Từng được phát hiện vào năm 1837
Đây là khu vực suối nước nóng từng phát hiện vào thời Nguyễn. Năm 1837, Nguyễn Phúc Miên Nghi trong một lần đến săn bắn ở nguồn Tả Trạch đã phát hiện ra vũng nước nóng này và về báo với vua Minh Mạng. Nhà vua đã cử lang trung Bộ Công là Vũ Trọng Đại đi điều tra tình hình và vẽ bản đồ xác định vị trí. Sau đó vua Minh Mạng lại thân hành đến tận nơi xem xét và làm bài văn “Thang Hoằng Ký” rồi cho khắc vào bia đá, dựng tại nơi này. Trong chuyến đi này, hoàng trưởng tử Trường Khánh Công Nguyễn Phúc Miên Tông (sau này là vua Thiệu Trị) cũng đi cùng.
|
Tấm bia khắc tên địa danh “Lãnh Giản” (năm 1837)
|
Vào năm 1844, khi có dịp trở lại nơi này và viết bài thơ “Tây lĩnh thang hoằng” chính vua Thiệu Trị cũng nhấn mạnh sự kiện “ngày trước từng theo vua cha lên đây”:
Cố phục bồi du ức tích niên, / Thừa nhan bác lãm chí kim truyền. / Nhất hoằng ủng súc chưng dương hoả, / Vạn trượng phi xung thược thuỷ yên. / Bất hạ Phùng Di thường dũng phất, / Mạn giao Hồi Lộc dịu ngao tiên. / Kham dư chung dục thuỳ linh tích, / Dược thạch hư đàm khủng vị nhiên.
Dịch thơ:
Theo phụ hoàng xưa, tuổi tráng niên, / Mà nay cảnh cũ vẫn lưu truyền. / Một dòng suối nhỏ đà đun nóng, / Vạn trượng hơi mờ lại bốc lên. / Phùng Di khiến nước sôi muôn chốn, / Hồi Lộc mang hơi toả khắp miền. / Tạo hoá linh thiêng ban dấu tích, / Nước này kỳ diệu thuốc thiên nhiên.
Bài thơ “Tây lĩnh thang hoằng” cũng được khắc vào bia đá và dựng tại nơi này.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, vũng nước nóng này nằm ở phía tây ấp Dương Hoà bên nguồn Tả Trạch, thuộc địa phận huyện Hương Trà (nay là thị xã Hương Thuỷ), cách ngã ba Bằng Lãng khoảng hơn 20 km. Vũng nước nóng này cách bờ Tả Trạch khoảng 65m, chu vi khoảng 4m, nước đen và trong, sâu chừng khoảng 30cm. Nguồn nước từ trong lòng đất phun ra, sôi sùng sục, khói trắng bốc lên, nóng đến mức không thể tới gần được. Cũng tại nơi này, năm Minh Mạng thứ 18, triều đình cũng cho dựng 2 tấm bia ghi tên suối.
Thắng cảnh thứ 20 của đất thần Kinh
Thời Thiệu Trị, nhà vua từng xếp hạng 20 thắng cảnh xứ Huế qua chùm thơ có tên gọi là Thần Kinh nhị thập cảnh. Chùm thơ gồm các bài thơ ca ngợi 20 thắng cảnh của đất Thần Kinh (Huế) gồm 7 thắng cảnh tự nhiên và 13 thắng cảnh nhân tạo hoặc là sự kết hợp giữa nhân tạo với tự nhiên. Cảnh suối nước nóng “Tây lĩnh thang hoằng” chính là thắng cảnh thứ 20.
|
Tấm bia lớn được tìm thấy, chữ khắc trong lòng bia bị nước mưa và thời gian bào nhẵn
|
Trong 20 thắng cảnh Huế xưa do vua Thiệu Trị đề vịnh được bộ Công vẽ tranh minh hoạ, có 8 thắng cảnh trong cung và vườn ngự đều được khắc thơ lên bảng đồng; 12 thắng cảnh khác đều khắc thơ lên bia đá trong đó có “Tây lĩnh thang hoằng” và được dựng tại đây.
