ClockThứ Năm, 10/06/2010 15:36

Kinh thành Huế

TTH - Trong “đại bố cục” của kiến trúc Kinh đô Huế một thời, tổng thể mặt bằng của nó đã được một đoạn của sông Hương chia ra làm hai khu vực lớn: khu vực ở bờ bắc, đại thể là nơi xây dựng thành quách và cung điện, tức là địa bàn dùng để ăn ở và làm việc; còn khu vực ở xa xa bờ nam (vùng gò đồi và rừng núi), chủ yếu là nơi xây dựng lăng tẩm, đàn miếu và đền chùa, nghĩa là những công trình mang tính tâm linh, dùng để phục vụ cho cuộc sống vĩnh hằng ở thế giới bên kia.
Riêng về thành quách, ở đây có một hệ thống gồm 3 vòng thành, ngoài lớn trong nhỏ dần, là Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành. Theo nghĩa đen, “quách” là lớp thành bao bọc bên ngoài, còn “thành” là lớp thành nằm bên trong nó. Các lớp thành ấy được gọi chung là “thành quách”. Tất nhiên, chức năng của thành quách là phòng thủ và bảo vệ.
 
Ngoài ra, để “phòng xa”, triều đình nhà Nguyễn còn cho xây dựng những thành lũy mang tính tiền đồn: ở sát nách Kinh thành là Trấn Bình Đài (thường gọi là đồn Mang Cá), ở xa xa là Trấn Hải thành tại cửa biển Thuận An, và xa hơn nữa là Hải Vân quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân.
 
Kinh thành
 
Chức năng chính của tòa thành lũy đồ sộ và kiên cố này là dùng để phòng vệ cho tất cả các công tình kiến trúc cung đình và các sinh hoạt của triều đình cũng như gia đình nhà vua ở bên trong phạm vi của nó. Phần lớn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện và quan thự tại đây đều đã được qui hoạch và xây dựng trong 3 thập niên đầu của thế kỷ XIX. Kinh thành Huế là chủ thể trong qui hoạch tổng thể kiến trúc Kinh đô triều Nguyễn.
 
Việc qui hoach Kinh thành diễn ra trong 2 năm 1803-1804, chủ yếu là do chính vua Gia Long và đại thần Nguyễn Văn Yến đi khảo sát thực địa, hoạch định mô thức kiến trúc và mặt bằng xây dựng.
 

Kinh thành Huế - ảnh chụp từ máy bay
 
So với Đô thành Phú Xuân vào cuối thời các chúa Nguyễn và được tiếp tục sử dụng dưới thời Tây Sơn (1786-1801), mặt bằng của Kinh thành được mở rộng hơn rất nhiều. Khi qui hoạch mặt bằng trên bản thiết kế, địa bàn của Kinh thành nằm chồng lên hai đoạn khá dài của 2 chi lưu bên tả ngạn sông Hương. Đó là sông Kim Long và sông Bạch Yến. Mặt bằng của Kinh thành cũng nằm trên địa phận của 8 làng vốn được thành lập trước đó mấy thế kỷ. Đó là các làng Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Thái, An Vân, An Hoà, An Mỹ, An Bảo và Thế Lại. Đất qui hoạch được đền bù thoả đáng để dân các làng đi định cư nơi khác.
 
Công cuộc xây dựng Kinh thành được bắt đầu từ mùa hè năm 1805 và hoàn thành cơ bản vào năm 1832. Trong thời gian 27 năm đó, có năm làm, có năm nghỉ, có năm tu bổ vì bị lũ lụt phá hỏng một số đoạn thành. Trong các đợt thi công, phần lớn diễn ra vào mùa nắng, triều đình đã huy động hàng vạn lính và dân từ các tỉnh thành trong cả nước về Huế tham gia lao động, mà đa số là từ các tỉnh miền Trung.
 
Trong các đợt công tác đầu tiên, họ đã ngăn chặn và lấp đầy một số đoạn của hai chi lưu nói trên và đào hệ thống hào để dùng đất từ đó mà đắp lên vòng thành sơ khởi bằng đất; đồng thời, lợi dụng một số khúc sông còn lại để tạo ra các ao hồ và 2 con sông vừa tự nhiên vừa nhân tạo: Ngự hà ở trong thành và Hộ Thành hà ở ngoài thành.
 
