ClockThứ Hai, 29/01/2024 06:26

Người muôn năm cũ

TTH - Sinh thời, ba tôi rất hay nhắc về ông, và mỗi lần như vậy, nét mặt ba tôi bỗng rạng rỡ, phấn khích hẳn lên, bởi ngoài mối quan hệ thân thích, ông có “nhân thân đặc biệt” - bị mù từ bé nhưng trí tuệ, độ mẫn cảm hơn người. Tiếc thay, nghe đâu bỏ đó, bây giờ muốn tìm hiểu kỹ hơn về ông thì ba tôi và những người trong cuộc không còn nữa, chỉ biết dựng lại chân dung về một con người khá sơ sài qua những mẩu ký ức rời rạc, đứt quãng cùng thông tin từ một số chứng nhân gián tiếp.
 

Dân làng truyền khẩu, thuở nhỏ, ông bị bệnh đậu mùa, hư một mắt, chơi đùa với chúng bạn lại gặp tai nạn, thêm một con nữa. Vượt lên số phận nghiệt ngã, ông lớn lên, lấy vợ, sinh hạ được bốn trai, hai gái. Vợ chồng mưu sinh bằng nghề hàng xáo - ông vay khoản tiền lớn của nhà giàu trong xóm rồi hàng ngày trả tiền gốc và lãi cho chủ nợ. Hồi đó dân làng tôi gọi là “tiền ngày, tiền góp”, vợ mua lúa về xay, ông giã gạo. Rảnh rỗi, ông đan lát, tre sẵn trong vườn chỉ nhờ người đốn. Mặt hàng được cả làng tìm mua là nôi do ông đan, mặc dù người khác cũng đan và có cả hàng Bao La ở chợ. Bà con kháo nhau nôi ông mù đan đúng trực sinh, đảm bảo an toàn cho trẻ, mua nơi khác phải sửa lại hoặc chấp nhận “may nhờ rủi chịu”.

Nhà nghèo, ông bà không biết chữ đã đành, đàn con cũng thất học. Khi cháu nội, nhỏ hơn ba tôi 7 tuổi, đến tuổi đi học, ông kêu lại: ông sẽ cố cho cháu đi học, kiếm ít chữ, mai sau có ra làng cũng thoát cảnh “chấp kích”! Đó là thực tế diễn ra ngày trước, Xuân Thu nhị kỳ, làng tế chia ra nhiều ban bệ, kẻ không biết chữ luôn phải cầm cờ, lọng, gươm, lỗ bộ… đứng trước sân đình, bất kể nắng mưa; người có đôi ba chữ phục vụ bên trong, bưng bê mâm cỗ, thắp hương, rót rượu, gọi là “bài liệt”, nhàn hạ hơn đôi chút! Thế là ông đưa cháu vào xin học chữ Hán với các thầy Khóa trong làng, dù đã có trường dạy chữ Quốc ngữ nhưng ở tận Bao Vinh, nơi huyện lỵ Hương Trà đóng, xa xôi, vất vả, không ai đưa đón lại tốn kém.

Ngày ngày, ông cháu đến lớp, cháu học, ông ngồi bên, hết giờ, cháu đưa ông về. Chẳng hay ngồi bên cháu, chữ nghĩa thánh hiền thấm vào ông khi nào mà ông nói chuyện rất văn hoa, bay bổng, ai nấy, nhất là người có học, đều bằng lòng. Tiến sĩ Lê Hoàn (1873 - 1937) tuy tuổi lớn hơn nhưng vai vế trong họ là em, rất tôn trọng ông, hễ gặp là lễ phép “thưa anh”. Bước vào hoạn lộ, ông Lê Hoàn mua đất, dựng nhà, chuyển vợ con về sống ở làng Nam Phổ, Phú Vang, cưới thêm bà hầu và mua cho bà ngôi nhà ở Bao Vinh. Khi cần bán, người mua đề nghị phải có họ, có làng làm chứng, ông Thượng cho thuê xe kéo lên làng chở ông về Bao Vinh, vì ông là trưởng nhánh, để điểm chỉ. Xong việc, người mua nhà khen nức nở: Chao, ông La Chử nói chuyện hay quá!

Ông ở đâu là nơi đó rộn rã tiếng cười, đơn giản vì điều ông làm khác người khiến mọi người thích thú, và một trong số đó là cụ T., vị quan về hưu với hàm Hiệp tá Đại học sĩ, dân làng quen gọi là cụ Hiệp, anh đầu trong ba anh em ruột cùng đỗ Cử nhân khoa thi 1906. Mỗi lần về làng, cụ Hiệp đều cho người chạy đến mời ông tới chơi cờ quân, gồm bốn người chơi, còn gọi là cờ oi, để cười cho vui! Nhận lời mời, ông khăn đóng áo dài xuất phát. Bốc cờ xong, ông lận ngay vào ngực áo, nếu là cái, ông kêu ngay, nếu là con, ông giục: kêu bay! Nhận biết quân cờ còn khó, tìm ra màu cờ gian nan cơ vời là thế mà ông không hề lẫn, mọi người muốn xem ông chơi cũng dễ hiểu!

Ông rời cõi tạm ở tuổi 62, khi cháu nội đã chững chạc bước vào đời, đem vốn liếng kiến thức Hán học buổi nào làm hành trang, có cuộc sống khá giả, yên ấm, vừa thoát khỏi cảnh cơ cực, bần hàn như ông cha thuở trước, lại không chịu kiếp “chấp kích” như tâm nguyện của ông nội. Phải chăng, ông ký thác chuỗi ngày bi thương trên trần thế vào tiếng cười lẫn niềm vui bất tận của nhân gian để vợi bớt nỗi buồn!

 

Hà Xuân Huỳnh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ổi tháng Mười

Thu đến, những chùm ổi nhà nho nhỏ, xinh xắn được tôi chú ý trước nhất. Chưa thấy quả đâu nhưng chỉ cần nghe mùi thơm thanh thanh quyện vào trong gió là biết ngay trong tán lá xanh um tùm kia, thể nào cũng có chùm ổi vàng ươm, ngọt ngào đang tỏa hương.

Ổi tháng Mười
Sáng tạo trong chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân

Từ các hoạt động thể thao, văn hóa đến những buổi chia sẻ cân bằng cuộc sống, công đoàn và Công ty HBI Huế đang tạo nên một môi trường làm việc năng động, gắn kết cho đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ).

Sáng tạo trong chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân
Thư gửi bạn vùng bão lũ

Những ngày này Huế đang nắng, những cơn mưa giông cuối ngày báo hiệu mùa thu sắp hết và mùa đông đã cận kề. Thời tiết ngày càng có nhiều bất ngờ, thiên tai ngày càng khốc liệt.

Thư gửi bạn vùng bão lũ
Lối về ngõ hạnh

Quê chồng tôi ở Phú Thượng (Phú Vang - nay thuộc TP. Huế), mỗi năm có vài lần kỵ, chạp. Mỗi lần ghé về, điều tôi thích nhất ngoài những căn bếp ngăn nắp có chiếc tủ gạc - măng - rê xưa cũ, ngoài những mẹt bầu, bí đao được cắt mỏng phơi khô tỏa mùi thơm giòn đặt trên mấy chạn củi của các thím, tôi còn vô cùng thích thú những con ngõ biếc xanh.

Lối về ngõ hạnh

TIN MỚI

Return to top