ClockThứ Bảy, 14/09/2013 06:30

Sẽ khắc phục những khiếm khuyết, hoàn thành dự án tốt hơn

TTH - Gần đây, dư luận xôn xao chuyện chặt cây cổ thụ, lấp bến nước phá vỡ cảnh quan ở Phước Tích liên quan đến dự án xây kè bảo vệ làng cổ này.  Phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã về tận làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) để tìm rõ ngọn nguồn.
 
“Xây kè là việc làm cấp thiết”
 
Từ cầu Phước Tích nhìn xuống, một bờ kè lát bêtông đã được xây dựng ven sông Ô Lâu, trái ngược cảnh xanh tươi nhuần nhị của làng cổ. Theo lãnh đạo huyện Phong Điền, công trình thuộc dự án chống xói lở khẩn cấp cho bờ sông Ô Lâu do Ban Đầu tư - Xây dựng huyện Phong Điền làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ 30/4/2013. Công trình dài 1,5 km, kinh phí đầu tư gần 10 tỷ đồng, đến nay vừa hoàn thành.
 
Bờ kè vừa được xây dựng; bến Lò bên cạnh lò gốm đã bị lấp.
 
12 bến nước ở Phước Tích gắn bó lâu đời với đời sống người dân, trở thành một đặc trưng văn hóa quan trọng của làng cổ.
 
Về mục đích của dự án, ông Nguyễn Đại Vui - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, công trình là việc làm cấp thiết nhằm chống sạt lở cho làng cổ. Quá trình thực hiện, do yêu cầu kỹ thuật nên không còn cách nào khác là phải làm bê tông.
 
Về quy trình xây dựng bờ kè, ông Nguyễn Đại Vui cho hay, UBND huyện Phong Điền đã thực hiện theo Luật Di sản. Cụ thể, UBND huyện đã có văn bản đề nghị Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) trình dự án lên Bộ VH-TT&DL thẩm định thiết kế cơ sở chống xói lở bờ sông Ô Lâu đoạn chảy qua di tích làng cổ Phước Tích. Tháng 11/2011, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản yêu cầu phân tích kỹ hơn đặc điểm hiện trạng cảnh quan dọc bờ sông Ô Lâu, đề xuất giải pháp kè phù hợp nhất cho từng đoạn bờ sông chảy qua làng cổ, giảm thiểu tối đa việc làm thay đổi cảnh quan di tích và lấy ý kiến của nhân dân làng Phước Tích cho phương án chống xói lở… “Khu vực xây kè thuộc khu vực 2 của di tích và chúng tôi tuân thủ nguyên tắc bảo tồn di sản. Trên cơ sở văn bản trả lời của Bộ, UBND huyện đã lấy ý kiến của người dân và đã điều chỉnh các mặt cắt để trình UBND tỉnh phê duyệt”, ông Nguyễn Đại Vui khẳng định.
 
Làng Phước Tích là ngôi làng cổ trên 500 tuổi đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng “Di tích quốc gia” năm 2009.
Theo người dân địa phương, mấy năm gần đây, mưa lũ khiến tình trạng xói lở bờ sông Ô Lâu đoạn qua Phước Tích ngày càng nghiêm trọng. Mỗi năm, đất ven sông bị xâm thực khoảng 1-2m. Đặc biệt đoạn ở Miếu Đôi, đình làng Phước Tích, nhiều bụi tre, cây cối đã bị nước cuốn trôi. Một số diện tích vườn tược của người dân cũng bị cuốn trôi, như 1/3 mảnh vườn của bà Lê Thị Tý đã bị nuốt chửng bởi xâm thực. Mỗi năm, đến mùa mưa lũ, người dân làng cổ lại ăn không ngon, ngủ không yên, đội mưa đội gió đóng tre, đắp đá chống xói lở.
 
Bà Lương Thị Chậu (xóm Hội) kể: “Khi nghe có dự án làm kè, làm đường, tui rất vui vì đây là mơ ước từ lâu của dân làng. Ở xóm Hội, cứ đến mùa mưa lũ là sợ. Đường lầy lội, nước chảy xiết không đi được, xóm bị cô lập”.
 
Ông Hoàng Tấn Minh, Trưởng thôn Phước Phú cho hay, công trình làm kè triển khai, người dân Phước Tích rất đồng tình ủng hộ. Nhiều bà con đã hiến đất, hiến vườn cho dự án.
 
Tuy nhiên, một băn khoăn là quá trình thi công kè, một số cây xanh sát bờ sông Ô Lâu gần như bị triệt hạ. Ông Hoàng Tấn Minh bày tỏ: “Khi thi công, do yêu cầu kỹ thuật nên một số lũy tre, cây cối nằm chênh vênh ngay chỗ sạt lở bị chặt. Đồng ý là tiếc cây nhưng nếu không hy sinh thì không thể làm kè. Không làm kè được thì chỉ vài năm nữa, làng cổ sẽ mất”. Ông Minh giải thích thêm, những cây bị chặt không phải là cây cổ thụ, lưu niên mà là cây bông gòn, mít, cừa… được trồng khoảng hơn chục năm, nằm sát bờ kè.
 
