ClockThứ Năm, 29/04/2021 13:15

Những đóng góp thầm lặng của người dân Cố đô Huế

TTH - Kể từ ngày 26/3/1975, sau khi được hoàn toàn giải phóng, Thừa Thiên Huế đã “trở thành hậu phương trực tiếp để giải phóng miền Nam”.

Chỉ trong thời gian ngắn, một bộ phận của Quân đoàn 2 phối hợp với các đơn vị của Quân khu Trị Thiên - Huế đánh chiếm các cứ điểm ở Bắc Đà Nẵng rồi tiến sang Sơn Trà, góp phần giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3/1975. Hàng vạn người dân và hàng trăm phương tiện từ Huế di tản vào Đà Nẵng trước đó lần lượt trở về.

Do miền Nam chưa được giải phóng nên Huế tạm thời được điều hành bởi Ủy ban Quân quản do tướng Lê Tự Đồng làm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch là Đại tá Dương Bá Nuôi và Bí thư Thành ủy Huế Hoàng Lanh.

Lúc này, Phú Bài- cứ điểm quân sự lớn nhất của Quân đội Sài Gòn ở Trị Thiên - Huế được giao cho Binh đoàn Hương Giang, tức Quân đoàn 2 tiếp quản. Chiến lợi phẩm thu được ở căn cứ Phú Bài gồm phương tiện, vũ khí, nhiên liệu và thực phẩm và đều dồn cho quân đội. Chỉ trong thời gian ngắn, Phú Bài trở thành điểm trung chuyển đón và đưa bộ đội tiếp tục hành quân vào Nam.

Trong những đợt chuyển quân thần tốc ấy có sự đóng góp thầm lặng của nhiều nghiệp chủ, lái, phụ xe ở Huế.

Bà Châu Thị Liên nhớ lại những ngày lịch sử 46 năm trước

Bà Châu Thị Liên, sinh năm 1940, hiện cư trú tại phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy bồi hồi nhớ lại: Ngày ấy, nhà tôi ở Huế. Ngoài có 2 chiếc Renault chạy tuyến Huế - Đà Nẵng tôi còn hùn mua thêm xe tải, xe khách. Các hãng xe khách tham gia chạy tuyến Huế - Đà Nẵng ở Huế như: Phi Long, Liên Hiệp, Nam Lộc đều là thành viên của Nghiệp đoàn vận tải Trung nguyên Trung phần do ông Hoàng Đồng Tịnh làm Chủ tịch.

Do chồng tôi là ông Hoàng Trọng Mãng có bà con với ông Chủ tịch Nghiệp đoàn nên sau khi chồng tôi qua đời, tôi là người thế chân.

Kể về cơ duyên trở thành người tiếp nhiên liệu cho Quân đoàn 2, bà Liên cho biết: Hôm đó, anh Chàm (sau này là Phó Chủ nhiệm HTX Ô tô Huế) dẫn một tốp bộ đội vào nhà bà. Một chiến sĩ bộ đội trình bày: “Hiện chúng tôi đang rất thiếu dầu diesel. Nhờ chị xoay xở tìm trong dân nơi nào còn thì huy động giúp chúng tôi. Chúng tôi không mua mà chỉ có xăng bù lại”.

Sau khi nhận lời, bà Liên rủ thêm bà Tiềm tham gia. Họ phân công nhau tìm đến các nhà máy sản xuất nước đá ở Huế, các chủ tàu, thuyền đánh cá ở Thuận An và nhiều nơi khác vận động và thu gom từng phuy, từng can dầu ga-doan cho bộ đội.

Tại Phú Bài, lúc này Ủy ban Quân quản thành phố Huế đã điều động hàng chục xe khách, xe tải về đây nhận nhiên liệu để chuyển quân vào Nam.

Không chỉ thu gom dầu diesel cho bộ đội, bà Liên còn giao 2 chiếc Renalt của mình để ông Nghĩa, ông Lý, ông Anh chở bộ đội hành quân vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Hai ông: Lê Văn Tâm - Lê Ngọc Tính

Ông Lê Văn Tâm năm nay 86 tuổi, nhà ở đường Phan Chu Trinh, TP. Huế. Cũng như bà Liên, tôi quen biết ông Tâm sau ngày Huế giải phóng, khi ông là thủ quỹ của HTX Ô tô Huế đóng ở đường Nguyễn Thái Học. Mặc dù ông không trực tiếp tham gia chở quân vào những ngày của tháng 4/1975 lịch sử, nhưng Lê Văn Tâm kể, sau khi nhận lệnh của Quân quản, ông theo anh em đưa xe lên Tòa tỉnh (trụ sở UBND Thừa Thiên Huế hiện nay). Trong sân có hơn 10 chiếc xe khách. Ngoài xe của ông, ông còn biết có 2 xe của chị Châu Thị Liên (ở đường Bà Triệu) và  2  xe của ông Trần Hà ở đường Phan Đình Phùng.

