ClockThứ Ba, 19/04/2016 06:02

Nghề làm nón lá - biểu tượng của con người và du lịch Huế

Từ lâu chiếc nón bài thơ gắn với tà áo dài đã trở thành biểu tượng của con người và du lịch Huế. Để mục sở thị những chiếc nón lá thân thương và tìm hiểu thêm về văn hóa, con người xứ Huế, bạn nên ghé thăm làng nghề làm nón nơi đây.

Nghề làm nón lá ở Huế đã xuất hiện hàng trăm năm nay với nhiều làng nón như Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa... Trong đó Tây Hồ là cái tên nổi bật nhất bởi đây chính là nơi xuất xứ của chiếc nón bài thơ nổi tiếng. Làng nón Tây Hồ tọa lạc bên bờ sông Như Ý, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, cách thành phố Huế chừng 12 km.

Đừng quên mua chiếc nón lá làm quà khi đến Huế.

Một chiếc nón lá đơn sơ, mộc mạc tưởng chừng như rất đơn giản nhưng khi đến làng nghề làm nón bạn sẽ hiểu thêm sự vất vả, kỳ công cũng như khéo léo của những đôi bàn tay chân chất. Người làm phải thực hiện khoảng 15 công đoạn từ lên rừng hái lá, rồi sấy lá, mở, ủi, chọn lá, xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ... để có một chiếc nón bài thơ vừa nhẹ vừa đẹp.

Lá non của cây Bồ Qui Diệp sau khi hái trên rừng đem về phơi sương rồi nức vàng và ủi cho phẳng. Tiếp theo là chuẩn bị khung chóp từ 16 nan tre vót nhỏ để chằm. Đến đây bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những cô thiếu nữ đang tuổi trăng rằm tự học chằm nón.

Điều làm nên thương hiệu nón Huế chính nằm ở khâu chằm. Nón Huế bao giờ cũng được làm từ hai lớp, người thợ phải khéo léo để khi chêm lá không bị chồng lên nhau nhiều lớp, giúp nón mỏng và thanh. Sau đó mới phủ dầu nhiều lần, phơi đủ nắng để nón vừa đẹp vừa bền.

Nghề làm nón quen thuộc với người dân Tây Hồ, Huế hàng trăm năm nay.

Ở Tây Hồ không chỉ phụ nữ biết chằm nón mà ngay cả những người đàn ông cũng có thể giúp chuốt vành, lên khung. Ban đầu, nón bài thơ chủ yếu được làm để tặng người thân, nhưng sau được nhiều du khách yêu thích bởi những thắng cảnh, câu thơ ép giữa 2 lớp lá vô tình đã trở thành món quà lưu niệm không thể thiếu mỗi khi đến Huế.

Chiếc nón bài thơ ra đời ở Tây Hồ như một sự tình cờ: Đó là vào khoảng năm 1959 - 1960, ông Bùi Quang Bặc - một nghệ nhân chằm nón lá, cũng là một người yêu thơ phú trong làng đã có sáng kiến làm nên nón bài thơ bằng cách, ép những câu thơ vào giữa hai lớp lá, tôn vinh thêm vẻ đẹp của chiếc nón (lúc đó, nón lá ở Huế chủ yếu được bán vào thị trường của các tỉnh phía Nam).

Hai câu thơ đầu tiên được ông Bặc ép vào chiếc nón là:

“Ai ra xứ Huế mộng mơ

 Mua về chiếc nón bài thơ làm quà”.

Ngày nay để làm đẹp thêm cho chiếc nón, những người thợ ở làng nghề nón Huế còn ép vào đó cả tranh về sông Hương, núi Ngự cạnh bài thơ.

Khi muốn mua những chiếc nón sông Hương chính hiệu, khách du lịch không tới Tây Hồ mà thường tìm đến chợ Dạ Lệ, xã Thủy Văn, huyện Hương Thủy. Mặc dù ở Huế, chợ nào cũng bán nón Huế, từ các chợ lớn như Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự... đến các chợ nhỏ như Sịa, Phò Trạch, nhưng chợ Dạ Lê lại là cái tên hút khách hơn cả bởi nơi đây bán mặt hàng duy nhất là nón.

Nón bài thơ đã trở thành biểu tượng cho người con gái Huế

Không chỉ bán sản phẩm các vùng, chợ còn bán nón do chính tay những người con Dạ Lê làm ra. So với nón Tây Hồ, nón Dạ Lê không hề thua kém với màu nón trắng tinh, thanh nhã với đường kim, mũi chỉ được trau chuốt công phu.

Ngoài bán nón, chợ Dạ Lê còn bán cả các nguyên liệu cần thiết cho nghề chằm nón như lá nón, kim chỉ, vành, khuôn nón. Chợ không ồn ã, đông đúc mà nề nếp với phong cách bán mua bình dị. Dạo một vòng quanh chợ tìm mua chiếc nón, bạn còn cảm nhận được phong cách sống mộc mạc của người dân.

Theo Báo Du Lịch

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làng nghề làm nón lá ở Thanh Tân

Hình thành từ lâu nhưng sau bao thăng trầm, nghề làm nón (chằm nón)ở làng Thanh Tân (xã Phong Sơn, thị xã Phong Điền) hiện vẫn lưu giữ được nét đẹp truyền thống và tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Làng nghề làm nón lá ở Thanh Tân
Giữ hồn quê qua nón lá

Tôi vẫn thích ngắm nhìn bàn tay tài hoa của họa sĩ sinh năm 1992, Phan Quang Nhật ở phường Thủy Biều (TP. Huế) mỗi khi đến đây trải nghiệm. Anh có "biệt tài" vẽ nhiều bức tranh phong cảnh trên nón lá giống nhau như một.

Giữ hồn quê qua nón lá
Hồi sinh nón lá từ du lịch cộng đồng

Trong các sản phẩm nghề truyền thống, nón lá trở thành đặc sản văn hóa của du khách khi đến Huế. Cần một hướng đi phù hợp trong việc khôi phục và phát huy hơn nữa nghề chằm nón thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng.

Hồi sinh nón lá từ du lịch cộng đồng

TIN MỚI

Return to top