Về phương án phục hồi lại cây xanh như thế nào sau khi kè hoàn thành, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đại Vui khẳng định: Khi xây kè, dự án đã chú ý đến yếu tố bảo tồn, cố gắng giữ lại cây nào có thể và đã có phương án chừa đất qua những ô nhỏ của tấm lát bê tông để trồng cỏ. Sau vài năm, cỏ sẽ mọc che phủ bờ kè. Dọc bờ kè, dự án cũng xây những bồn hoa, bồn cây để phục hồi nguyên trạng.
 
Sẽ phục hồi 3 bến nước
 
Điều gây xôn xao dư luận là quá trình thi công bờ kè, công trình đã lấp mất 3 bến nước, đó là bến Lò, bến Miếu Vua và bến Cầu. Theo người dân, qua thời gian, bến Miếu Vua và bến Cầu gần như hoang phế, bị thời gian vùi lấp. Riêng bến Lò gần khu vực lò gốm, từ thời khai thiên lập địa, đã gắn bó với đời sống của người dân, là nơi vận chuyển đất sét, củi đốt, nơi thợ lò xuống lấy nước và là nơi thuyền chở sản phẩm đi bán… Gần đây, bến Lò cùng với lò gốm là điểm du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng và tìm hiểu kỹ thuật làm gốm. Vì thế, khi bến Lò bị lấp, người dân thấy buồn, tiếc. “Từ xưa, làng có 12 bến nước, tượng trưng cho 12 họ khi lập làng. Khi đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia, làng đã đăng ký có 12 bến nước. Nhiều năm, bến bị hư hỏng. Dân làng đã đóng góp sửa được 8 bến. Trong 4 bến còn lại, có 3 bến nằm trong khu vực xây kè. Sửa chữa đầy đủ 12 bến nước là mơ ước của làng nhưng do điều kiện kinh phí khó khăn, chúng tôi chưa làm được. Khi đơn vị thiết kế xây dựng về khảo sát, chúng tôi đã bày tỏ nguyện vọng được dự án xây kè kết hợp sửa chữa 3 bến này”, trưởng thôn Hoàng Tấn Minh cho biết.
 
Về việc này, Thanh tra Sở VH-TT&DL đã có buổi khảo sát và làm việc tại làng cổ Phước Tích. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh Thanh tra cho rằng: Việc xây dựng bờ kè là mục đích tốt để bảo vệ làng cổ, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, được người dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có một số việc Ban quản lý làm chưa tới nơi. Về mặt thủ tục hành chính, quyết định thành lập Ban Quản lý Kè Phước Tích thuộc dự án kè chống xói lở khẩn cấp bờ sông Ô Lâu của Ban Đầu tư - xây dựng huyện Phong Điền chỉ căn cứ vào cơ sở pháp lý của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu… mà không có văn bản pháp luật rất quan trọng là Luật Di sản văn hóa. Thành viên của ban này cũng không có ai là cán bộ văn hóa của huyện hay Ban Quản lý di tích Phước Tích – những thành viên quan trọng để giữ gìn di tích. Sơ hở này dẫn tới việc quản lý, chăm sóc di sản không được quan tâm mà chỉ quan tâm đến vấn đề xây dựng. Theo ông Thắng, đây chính là một trong những nguyên nhân để xảy ra việc đáng tiếc là lấp 3 bến nước của làng trong khi làm kè.
 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đại Vui bày tỏ: “Ban Quản lý đã họp hỏi ý kiến người dân thì không ai có ý kiến gì. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ khảo sát và có phương án bổ sung lại bến nước”.
Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm nguồn lực mới

Được UNESCO ghi danh, các di sản văn hóa trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho các địa phương có di sản, nâng cao đời sống cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Thêm nguồn lực mới
Phó Tổng Giám đốc UNESCO: Việt Nam là hình mẫu hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và các nước thành viên

Trước thềm chuyến thăm chính thức và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại trụ sở của tổ chức này ở thủ đô Paris ngày 7/10, phóng viên TTXVN tại Paris đã phỏng vấn Phó Tổng Giám đốc UNESCO, ông Khúc Tinh, về quan hệ giữa Việt Nam và tổ chức này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Phó Tổng Giám đốc UNESCO Việt Nam là hình mẫu hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và các nước thành viên
Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024

Đến với Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, Viện Nghiên cứu Vụ kịch Chiết Giang Trung Quốc (Zhejiang Wu Opera Research Centre) sẽ dàn dựng và biểu diễn một số tiết mục nổi bật giới thiệu sự quyến rũ và tinh hoa của nghệ thuật Vụ kịch Chiết Giang và Hí Kịch truyền thống Trung Quốc.

Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024
“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

TIN MỚI

Return to top