ClockThứ Sáu, 10/12/2021 06:15

Phụng sự chính là tu tập

TTH - “Tôi tự nguyện lên đường tham gia chống dịch không chỉ với tinh thần của người tu sĩ, mà là tinh thần trách nhiệm của một công dân, của một người bác sĩ, là phận sự chứ không chỉ là nguyện vọng”, Bác sĩ, Đại đức Thích Tâm Quang – Phó Giám đốc Phòng khám đa khoa từ thiện Tuệ Tĩnh đường Hải Đức chia sẻ.

Bác sĩ, Đại đức Thích Tâm Quang (bên phải) trong ngày lên đường vào Bình Dương để hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: NVCC

Sau khi tình nguyện lên đường chống dịch tại Bệnh viện dã chiến Thới Hòa (Bến Cát, Bình Dương) trở về, những ngày này Đại đức Thích Tâm Quang đang cùng các cộng sự triển khai khu điều trị COVID-19 ngay tại nơi mình làm việc để chữa trị cho các tăng, ni. Trò chuyện với Báo Thừa Thiên Huế, Đại đức tâm niệm đây là cơ hội được phụng sự bằng chuyên môn mình đã được học.

Thưa, xuất phát từ ý nghĩ nào để Đại đức đưa ra quyết định lên đường “chi viện” cho Bình Dương?

Thực ra, cảm nhận của tôi và những anh em cùng đi không chỉ tinh thần của người tu hành mà là tinh thần trách nhiệm của một công dân bình thường, của những người được đào tạo trong lĩnh vực y khoa. Qua lời kêu gọi của Chính phủ và Trung ương GHPGVN, tôi và một số anh em đã viết đơn tình nguyện, đăng ký gửi qua giáo hội, giáo hội chuyển về tỉnh, sắp xếp để mấy anh em đi vào hỗ trợ trong kia. Tôi tâm niệm rằng, phải vào đó để chia sẻ, để cùng nhau vượt qua hoạn nạn của đất nước, của dân tộc.

Cảm xúc đầu tiên của Đại đức khi đặt chân đến nơi cần chi viện?

Nơi tôi đến để hỗ trợ là Bệnh viện dã chiến Thới Hòa ở Bến Cát, Bình Dương. Đó được xem là bệnh viện dã chiến lớn nhất của Việt Nam, thời điểm đông nhất lên đến 18.000 bệnh nhân. Cảm giác đầu tiên có gì đó “ớn lạnh”, ai cũng có nỗi sợ riêng. Nhưng khi thấy những đồng nghiệp, anh chị em đến trước vất vả lăn lộn làm việc trong môi trường đó thì tự nhiên dần dần nỗi sợ cũng tan biến đi. Đặc biệt, khi thấy tinh thần các bệnh nhân lạc quan đã giúp chúng tôi quên đi nỗi sợ đó.

Công việc của Đại đức và các đồng nghiệp ở trong đó là gì?

Lịch làm việc tùy theo ca, gồm trực đêm, trực ngày và làm hành chính. Trực đêm bắt đầu lúc 18h30 và kết thúc vào 8h hôm sau. Trực ngày bắt đầu từ 6h30 đến 20h. Làm hành chính đi từ lúc 6h30 đến 18h về. Trong nhóm trực, tùy tình hình thực tế các thành viên thay phiên nhau ăn trưa và nghỉ để đảm bảo sức khỏe cho ca trực.

Tôi làm việc trong khu điều trị bệnh nhân tầng 2. Tức là, bệnh nhân nhiễm bệnh có triệu chứng nhưng chưa chuyển sang giai đoạn tầng 3 chăm sóc đặc biệt. Hàng ngày phải theo dõi, chăm sóc bệnh nhân như lấy mẫu test, phát thuốc, đo thân nhiệt, đo huyết áp, điều trị… Bằng mọi giá, phải hạn chế được tối đa bệnh nhân đưa lên tầng 3. Một khi đã đưa lên tầng 3 tức là bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn biến chứng, rất nguy hiểm.

Bác sĩ, Đại đức Thích Tâm Quang cùng nhiều y, bác sĩ tình nguyện làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến Thới Hòa (Bến Cát, Bình Dương). Ảnh: NVCC

Hình ảnh nào trong quá trình điều trị các bệnh nhân khiến Đại đức nhớ nhất?

Trong khu điều trị có một bệnh nhân gần 80 tuổi bị bệnh nền là đái tháo đường và tăng huyết áp rất nặng. Bà vào một mình. Thấy hình ảnh đó, tôi nhớ về người mẹ của mình và nghĩ nếu mai này mẹ mình mà trong tình cảnh như vậy thì đau lòng biết mấy. Tôi cùng anh em hỗ trợ bà một cách tối đa.

Vui hơn, khi cạnh đó có một bạn nam trẻ sau vài ngày điều trị khi cảm thấy sức khỏe của mình tương đối ổn định đã tình nguyện đến chăm sóc cho bà, từ đút ăn, thay tã cho đến vệ sinh cá nhân và thường xuyên báo tình trạng sức khỏe của bà cho nhân viên y tế.