Xe tham gia chở quân hôm ấy chủ yếu là Renault, Dodge, chỉ có chiếc Chevrolet là của riêng ông Tâm. Ông Tâm quý xe đến độ bây giờ còn đọc tôi nghe những lời ông tự sáng tác: “Renault 4 máy em chê, Chevrolet 6 máy em mê suốt đời”.

Ông Tâm kể: “Sau khi nghe các vị giao nhiệm vụ và dặn dò, tôi quay trở về nhà, còn anh em lái xe theo đoàn làm nhiệm vụ. Mặc dù biết lái, nhưng lúc ấy tôi phụ xe cho anh Xuân”.

Trong ngôi nhà ở đường Đặng Huy Trứ, TP. Huế, tôi và ông Lê Văn Tâm ngồi nghe ông Lê Ngọc Tính kể lại chuyến chở quân vào Nam. Đang ở tuổi 70 nên ông Tính nhớ khá tường tận chuyến đi.

“Đó là chuyến đi dài ngày nhất của chúng tôi. Mang tiếng là người miền Nam nhưng tôi đâu đã biết Nha Trang, Sài Gòn”.

- Vì sao lại dài ngày? Tôi hỏi.

- Do đường sá lúc ấy rất xấu, có nơi cầu bị đánh sập nên phải vượt cầu phao. Đó là chưa kể có xe lốp bị xẹp nên phải dừng lại chờ nhau.

- Còn ăn ở?

Ông Lê Ngọc Tính cho biết: Tinh thần là cố gắng đưa quân vào sớm lúc nào là hay lúc ấy, trừ lúc chêm nhiên liệu còn lại là chạy liên tục. Gần tối, thấy chỗ nào vắng, an toàn, chỉ huy bảo dừng thì chúng tôi dừng và tự nấu ăn.

Kể về tâm trạng của mình, ông Tính cho biết, người khác tôi không rõ nhưng với riêng tôi, lúc đầu thì rất vui, nhưng sau khi qua Nha Trang lại thấy lo lo vì trên đường vào Sài Gòn tình hình thế nào mình chưa rõ. Dù có sợ, có lo, nhưng khi đưa xe đến địa điểm tập kết, hoàn thành nhiệm vụ chúng tôi rất mừng.

Sau 3 ngày rong ruổi trên đường, cuối cùng hơn 10 chiếc xe của Huế đã đưa hàng trăm quân tập kết căn cứ Long Bình rồi quay về.

Khác với ông Tính, ông Nguyễn Văn Tánh, nhà ở đường Trần Huy Liệu, TP. Huế cho biết: Thời điểm ấy tôi đang lái chiếc Renault cho chị Ngân và anh Vui. Tại bến xe Đà Nẵng, tôi được lệnh lái xe chở bộ đội vào Nha Trang. Vì tôi là lính lái xe cho Cục Quân nhu Quân đội Sài Gòn nên khi ra trình diện chính quyền cách mạng, nhờ có tấm giấy khen của bộ đội nên tôi không phải đi học tập. Kể vắn tắt xong, cụ già 85 tuổi Nguyễn Văn Tánh cười sung sướng.

Lớp người ấy, điểm lại phần lớn đã qua đời. Nhưng những đóng góp thầm lặng của họ thì thế hệ hôm nay cần biết để hình dung về sức mạnh của Nhân dân dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để mang lại thống nhất cho non sông.

Bài, ảnh: Phạm Hữu Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lấy sức dân chăm lo cuộc sống người dân

Qua 5 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh (ĐTVM)” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh (nay là thành phố Huế) phát động, sự đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao, nhất là củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền.

Lấy sức dân chăm lo cuộc sống người dân
Một người dân tự nguyện giao nộp vũ khí

Ngày 27/12, một người dân (ông V.) ở xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) đã tự nguyện giao nộp vũ khí cho lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây.

Một người dân tự nguyện giao nộp vũ khí
Người dân Nam Bán cầu cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn châu Âu

Kết quả của một nghiên cứu gần đây cho thấy, so với các quốc gia ở châu Âu, người dân ở Nam Bán cầu hài lòng hơn về mức độ cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều này khiến các nhà nghiên cứu lên tiếng thúc giục lãnh đạo các quốc gia châu Âu hành động để giải quyết sự bất cập này càng sớm càng tốt.

Người dân Nam Bán cầu cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn châu Âu

TIN MỚI

Return to top