ClockThứ Bảy, 30/04/2022 15:51

Thành phố bốn mùa lễ hội

TTH - Lần đầu tiên, các lễ hội được tổ chức quanh năm, từ mùa xuân đến hạ rồi thu - đông. Đó cũng là điểm nhấn mới, cách để làm mới Festival Huế, và là tiền đề để thúc đẩy phát triển kinh tế từ du lịch lễ hội.

Khai mạc Festival Thuận An biển gọiBay cao những cánh diềuMê Festival HuếGiữ thương hiệu quốc tế của Festival Huế

Festival Huế vẫn sẽ giữ thương hiệu về lễ hội tầm quốc gia, quốc tế

Hiệu ứng mới

Đây là lần đầu mà lễ hội Diều Huế được tách ra khỏi Festival Huế, có thời gian tổ chức kéo dài suốt 1 tuần lễ. Các hoạt động thả diều vào các buổi chiều của lễ hội giúp tạo không khí sôi động, thu hút lượng khách gia đình, khách nhỏ tuổi đến vui chơi, thăm thú vùng đất Cố đô. Thời gian kéo dài giúp công chúng lựa chọn thời điểm phù hợp để đến với lễ hội. Sự thay đổi này đã giúp các nghệ nhân diều ba miền có nhiều thời gian phô diễn những con diều độc đáo, bắt mắt; tăng tính quảng bá cho nghệ thuật chơi diều của Việt Nam.

Khoảng 1 tháng trước, khi lễ hội điện Huệ Nam được tổ chức, ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Festival Huế 2022 cho rằng: Lần đầu tiên lễ rước Thánh bằng đường bộ được tái hiện, xây dựng một carnival dân gian độc đáo, có quy mô lớn; phô diễn nét độc đáo của những trang phục cổ xưa đầy màu sắc; kết hợp với các hình thức diễn xướng, vũ điệu đặc trưng của tín ngưỡng Thờ Mẫu - một tín ngưỡng dân gian Việt Nam, tôn thờ các nữ thần và đề cao vai trò của người phụ nữ. Chỉ khi có đủ thời gian, không gian thì các lễ hội mới được tổ chức, phục dựng một cách nguyên bản nhất có thể như thế.

Sẽ còn đó những nghi ngại về một lễ hội đã xây dựng được thương hiệu như Festival Huế khi thay đổi về quy mô. Từ việc tập trung tổ chức tất cả các lễ hội, hoạt động trong một tuần lễ sang tổ chức quanh năm. Trên thế giới, những lễ hội có lịch sử hàng trăm năm cũng dần thay đổi hình thức tổ chức để phù hợp với thực tiễn đời sống, xã hội. Việc thay đổi của Festival Huế cũng khó tránh khỏi được quy luật đó, quan trọng là những giá trị cốt lõi của lễ hội cần được giữ gìn, để có bản sắc riêng.

Ông Huỳnh Tiến Đạt phân tích, ban đầu, người trong cuộc cũng còn những e ngại khi thay đổi hình thức tổ chức. Nhưng chỉ sau các lễ hội mùa xuân và một số lễ hội mùa hạ được tổ chức mới thấy đó là hướng đi phù hợp và xu thế tất yếu. Trước hết là sự nâng tầm của các lễ hội, thay vì chỉ tổ chức 1-2 ngày, sự chú ý cho lễ hội gần như không có nhiều, vì có nhiều lễ hội quy mô khác được lựa chọn cùng một lúc thì nay cả khách thể và chủ thể của lễ hội đều chú ý đến. Sự thay đổi không chỉ dừng lại ý nghĩa thích ứng với tình hình mới, mà đó là cơ hội để các lễ hội xây dựng được thương hiệu riêng. Riêng với các lễ hội dân gian truyền thống, có cơ hội bảo tồn, lan tỏa, từng bước đi vào đời sống hiện đại.

Ông Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty CP Du lịch Đại Bàng cho hay, dù chỉ là bước đầu, song về khía cạnh khai thác du lịch, đã tạo hiệu ứng khá tốt. Thực tế, những lễ hội mới được tổ chức, chưa xây dựng được thương hiệu riêng sẽ khó thu hút khách. Riêng với các lễ hội ở Huế, có thể trước đây được tổ chức trong khuôn khổ Festival Huế nên ít nhiều đã có ấn tượng ban đầu, giúp du khách quyết định đến Huế. Việc tổ chức định kỳ quanh năm cũng là điều kiện để doanh nghiệp mạnh dạn xây dựng tour tuyến; tăng quảng bá để thu hút khách.

Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh, chính sự thay đổi trong hình thức tổ chức quanh năm đã và đang tạo động lực để doanh nghiệp Huế mạnh dạn đầu tư hình thành những sản phẩm mới để phục vụ dòng khách đến Huế trong dịp lễ hội. Điều này mang lại hiệu quả cho cả hai phía: Huế có thêm sản phẩm mới, tác động trở lại là giúp lễ hội có thêm sức hút. Khi cả hai kết hợp lại, tạo ra sự đa dạng cho du lịch Cố đô.

Phát triển kinh tế từ lễ hội

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế là Festival Huế. Trải qua hơn 20 năm với 10 kỳ tổ chức, Festival Huế đã trở thành lễ hội được chú ý trong hệ thống các festival trên thế giới. Vai trò và vị thế của Festival Huế ngày càng được khẳng định qua quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu.

“Với yêu cầu tiếp tục phát huy thành quả các kỳ festival vừa qua, từng bước phát triển mô hình festival mới, làm phong phú thêm các hoạt động lễ hội, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn cho Huế, tổ chức lễ hội bốn mùa là phù hợp với định hướng thúc đẩy kinh tế - xã hội bằng việc phát huy kinh tế từ du lịch. Trên cơ sở thay đổi các hình thức tổ chức Festival Huế, các hoạt động mang yếu tố cung đình sẽ được tái hiện. Bên cạnh đó, gắn với các hoạt động dân gian, các hoạt động tôn giáo với phát triển du lịch để phát huy yếu tố cộng đồng và thực hiện công tác xã hội hóa”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Trước đây, phải nhìn nhận một thực tế, mỗi kỳ Festival Huế tổ chức, các khách sạn luôn trong tình trạng kín chỗ, chất lượng dịch vụ đôi lúc không đảm bảo. Nay tổ chức lễ hội liên tục theo tuần, theo tháng, theo quý là cách để kéo dài thời gian lưu trú và nâng tần suất kín phòng cho các khách sạn. Xét về khía cạnh phát triển kinh tế du lịch mang lại hiệu quả gấp bội. Tiến đến xây dựng lễ hội thành sản phẩm đặc thù, sản phẩm du lịch “đinh”, điểm nhấn quan trọng của loại hình du lịch văn hóa – di sản của Huế.

Theo các chuyên gia, lễ hội đã đến lúc phát huy vai trò phát triển kinh tế, chứ không chỉ dừng lại là nơi để bảo tồn, giao thoa các giá trị văn hóa. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - ông Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, việc sở hữu nhiều lợi thế để phát triển du lịch sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa sẽ giúp Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đa dạng hóa hệ thống sản phẩm du lịch, gia tăng giá trị cho các sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống, phát triển thương hiệu du lịch độc đáo, thu hút được thêm dòng khách trung cấp đến cao cấp, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Festival Huế là sự tiên phong của Huế trong việc tổ chức lễ hội nhằm phát triển du lịch từ năm 2000. Sự thay đổi thành bốn mùa lễ hội cũng là sự tiên phong của Cố đô, tiến đến hình thái lễ hội, có tính thích ứng, tư duy mới trong năm 2022 này.

Sau 10 kỳ tổ chức Festival Huế, đã hình thành các sản phẩm du lịch như: phố đêm, phố ẩm thực, mặt hàng thủ công mỹ nghệ; các tour, tuyến mới như du lịch nhà vườn, phố cổ, Huế xanh, chợ quê, làng cổ. Đến năm 2018, số lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế đạt trên 4,3 triệu lượt (tăng gấp 8,9 lần so với năm 2000), trong đó khách quốc tế đạt trên 1,9 triệu lượt. Doanh thu du lịch năm 2001 là 232 tỷ đồng, thì đến năm 2018 ước đạt khoảng 4.474 tỷ đồng; doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt gần 11.184 tỷ đồng.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch “0 đồng” nhưng về “sạch túi”

Với “mác” giả mạo là các công ty chăm sóc sức khỏe (CSSK), những kẻ lừa đảo đưa ra lý do mời những người lớn tuổi đi du lịch ở những địa điểm nghỉ dưỡng với giá “0 đồng” để tri ân; mục đích lừa bán những sản phẩm CSSK, ngừa đột quỵ... với giá “trên trời”.

Du lịch “0 đồng” nhưng về “sạch túi”
Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp

Chiều 9/1, Ban quản lý (BQL) các khu kinh tế, công nghiệp thành phố Huế tổ chức tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương dự, chỉ đạo hội nghị.

Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp
Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

​Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được coi như một mũi nhọn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

TIN MỚI

Return to top