Khi vương Nguyễn Phúc Ánh trở lại cựu đô, rồi lên ngôi hoàng đế, vẫn bảo lưu hoạt động của văn miếu Long Hồ, như một “trường đại học” ở kinh đô Phú Xuân, từ 1801 đến 1808. Văn miếu Long Hồ chấm dứt hoạt động giáo dục khi công trình này trở thành đền Khải Thánh [1808].
|
Nghi môn văn miếu Long Hồ
|
Khi khảo sát điền dã ở các làng phụ cận văn miếu Long Hồ, tiếp cận truyền ức của một số bô lão, biết có một vị Hộ Bộ kiêm Binh Bộ họ Lê có công lớn trong buổi đầu xây dựng công trình này. Có bô lão thì cho vị Hộ Bộ kiêm Binh Bộ ấy là Lê Văn, Thượng thư thời Lê Thánh Tông, có người lại cho vị Hộ Bộ kiêm Binh Bộ ấy là Lê Quí Đôn…
|
Ấn sáu Bộ thời Lê
|
Trước hết có thể khẳng định thời Lê Thánh Tông không có một quan Thượng thư nào vừa phụ trách Bộ Hộ vừa phụ trách Bộ Binh. Rà soát Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không tìm thấy một nhân vật nào là “Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Thượng thư”. Trong sách Ấn Chương Việt Nam của tác giả Nguyễn Công Việt không có khuôn dấu “Hộ Bộ kiêm Binh Bộ” thuộc thế kỷ 15. Vậy chức “Hộ Bộ kiêm Binh Bộ” chỉ có ở Đàng Trong, tức Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ xưa, từ khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương năm 1744, thành lập Lục Bộ. Vì công việc các Bộ không nhiều nên nhà Chúa đặt ra chức “Hộ Bộ kiêm Binh Bộ”, và vị nào giữ chức này thì có khuôn dấu “Hộ Bộ kiêm Binh Bộ”. Đọc Đại Nam thực lục tiền biên, bắt gặp những vị sau đây: …Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại (năm 1744; Quang Đại chết năm 1745), Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Nguyễn Thừa Tự (năm 1749; chết năm 1750), Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Trần Đình Hy (1750, chết năm 1761). Các nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu, Huỳnh Đình Kết từng công bố hình chụp dấu “Hộ Bộ kiêm Binh Bộ” trên tờ kiểu năm Cảnh Hưng thứ 13 [1752] (nguồn: Hòm bộ làng An Lỗ). Một vài tư liệu về Hộ Bộ kiêm Binh Bộ nêu trên đủ bằng chứng khẳng định, vị họ Lê có công xây dựng văn miếu Long Hồ không phải là Lê Văn, Thượng thư thời Lê Thánh Tông, không phải Lê Quí Đôn, không phải Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại (ông này mất trước khi văn miếu Long Hồ xây dựng năm 1770).
Rà soát Đại Nam thực lục tiền biên, không thấy chép vị Hộ Bộ kiêm Binh Bộ nào họ Lê thời Chúa Duệ Tôn Nguyễn Phúc Thuần, chỉ biết thêm một vị Hộ Bộ kiêm Binh Bộ thời Nguyễn Phúc Ánh còn là Nguyễn Vương, đó là Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Phạm Ngọc Uẫn. May mắn thay, trong Đại Nam chính biên liệt truyện đã cung cấp tư liệu để trả lời câu hỏi trên. ĐNCBLT, tập I, trang 178 chép: “Con thứ hai của [Lê] Xuân Chính là Xuân Huyên cũng do chân ấm tử được vào viện Văn chức. Thế tông hoàng đế năm 11 (1748), thăng ký lục doanh Bố Chính. Năm thứ 15 (1752) mùa hạ, thăng ký lục Quảng Nam. Năm thứ 18 (1755) thăng Hình bộ. Năm thứ 20 (1757) lại làm cai bạ doanh Quảng Nam. Năm thứ 24 (1761), thăng Hộ Bộ kiêm Binh Bộ, lĩnh Đại tư nông. Năm Ất Dậu (1765), mùa hạ, Duệ Tông hoàng đế mới lên ngôi, được thăng tham chính, quản Hộ bộ kiêm Binh bộ. Canh Dần (1770), năm thứ 5 dựng văn miếu ở Long Hồ, Xuân Huyên vâng mệnh xem đất và trông coi việc lập văn miếu. Quý Tỵ năm thứ 8 (1773), mùa xuân Huyên chết, được phong Đại lý tự thượng khanh, thụy là Trung Thành. Sau đó, vì có công chọn đất lập văn miếu, được thờ ở Dụy Lễ đường bên cạnh văn miếu. Năm đầu Gia Long (1802), vẫn còn nguyên thế. Năm thứ 7 (1808), đổi lập văn miếu ở chỗ ngày nay, Xuân Huyên mới không được thờ ở Dụy Lễ đường nữa.”.
Kinh đô Phú Xuân từng đổi chủ ba lần, nơi các tập đoàn phong kiến không “đội trời chung” từng phủ định nhau, triệt hạ những “thành quả văn hóa” của mỗi bên rất gay gắt. Thế nhưng bên nào cũng vì “tôn sư trọng đạo” nên không loại bỏ Văn miếu Long Hồ. Từ năm 1773, khi Lê Xuân Huyên qua đời, do có công xây dựng Văn miếu Long Hồ, Duệ Tôn Nguyễn Phúc Thuần cho thờ Lê Xuân Huyên ở Dụy Lễ đường, cạnh văn miếu Long Hồ. Quan quân Lê-Trịnh vẫn tế lễ ông, rồi triều Tây Sơn vẫn giữ lệ ấy. Đây là một điểm nhấn văn hóa, một hành xử đẹp của cha ông ngày xưa đối với người có công với giáo dục, không vì người ấy từng là bề tôi tận tụy phục vụ triều đình kẻ thù. Cho hay những thầy giáo đạo cao đức trọng như Lê Xuân Huyên thì chế độ nào cũng phụng thờ, và trường học nổi tiếng đào tạo nhiều nhân tài thì chế độ nào cũng bảo lưu vậy.