Hiện tại chỉ có 20 bức tranh của bộ Công (in trong sách Ngự đề danh thắng đồ hội thi tập) là còn tương đối nguyên vẹn. Các bảng đồng đã hoàn toàn không tìm thấy, các bia đá thì tìm thấy 7/12 bia (là các bia Vân Sơn Thắng Tích, Bình Lãnh Đăng Cao, Hương Giang Hiểu Phiếm, Thiên Mụ Chung Thanh, Trạch Nguyên Tao Lộc, Huỳnh Tự Thư Thanh, Đông Lâm Dực Điểu). Và mới đây, việc tìm thấy 2 tấm bia đá ở Tả Trạch đã chỉ ra một “cơ hội” để có thể tìm thấy bia “Tây lĩnh thang hoằng”.
Bằng chứng qua 2 tấm bia
Ngày 09/11/2012, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã tổ chức khảo sát tại suối nước nóng thuộc xã Dương Hoà, thị xã Hương Thuỷ để xác minh cụ thể về thông tin các tấm bia đá thời Nguyễn được Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thuỷ phát hiện tại lòng hồ Tả Trạch.
Hiện nay, suối nước nóng đã “thay đổi hình dạng”, không có vẻ là một vũng với chu vi khoảng 4m (như mô tả của sách Đại Nam nhất thống chí) mà nó đã thực sự tạo thành một con suối quanh co, rộng không đều từ 2-4m, dài trên 200m. Nước trong vắt, nóng khoảng 80-100oC, lòng suối đen, khói trắng bốc nghi ngút kín cả mặt nước. Cạnh đó chừng 60m là nguồn Tả Trạch rầm rào thật sự đã tạo nên một bức tranh kỳ vĩ, thơ mộng của thiên nhiên.
Hiện nay, tại khu vực suối nước nóng (có tọa độ ở Kinh độ: 160 14” 452’” ; ở Vĩ độ: 1070 38” 782’”) cách trung tâm thị xã Hương Thủy chừng 15km theo đường chim bay, đã xuất lộ 2 tấm bia trên một triền đồi cao cách khu suối nước nóng khoảng 10m. Một tấm còn nguyên vẹn kiểu dáng, cao 1m60 (không kể phần bệ bia) rộng 86cm, dày 20cm; trán bia chạm hình lưỡng long triều nhật và thân bia chạm hoa lá cách điệu, bệ chạm hoa văn kỷ hà theo phong cách cung đình; bề mặt bia bị nước và thời gian bào mòn đến mức không còn thấy được dấu vết của chữ khắc. Một tấm khác bị gãy phần dưới thân, cao 67cm, rộng 43cm, dày 9cm mặt trước khắc 2 chữ Lãnh Giản mặt sau khắc Minh Mạng thập bát niên, tam nguyệt cát nhật (Ngày tốt, tháng ba, năm Minh Mạng thứ 18).
Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết, vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837), triều đình có cho khắc dựng 3 bia suối nước nóng tại đây, trong đó có 01 bia lớn khắc bài ký về suối nước nóng của vua Minh Mạng, 2 bia nhỏ khắc tên suối là Thanh Giản (nghĩa là Khe Trong) và Lãnh Giản (nghĩa là Khe Lạnh).
Do vậy, có khả năng tấm bia lớn bị bào mòn bề mặt được phát hiện tại khu vực này là tấm bia khắc bài Thang hoằng ký của vua Minh Mạng.
Đối chiếu này đã nói lên thực tế rằng, hiện vẫn còn 2 tấm bia thời Nguyễn chưa được tìm thấy ở khu vực này. Đó là tấm bia thơ Tây Lĩnh Thang hoằng thời Thiệu Trị và tấm bia địa danh Thanh Giản thời Minh Mạng.
Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đang khẩn trương lập phương án để di chuyển 2 tấm bia trên về bảo quản tại bảo tàng, đồng thời xác định sẽ nỗ lực tìm kiếm và di chuyển 2 tấm bia còn lại, bởi lẽ trong tháng 11 này, khi hoạt động trữ nước tại hồ Tả Trạch triển khai thì vị trí các tấm bia sẽ ngập trong độ sâu từ 50 đến 60m.
*
Sự xuất hiện của các tấm bia đã khẳng định khu vực suối nước nóng này đúng là thắng cảnh thứ 20 của đất Thần Kinh một thuở. Và cũng thật là đáng tiếc, hậu thế khi phát hiện được địa điểm chính xác của thắng cảnh thứ 20 của Huế xưa cũng chính là lúc mà thắng cảnh này sẽ trở thành ký ức khi hồ Tả Trạch tích nước.
Hải Trung