ClockThứ Ba, 31/10/2017 20:06

Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ

TTH - Trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu, ngoài di tích nhà ở, nhà thờ và lăng mộ của cụ Phan, còn có nhiều lăng mộ, bia tưởng niệm… của các chí sĩ yêu nước được đưa vào đặt, an táng ở đây; trong đó, có lăng mộ của nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, một trong những nhân vật được xem là biểu tượng của tinh thần chống Pháp bất khuất cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, ít ai biết vì sao lăng mộ của ông lại được đưa vào an táng trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm Phan Bội Châu.

Bia mộ cụ Tăng Bạt Hổ tại khuôn viên di tích nhà lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu

Chí sĩ Tăng Bạt Hổ tên thật là Tăng Doãn Văn, sinh năm 1858, tại làng An Thường, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Sinh ra đúng vào năm Pháp nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng. 14 năm sau, ông trở thành một trong những chí sĩ yêu nước tham gia tích cực phong trào chống Pháp, rồi hưởng ứng phong trào Cần Vương. Ông tập hợp nghĩa quân chống Pháp ở Bình Định, phong trào bị đàn áp, năm 1887 ông sang Lào, Thái Lan, Trung Hoa, Nhật Bản tìm người cùng chí hướng. Sau đó, ông tham gia hải quân Nhật, nổi tiếng là người dũng cảm, gan dạ. Ngày khải hoàn, ông được mời dự bữa đại yến do Thiên hoàng Minh Trị đãi các tướng sĩ, đỡ chén rượu của Thiên hoàng rót thưởng, ông uống một hơi cạn rồi khóc lớn ở giữa triều đình. Thiên hoàng hỏi, ông giãi bày hết nỗi lòng: “Tôi vốn không phải là người Nhật mà là một người vong mạng Việt Nam. Sau khi thất bại trong việc chống Pháp, tôi trốn qua Xiêm, qua Trung Hoa rồi tới đây, may được bệ hạ tin dùng. Nay thấy quý quốc chiến thắng, làm vẻ vang cho giống da vàng, tôi nghĩ đến tình cảnh nước tôi mà không cầm được giọt lệ… Bao giờ dân nước tôi mới được một bữa yến như bữa này của quý quốc”.

Tấm chân thành và lòng yêu nước của ông được Thiên hoàng khen ngợi là “Chân ái quốc”. Ông kết giao với nhiều nghị sĩ như Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi), Đại Ôi Trọng Tín (Ōkuma Shigenobu), và nhiều nhà yêu nước Nhật Bản khác. Năm 1904 ông trở về nước gia nhập Duy Tân hội, trở thành đồng chí thân tín của cụ Phan Bội Châu và cũng là người dẫn đường đưa cụ Phan sang Nhật Bản tìm đường cứu nước trong phong trào Đông Du.

Năm 1905, Tăng Bạt Hổ về nước đem theo bài văn “Khuyến thanh niên du học” của cụ Phan Bội Châu để truyền bá, cổ động, vận động học sinh, sinh viên và thanh niên sang Nhật du học. Trên đường từ Nam ra Bắc ông ghé lại Huế, rồi bệnh nặng và mất trên một chiếc thuyền nhỏ vào năm 1906.

Căn cứ vào một số sử liệu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, thì cụ Tăng sinh năm Mậu Ngọ (1858) và mất năm Bính Ngọ (1906). Như vậy, mùa đông năm Bính Ngọ (1906), cụ Tăng Bạt Hổ đến Huế thì bệnh nặng, mặc dù được cụ Võ (tức cụ Võ Bá Hạp - một đồng chí thân tín của cụ Phan) chăm sóc chu đáo, khuya sớm chăm sóc trên một chiếc thuyền dưới bến, để tránh tai mắt của mật thám Pháp. Tuy vậy, cũng chỉ được vài tuần thì cụ Tăng mất ngay trong thuyền. Khi cụ Tăng Bạt Hổ qua đời, cụ Võ cùng các đồng chí khác lo hậu sự, an táng tại ấp Thế Lại Thượng.