Vòng thành bằng đất vừa nói đã được xây bó bằng gạch vào những năm từ cuối thời Gia Long cho đến giữa thời Minh Mạng (1832). Sau đó, nó còn được tu bổ vào các thời điểm 1836, 1839, 1842, 1844, 1846, 1848...
 
Chung quanh Kinh thành có 10 cửa được xây dựng vào năm 1809. Nhưng, những vọng lâu hai tầng bên trên các cửa thành thì đến những năm 1824, 1829 và 1831 mới được thực hiện. Ngoài 10 cửa chính, Kinh thành còn có một cửa phụ, không xây vọng lâu bên trên, dùng để thông thương với Trấn Bình đài; và 2 thuỷ quan ở 2 đầu của Ngự hà để cho dòng nước của sông này lưu thông với hệ thống hào, Hộ Thành hà và sông Hương.
 
Các cửa thành đã được triều đình đặt tên riêng tuỳ theo phương hướng từ trung tâm Thành Nội nhìn ra, ví dụ: Chánh Đông môn, Đông Nam môn, Chánh Nam môn, Tây Nam môn, Chánh Bắc môn, Đông Bắc môn... Nhưng, dân chúng địa phương thì lại dùng những địa danh khác, giản dị và nôm na hơn, để gọi tên cho dễ nhớ: cửa Đông Ba, cửa Thượng Tứ, cửa Nhà Đồ, cửa Hữu, cửa Hậu, cửa Kẻ Trài...
 
Chu vi Kinh thành đã được phân bố thành 24 pháo đài với sự trang bị vũ khí đạn dược hùng hậu. Các pháo đài cũng đều có tên riêng.
 
Bên ngoài vòng thành được xây dựng rất chắc chắn ấy, còn có 2 tuyến đường thuỷ là hào, Hộ Thành hà; và một tuyến chiến luỹ được thiết lập ở dải đất nằm giữa 2 tuyến đường thuỷ ấy. Cả 3 tuyến này đều chạy dọc theo 4 mặt của Kinh thành để hỗ trợ cho nó. Có nhiều chiếc cầu bắc qua 2 tuyến đường thuỷ, nhất là trước mặt các cửa thành, để giữ chức năng giao thông về đường bộ trên địa bàn Kinh thành, và giữa địa bàn này với vùng phụ cận; chẳng hạn như cầu Thanh Long, cầu Bạch Hổ, cầu Gia Hội, cầu Đông Ba...
 
Kinh thành có dạng mặt bằng gần như là một hình vuông, chỉ riêng mặt trước hơi khum ra như hình cánh cung, vì mặt thành này phải chạy theo chiều uốn nhẹ của đoạn sông Hương chảy qua trước mặt nó.
 
Chu vi của vòng thành xây bó bằng gạch là 10.571 m. Bề dày trung bình của thân thành là 21,50 m, bao gồm bề dày của phần mô thành đắp bằng đất ở giữa là 18,50 m và lớp gạch xây bó ở mặt ngoài là 2 m và lớp gạch xây bó ở mặt trong là 1 m. Trên thành (thường được gọi là trên thượng thành) không phải là một mặt phẳng, mà được đắp giật cấp, tạo thành 3 dải đất thấp dần kể từ ngoài vào phía Thành Nội. Mặt thành ngoài cao 6,60 m, mặt thành trong chỉ cao 2,10 m. diện tích của địa bàn Thành Nội là 520 ha (tức là 5,20 km2).
 

Toàn cảnh Kinh thành Huế
 
Từ qui hoạch đến xây dựng, các tác giả của Kinh thành Huế đã vận dụng hai dòng nghệ thuật kiến trúc Đông phương và Tây phương vào hoàn cảnh lịch sử và địa lý cụ thể tại chỗ một cách nhuần nhuyễn, khéo léo và thích hợp.

Họ đã tuân thủ các nguyên tắc kiến trúc lâu đời của dân tộc phát xuất từ Dịch lý và thuật Phong thuỷ khi lựa chọn địa cuộc và lợi dụng các thực thể địa lý tự nhiên có sẵn để tạo ra các yếu tố tiền án (núi Ngự Bình), minh đường (sông Hương), tả thanh long (cồn Hến), hữu bạch hổ (cồn Dã Viên),v.v... Riêng về hướng của Kinh thành, họ đã vận dụng một qui định trong sách Chu Dịch: "Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trị" (Vua quay mặt về phía nam để cai trị thiên hạ, hướng về lẽ sáng để làm việc nước).
 
