ClockThứ Tư, 06/03/2013 22:30

Huế còn nhiều tiềm năng di sản văn hóa thế giới

TTH - Với 2 di sản được unesco công nhận gồm quần thể di tích Cố đô Huế (di sản vật thể) và Nhã nhạc cung đình (di sản phi vật thể), Huế được xem là vùng đất giàu di sản thế giới. Tuy nhiên, nếu vào cuộc với động thái tích cực, mạnh mẽ hơn, chắc chắn Huế có thể có nhiều hơn con số 2 di sản văn hóa thế giới như bây giờ.

Từ sông Hương đến ẩm thực

Đầu tiên phải kể đến sông Hương, một trong những thực thể được UNESCO khuyến nghị một cách đích danh đối với địa phương về việc lập hồ sơ bổ sung vào quần thể di tích cố đô và công nhận đây là một phần quan trọng cấu thành đô thị cảnh quan mang tầm nhân loại. Sông Hương chính là nhân tố chủ đạo không thể thiếu để thiết kế, kiến tạo bài thơ đô thị Huế. Sông Hương ảnh hưởng đến cả chiều sâu văn hóa, cả tính cách, lối sống, văn hóa ứng xử, âm nhạc của người dân đô thị nơi đây. Vậy nên, di sản sông Hương rất độc đáo, không chỉ là di sản thiên nhiên, mà còn là di sản đô thị. 

Festival Huế với nhiều hoạt động góp phần quảng bá cho di sản. Ảnh: Minh Phương

Di sản tiếp theo của Huế có thể trở thành di sản thế giới là ẩm thực Huế. Ở đây không chỉ là số lượng món ăn đồ sộ (gần 3.000 món) mà còn là sự phong phú về loại hình (ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình, ẩm thực chay) và sự công phu của quá trình chế biến đã được nâng lên tầm nghệ thuật. Nhà nghiên cứu Bửu Ý cho biết, ông đã từng tiếp xúc với nhiều bạn bè đến từ nhiều nơi trên thế giới và đi đến nhận định: trên thế giới nếu có 2 nền ẩm thực xứng đáng được vinh danh, đó là ẩm thực Pháp và ẩm thực Việt Nam, mà nói đến ẩm thực Việt Nam thì không đâu có sự hoàn chỉnh, phong phú và đa sắc thái như ở Huế. Ẩm thực Huế có một nét đặc sắc là nhiều nền ẩm thực khác trên thế giới dẫu cũng phong phú, cách chế biến công phu như Trung Quốc cũng không có, đó là ẩm thực tìm về với thiên nhiên, không sử dụng nhiều dầu mỡ và chính sự đa dạng trong nguyên liệu tự nhiên đã thể hiện rất sâu sắc một triết lý trong ăn uống, và trên thực tế cũng góp phần kéo giãn sự lão hóa, ngăn ngừa bệnh tật.

Một di sản nữa không thể không kể đến đó là Ca Huế, đây là một loại hình âm nhạc rất đặc sắc, vừa mang tính bác học vừa thể hiện rõ tính chất dân gian. Bằng chứng là ca Huế không chỉ được sử dụng trong không gian diễn xướng thính phòng dân gian mà còn cả trong cung đình. Loại hình ca nhạc này cũng là kết quả của quá trình giao thoa giữa các nền văn hóa Bắc - Trung - Nam, các làn điệu của ca Huế không những phong phú về số lượng (có rất nhiều làn điệu, hàng trăm điệu lý). Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan nhận định: “Ca Huế thậm chí còn là một loại hình âm nhạc phát triển và hoàn chỉnh hơn cả ca Trù (di sản văn hóa phi vật thể nhân loại), bởi ca Huế là một loại hình âm nhạc thính phòng chuyên nghiệp và được nâng lên tầm nghệ thuật ở bậc cao nhất”.