Tôi cho rằng, hình ảnh người bệnh hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn lẫn nhau như thế là nét đẹp văn hóa vô cùng giá trị của người Việt.

Có khó khăn nào trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân?

Hầu hết bệnh nhân khi mới vào đều thắc mắc về triệu chứng, sao ăn mà không cảm nhận được vị giác, ngửi không thấy mùi… Rồi người ta kêu “sao người khác ra rồi mà tui chưa ra”, bởi tâm lý ai cũng nghĩ thông thường vào ít ngày lại ra. Chúng tôi phải giải thích cặn kẽ để bệnh nhân hiểu, bởi không phải bệnh tình ai cũng giống ai, tùy cơ địa từng người.

Thế nhưng không phải ai cũng hiểu, nhiều bệnh nhân bức xúc không lý do cứ thế nạt nộ bác sĩ điều trị. Tất nhiên những lúc như thế chúng tôi càng phải bình tĩnh để giải thích cặn kẽ vì việc chúng tôi làm tất cả vì sức khỏe của chính họ và vì cộng đồng.

Ngoài ra, vì làm việc ở khu điều trị nên chúng tôi phải mặc bảo hộ kín mít. Có nhiều người vừa bước ra khỏi phòng điều trị là ngã gục. Anh em luôn dặn dò phải luôn sẵn sàng viên sủi điện giải để bù nước khi cần. Ngoài ra, thường xuyên uống thêm sữa để nhanh phục hồi lại sức. Có sức khỏe mới lo được cho bệnh nhân.

Ở góc độ tu sĩ, Đại đức có thể nói rõ hơn về “cơ hội để phụng sự”?

Ở đâu xã hội, cộng đồng cần mà mình có khả năng cống hiến được, bằng tài lực, trí lực, tâm lực thì mình sẵn sàng cống hiến. Đó là một cơ hội để cho mình phụng sự. Và phụng sự tức là vấn đề tu tập của mỗi cá nhân. Mà đặc biệt là mình phụng sự với chuyên môn của mình đã được học, được đào tạo nữa thì rất tốt.

Không phải chuyến đi chi viện ở Bình Dương, mà sau này, nếu tỉnh, sở y tế hoặc giáo hội cử mình đi đâu hỗ trợ mình cũng sẵn sàng. Mình cũng chia sẻ với huynh đệ rằng, mọi người nên ra đi để cống hiến, tùy từng người, tùy tâm nguyện và tùy từng lĩnh vực mình được đào tạo có thể phát ra theo mỗi cách riêng. Không chỉ trong lĩnh vực y tế, mà quý vị có thể làm trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, môi trường môi sinh cũng được... Bất cứ lĩnh vực nào mà xã hội cần, nó đem lại sự ổn định, thanh bình, sự ấm no cho cộng đồng, vì sự an lạc cho số đông thì quý vị cứ đi ra mà làm. Phải đi ra mới nhận thấy được vấn đề xã hội thực sự cần gì ở chúng ta.

Xin cảm ơn Đại đức!

NHẬT MI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Câu lạc bộ Guitar Y - Dược và đêm nhạc Giao

Tối 8/6 tại trường Đại học Y Dược Huế diễn ra đêm nhạc “Giao” thuộc chuỗi chương trình “Guitar Đam mê” do Câu lạc bộ (CLB) Guitar Đại học Y - Dược phối hợp CLB Guitar Fingerstyle Huế và ĐA: MÊ Café tổ chức thường xuyên.

Câu lạc bộ Guitar Y - Dược và đêm nhạc Giao
Cảnh báo lập giả trang mạng xã hội để kêu gọi từ thiện

Ngày 11/4, cơ quan chức năng huyện Quảng Điền phát đi thông tin cảnh báo: Có một số kẻ xấu lập giả các trang mạng xã hội (MXH) tương tự các trang đã có từ lâu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện để kêu gọi từ thiện nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cảnh báo lập giả trang mạng xã hội để kêu gọi từ thiện
Trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn huyện Quảng Điền

Ngày 22/1, tại trường tiểu học số 1 Quảng Thành (xã Quảng Thành, huyện, Quảng Điền), Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức chương trình tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở 2 trường tiểu học thuộc xã Quảng Thành.

Trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn huyện Quảng Điền
Chị Cát “mát tay” làm từ thiện

Trước đây, chị Nguyễn Thị Thiện Cát (42 tuổi, trú 101 đường Nguyễn Khoa Văn, phường Phú Bài, TX. Hương Thủy) vốn là một nhạc công, sau chị chuyển sang mở tiệm cafe và phụ bán quán nhậu cùng chồng, kinh tế gia đình cũng chẳng khấm khá gì. Tuy vậy, chị luôn đồng cảm, thấu hiểu nỗi khổ cùng cực của những con người bất hạnh mà chị từng được gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện trong công việc buôn bán hàng ngày. Đồng hành cùng chị là sự góp sức và sẻ chia của gia đình, nên bếp ăn từ thiện của chị đã duy trì hoạt động được 4 năm nay.

Chị Cát “mát tay” làm từ thiện

TIN MỚI

Return to top