Về ảnh hưởng của Tây phương, Kinh thành Huế đã được thiết kế và xây dựng theo kiểu Vauban, một mô thức xây dựng thành luỹ mà ngày nay còn được các nhà nghiên cứu kiến trúc trên thế giới gọi là "thành luỹ hình ngôi sao" (star- shaped citadel).

Vauban (1633-1707) là tên của một kỹ sư công binh người Pháp, đã từng đưa ra phương thức của mình để xây dựng và sửa sang hơn 300 thành luỹ và đồn bót của nước Pháp mà phần lớn là dùng để phòng thủ cho các vùng biên giới. Nghệ thuật kiến trúc quân sự này đã được áp dụng để xây dựng nhiều thành luỹ ở một số nước Tây phương và các xứ thuộc địa từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX.
 
Thành luỹ xây theo kiểu Vauban là một phức hợp các công trình kiến trúc liên quan chặt chẽ với nhau và có giá trị phòng ngự rất cao, bao gồm các bộ phận và những tuyến dùng để bảo vệ và đề kháng, như luỹ, pháo đài, pháo nhãn, tường bắn, phòng lộ, hào, thành giai, hộ thành hà...
 
Phương thức cấu trúc của loại thành luỹ này xuất hiện khi quân đội nhiều nước trên thế giới đã vượt qua khỏi thời đại chiến đấu bằng cung tên và gươm giáo, khi họ đã được trang bị vũ khí bắn đạn đẩy đi bằng thuốc súng.
 
Trước khi các nước Viễn Đông tiếp xúc với Tây phương và được trang bị loại vũ khí ấy, thành luỹ kiểu Vauban chưa có điều kiện xuất hiện tại đây. Từ những thập niên cuối thế kỷ XVIII trở đi, thông qua mối liên hệ cầu viện quân lực Pháp của Nguyễn Ánh để chống nhà Tây Sơn, loại thành luỹ này mới được nhập cảng vào Việt Nam, mà toà thành đầu tiên là Bát Quái thành ở Gia Định xây dựng năm 1790, và toà thành thứ hai, với qui mô to lớn hơn, chính là Kinh thành Huế.
 
Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế với niên hiệu Gia Long vào năm 1802. Mặc dù đất nước đã thống nhất sau gần 300 năm nội chiến, nhưng nỗi lo về sự bất ổn chính trị vẫn chưa dứt, nhất là ở chốn Kinh đô của triều đại mới. Cho nên, việc áp dụng kiểu Vauban để xây dựng Kinh thành Huế cũng nói lên phần nào nhu cầu cần thiết về mặt phòng thủ cho các cơ quan đầu não của triều đình mà chính quyền vua Gia Long cần phải quan tâm trong thời hậu chiến.
 
Là một kỳ công của dân tộc, kiến trúc Kinh thành Huế đã có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại vào đầu thế kỷ XIX. Các nhà kiến trúc bấy giờ đã vận dụng một cách sáng tạo nghệ thuật Đông- Tây, kết hợp với nghệ thuật kiến trúc cảnh quan truyền thống của dân tộc và địa thế của xứ Huế, cho nên, toà thành luỹ này chẳng những không trở nên xa lạ, mà vẫn gần gũi với con người bản địa và tâm hồn Việt Nam.
 
Như vậy, với việc bắt đầu qui hoạch kiến trúc Kinh thành Huế từ năm 1803, sự giao lưu và hội nhập văn hoá của nước ta đã có cách đây đúng 200 năm về trước (1803-2003).
 
Mặc dù đã chịu đựng sự tàn phá của thời gian gần 2 thế kỷ và nhất là bom đạn trong chiến cuộc Tết Mậu thân (1968), Kinh thành Huế vẫn tồn tại hầu như đầy đủ diện mạo của nó. Mang giá trị cao về nhiều phương diện, toà thành cổ này đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử- Văn hoá Quốc gia vào ngày 12-5-1998 và được UNESCO xem là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật quan trọng nhất thuộc Quần thể Di tích Huế, Di sản Thế giới.
 
  • Phan Thuận An

(Theo Netcodo)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

Ra Giêng, tôi chở thằng con là sinh viên lên chơi đồi Vọng Cảnh, thăm lại nơi mà thời nó còn bé xíu, tôi đã từng chở nó đến, chỉ cho nó biết cây sim nó ra làm sao, và để cu cậu tự tay hái ăn những quả sim tím sẫm, mọng căng và ngọt lịm.

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

TIN MỚI

Return to top