Di sản nữa cũng có triển vọng trở thành di sản văn hóa của thế giới đó là các áng văn chương khắc trên các cung điện, đền đài ở Huế. Các tác phẩm này là có một không hai, và cũng rất đồ sộ với số liệu thống kê lên đến hàng nghìn tác phẩm. Thật ra trước đó Huế đã có một di sản tư liệu của thế giới, mặc dù di sản này hiện không được lưu giữ ở Huế đó là các bản khắc gỗ của Triều Nguyễn. Nay nếu việc lập hồ sơ hoàn thành và đệ trình UNESCO công nhận thì các bản khắc thơ văn trên cung điện Huế cũng hoàn toàn có thể được công nhận di sản ký ức của thế giới.

Thời cơ và lợi ích

Việc các di sản vừa kể trên có trở thành di sản thế giới hay không phụ thuộc vào sự nỗ lực thật sự, từ động thái trong việc lập hồ sơ cũng như thái độ đúng mực, trân trọng những giá trị văn hóa này. Đối với sông Hương, UNESCO đã từng khuyến nghị và vì nhiều lý do chúng ta vẫn chưa thực hiện, nhưng có lẽ đã đến lúc phải nắm bắt thời cơ để việc lập hồ sơ bổ sung sông Hương trở thành di sản thiên nhiên của nhân loại được khởi động. Đây cũng là cơ hội để chúng ta bảo tồn giá trị của sông Hương trước áp lực của sự phát triển.

Với Di sản ẩm thực, ý tưởng lập hồ sơ cho ẩm thực Huế đã bắt đầu nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành. Từ ý tưởng ban đầu của Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, Viện nghiên cứu ẩm thực nêu ra tại Hội thảo diễn ra tại Festival nghề truyền thống Huế 2011, ngay sau đó, vấn đề này lại được đề cập một cách nghiêm túc tại Hội thảo về Du lịch Huế trong khuôn khổ Festival Huế 2012. Động thái mới nhất, theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Du lịch Thừa Thiên Huế, đó là Đề án thống kê, hệ thống hóa tư liệu các thư tịch cổ, các công trình khảo cứu, nghiên cứu về ẩm thực Huế đang được Sở Văn chủ trì thực hiện.

Riêng hệ thống thơ văn khắc trên cung điện Huế, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết đã xúc tiến công việc này từ vài năm nay và đến nay các bước như thống kê, hệ thống hóa tư liệu, lập hồ sơ đã cơ bản hoàn tất trước khi đệ trình UNESCO xem xét vào năm 2015. Với ca Huế, lợi thế là chúng ta có một số lượng bài bản đồ sộ, các nhà nghiên cứu ca Huế hiện nay cũng khá nhiều, và bằng sự tâm huyết và ngưỡng mộ của mình đối với loại hình nghệ thuật này đã bước đầu sưu tầm, hệ thống rất nhiều các bài bản về ca Huế cổ.

Ông Phan Thanh Hải, cho rằng, các di sản vừa kể trên đều hoàn toàn xứng đáng trở thành di sản văn hóa thế giới và làm giàu thêm bộ sưu tập di sản văn hóa thế giới của Huế. Việc một di sản được thế giới công nhận sẽ có tác động tích cực đến công tác bảo tồn cũng như quảng bá và phát huy giá trị di sản. Đó cũng là lợi thế to lớn để du lịch Huế phát triển.

Quang Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm nguồn lực mới

Được UNESCO ghi danh, các di sản văn hóa trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho các địa phương có di sản, nâng cao đời sống cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Thêm nguồn lực mới
Phó Tổng Giám đốc UNESCO: Việt Nam là hình mẫu hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và các nước thành viên

Trước thềm chuyến thăm chính thức và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại trụ sở của tổ chức này ở thủ đô Paris ngày 7/10, phóng viên TTXVN tại Paris đã phỏng vấn Phó Tổng Giám đốc UNESCO, ông Khúc Tinh, về quan hệ giữa Việt Nam và tổ chức này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Phó Tổng Giám đốc UNESCO Việt Nam là hình mẫu hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và các nước thành viên
Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024

Đến với Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, Viện Nghiên cứu Vụ kịch Chiết Giang Trung Quốc (Zhejiang Wu Opera Research Centre) sẽ dàn dựng và biểu diễn một số tiết mục nổi bật giới thiệu sự quyến rũ và tinh hoa của nghệ thuật Vụ kịch Chiết Giang và Hí Kịch truyền thống Trung Quốc.

Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024
“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

TIN MỚI

Return to top