ảnh hưởng từ nắng mưa, tạo nên không gian xanh mát, trong lành và dễ chịu giữa chốn đô thị.

“Rèm xanh” cho căn nhà
Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão

Việc cắt tỉa cây, mé cành là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân và bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng trong mùa mưa bão. Vì vậy, Trung tâm Công viên cây xanh Huế và Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đã chủ động thực hiện nhiệm vụ này.

Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão
Cơm nhà lam Huế

Huế có hàng trăm ngôi chùa. Vậy nên, vấn đề ẩm thực nhà chùa hay gọi nôm na là cơm nhà lam xứ Huế có rất nhiều chuyện thú vị. Cứ nghĩ đến cảnh mỗi khi mặt trời đứng bóng, các thầy chùa, ni sư ngồi vào bàn ăn gọi là Ngọ trai, đó đã là một cách thức ẩm thực khác hẳn với người thường...

Cơm nhà lam Huế

TIN MỚI

Return to top