Phong phú thêm nguồn tư liệu
Mới đây nhất là đợt tiếp nhận được Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức trang trọng đúng dịp kỷ niệm 67 năm Quốc khánh 2/9 với qui mô lên đến 216 tư liệu, hiện vật do người dân và một số nhà sưu tập tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh hiến tặng.
|
Lãnh đạo UBND tỉnh tiếp nhận bức tượng bác Hồ bằng đồng do ông Phan Mịch (thứ hai, bìa trái) hiến tặng
|
Phần lớn các hiện vật hiến tặng lần này đều có giá trị và ý nghĩa giáo dục sâu sắc như bức tượng Bác Hồ của gia đình ông Phan Mịch được Ủy ban Hành chính huyện Phú Lộc từ năm 1947; bức chân dung Bác Hồ bằng vải lụa và một số hiện vật tem, tiền giấy Việt Nam có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh… Đặc biệt, trong số hàng trăm hiện vật sưu tầm lần này có tập tài liệu Huấn thị được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng trong đợt chỉnh huấn Đảng 1953 – 1954 tại Quân khu Trị Thiên. Bên cạnh đó là chiếc nồi đồng dùng để nấu rau câu in tài liệu, truyền đơn trong kháng chiến chống Pháp được người dân Khu III Phú Lộc cất giữ kỹ lưỡng.
Liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, đợt tiếp nhận hiện vật lần này xuất hiện một số hiện vật minh chứng cho giai đoạn Người và gia đình sống, học tập, lao động tại Huế những năm đầu thế kỷ XX như cơi trầu, ống quyển, bình vôi… do nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng trao tặng. Nroài ra còn có một phần chiếc cối đá được chị gái Bác, bà Nguyễn Thị Thanh sử dụng trong thời gian ở Nam Dương (Quảng Điền) cách đây gần một thế kỷ, góp phần bổ sung, phong phú thêm nguồn hiện vật về người thân của Bác ở Huế hiện còn khá khiêm tốn.
|
Hiện vật cơi trầu, ống quyển gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sử dụng thời gian sinh sống ở Huế do nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng hiến tặng.
|
Giáo dục tinh thần yêu nước
Về tầm quan trọng của hiện vật đối với hoạt động bảo tàng, ông Phan Đình Luyện, Phó Giám đốc Phụ trách Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: “Đối với mỗi bảo tàng, tư liệu, hiện vật nếu càng nhiều, càng quý hiếm, càng hấp dẫn thì sự trường tồn, bền vững trong đời sống xã hội càng cao”.
Quá trình ra đời và phát triển, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế luôn quan tâm đặc biệt đến nhiệm vụ sưu tầm tài liệu hiện vật, đến nay đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các bậc lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, các nhà nghiên cứu.... trao tặng nhiều tư liệu, hiện vật quý giá.
Tiêu biểu như chiếc đồng hồ là kỷ vật Bác tặng cho anh hùng A Nun; chiếc áo lụa, quà của Bác dành cho ông Lê Đình Cúc; 5 tờ giấy bạc có hình Bác Hồ được bà Lê Thị Tề cất làm kỷ niệm từ những năm kháng chiến gian khổ; chiếc đài là quà Bác tặng anh hùng Lực lượng vũ trang Kăn Lịch... Đặc biệt, một số công dân nước ngoài như ông Robert Enkin, đã đến Huế, trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bức phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh do chính ông tự đúc năm 1967 để phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam. Bà Dominique de Miscault (quốc tịch Pháp) tặng nhiều tư liệu, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh thời gian Người sống ở Pháp…
Cùng với các cá nhân, nhiều đơn vị tổ chức cũng trao tặng nhiều tư liệu hiện vật cho Bảo tàng như Liên đoàn Lao động tỉnh, Cục Lưu trữ tỉnh Thừa Thiên Huế, Phòng Lưu trữ Tỉnh ủy, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa miền Trung...
Mỗi hiện vật là một câu chuyện xúc động, là tình cảm đặc biệt sâu nặng của nhân dân trong nước và quốc tế dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là một phần vốn liếng vô giá với hàng ngàn hiện vật đang được Bảo tàng Hồ Chí Minh nâng niu, nghiên cứu, bảo quản và phát huy tác dụng, phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu rộng rãi, góp phần tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các thế hệ.
Nhật Nguyên