Trong một lần đến thắp nén hương viếng mộ cụ Tăng Bạt Hổ, chúng tôi phát hiện nội dung khắc trên bia mộ của cụ Tăng có phần khác so với năm sinh của cụ, làm cho chúng tôi đặt ra nhiều nghi vấn. Qua khảo sát, lăng mộ cụ Tăng Bạt Hổ được xây bằng đá, có bình diện hình chữ nhật, diện tích khoảng 28m2, chiều dài 7m, rộng 4m, tường dày 40cm. Bia được làm bằng đá, gắn âm vào tường bình phong hậu, ở chính giữa có khắc dòng chữ: “Điền bát tử Tăng Bạt Hổ chí sĩ chi mộ” 田八子曾拔虎志士ㄓ墓 (mộ của chí sĩ Tăng Bạt Hổ, hiệu Điền bát tử).

Hai bên có hai dòng lạc khoản:

Dòng bên trái: “Tốt tử Bính Ngọ niên” 卒子丙午年(mất năm Bính Ngọ)

Dòng bên phải: “Sinh tử Quý Hợi niên” 生子季亥年 (Sinh năm Qúy Hợi)

Nội dung trên bia mộ Lăng Bạt Hổ làm chúng tôi phải nghi vấn. Vì sao Tăng Bạt Hổ không phải là sinh năm Mậu Ngọ (1858) như một số tài liệu ghi chép, mà trên văn bia lại ghi năm sinh Qúy Hợi (1863)? Có thể lúc dựng bia mộ cho cụ Tăng, vào thời điểm đó để che tai mắt bọn mật thám Pháp, cụ Võ Bá Hạp cùng các đồng chí đã cố ý viết sai lệch năm sinh của cụ Tăng trên bia mộ như vậy, hay cũng có thể sau này trong khoảng thời gian 15 năm cụ Phan Bội Châu bị giam lỏng ở Huế, khi nghĩ đến Tăng Bạt Hổ người đồng chí thân tín, nên cụ Phan đã cho dựng bia mộ và để tránh những bất trắc, khó khăn, thậm chí bị thực dân Pháp đàn áp, nên cụ Phan cố tình viết sai lệch năm sinh để đánh lạc hướng?

Một thực tế, lăng mộ của nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ được đưa vào chôn cất và xây trong khuôn viên di tích nhà cụ Phan Bội Châu là thời gian sau này. Vào năm 1956 do ông Lê Ngọc Nghị, một nhân sĩ, cùng với một số hậu duệ các bậc tiền bối đã hợp tác cùng thân hào xã Thế Lại Thượng tổ chức lễ truy điệu, cải táng hài cốt Tăng Bạt Hổ lên chôn ở đây. Cũng có thể khi khắc bia mới đã cho sao chép lại y nguyên nội dung của văn bia cũ có từ thời Pháp thuộc, nên ngày nay chúng ta mới thấy nội dung bia như vậy?! Cũng nói thêm cùng với thời gian đó, cụ Võ Bá Hạp cũng được đưa vào chôn và xây lăng mộ ở trong khuôn viên nhà cụ Phan.

Đó chỉ là những giả thiết mang tính suy luận, còn thực hư thế nào, vì sao lại có sự khác biệt năm sinh của cụ Tăng so với nội dung khắc trên bia mộ đó còn là một quá trình cần nghiên cứu để làm sáng tỏ.

 Bài, ảnh: Ngọc Kiêm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Mắc kẹt” trong dư luận

Mấy ngày nay, báo chí loan tin vụ ông Phùng Văn Chiến, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thái Bình bị tạm thời đình chỉ do nghi vấn sử dụng bằng đại học giả!

“Mắc kẹt” trong dư luận
KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CỤ BÙI BẰNG ĐOÀN, TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI (19/9/1889-19/9/2019)
Suốt đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước

Mới đây, tại Hà Nội, hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bùi Bằng Đoàn với cách mạng Việt Nam” đã được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tri ân sự đóng góp to lớn của nhà chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Suốt đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
Nghi vấn xác máy bay MH370 rơi tại rừng rậm Campuchia

Trang tin Daily Star (Anh) dẫn lời một chuyên gia công nghệ cho biết ông này dường như đã phát hiện dấu vết máy bay MH370 chở 239 người bị mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines tại một khu rừng rậm ở Campuchia.

Nghi vấn xác máy bay MH370 rơi tại rừng rậm Campuchia

TIN MỚI

Return to top