ClockThứ Ba, 21/07/2020 15:43

Luyện gốm trên đồi Long Thọ xưa

TTH - Năm 1896, Hãng xây dựng tư nhân Bogaert (Pháp) tiến hành xây dựng Xí nghiệp vôi nước trên đồi Long Thọ. Nguyên nhân là đá vôi có nhiều ở phía bắc Đông Dương, đồng bằng sông Hồng, có ít ở Trung kỳ và Nam bộ; nhưng mỏ có chất đất sét nung lên cho vôi nước thiên nhiên hay là chất keo nước thì chỉ có một mỏ ở Long Thọ. Và trong quá trình khai quật để xây dựng xí nghiệp, người Pháp phát hiện: nơi đây từng có những lò gốm quy mô…

Nhà máy vôi Long Thọ năm 1914. Ảnh: TL

Luyện gốm trên đồi Long Thọ trước năm 1885

Trong khảo cứu “Đồ gốm cũ và mới ở Long Thọ” đăng trên BAVH năm 1917, ông Rigault, Giám đốc Nhà máy Long Thọ lúc bấy giờ cho biết, những di tích trên đồi có rất nhiều dấu vết lò gốm xưa, chứng tỏ Long Thọ từng là trung tâm sản xuất các loại gạch ngói, và từ thời Gia Long sản xuất thêm đồ gốm tráng men.

Ông viết, xưởng ngói lưu ly Long Thọ qua hai giai đoạn. Trong đợt thứ nhất, từ năm 1811. Các sản phẩm gốm thu được giai đoạn này hoặc bị bể quá nhiều, hoặc bị bể hoàn toàn. Trong đợt thứ hai, ông đã tìm được các vật tráng men ít bể hơn đã hoàn toàn tráng men, có màu sắc sảo và bóng loáng chứng tỏ đã tìm được một loại đất sét chịu lửa.

Hiện vật cho thấy, đất sét ở Long Thọ, Nguyệt Biều không thể làm gốm tráng men, chỉ làm được các loại gốm không cần tráng men do chịu nhiệt kém. Vì vậy, các lò gốm Long Thọ lúc ấy phải đi tìm nguồn nguyên liệu từ các vùng lân cận. Một nghệ nhân tên là Võ Văn Ba, lúc đó 68 tuổi, quê ở Quảng Nam, cho biết: May thay, họ đã tìm được loại đất sét màu xám pha xanh có ở làng Vân Cù và Triều Sơn (gần Lại Ân) thuộc Hương Trà, Thừa Thiên.

Thực tế, từ năm 1810, việc luyện gốm đã manh nha ở Long Thọ. Ngói lưu ly được sản xuất tại Khố Thượng (ngày nay là Long Thọ) liên tiếp trong 75 năm (1810-1885), dưới 8 thời vua từ Gia Long đến Hàm Nghi.

Lời tâu của người phụ trách Tàu Tượng thời vua Gia Long là Nguyễn Đức Xuyên thuật trong sách “Lý lịch sự vụ” cho biết: Ngày 10 tháng 7 năm Gia Long thứ 8 (1809), Nguyễn Đức Xuyên vâng chỉ dụ đem đất ở Khố Thượng giao cho tàu trưởng Hà Đạt Hòa ở Quảng Đông xem có làm ngói được không. Hà Đạt Hòa mượn thợ ngói luyện đất này thành các tấm ngói. Thấy làm được, năm sau (1810) Nguyễn Đức Xuyên nói Hà Đạt Hòa mua thuốc màu và kêu 3 tên thợ từ Quảng Đông sang ở Khố Thượng để làm ngói màu xanh, màu vàng. Vua Gia Long hậu đãi thợ, nói: “Bổn Quốc có được thứ ngói màu này khởi đầu là từ đây”.

Từ năm 1812 đến 1814, sản phẩm gốm còn rất sơ khai, nhiều khiếm khuyết, thô ráp. Đến thời Minh Mạng và Tự Đức thì đã rất tinh xảo và mịn. Các mẫu gốm đã mỏng, đều, có màu sắc trong, có loại nung tốt dùng để tráng chì hay mạ đồng. Đến năm 1885, sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn, thợ lò của các đội làm gốm ở Long Thọ tự phân tán, nhiều người trở về quê. Có một số người lập ra lò gốm riêng ở Thanh Hóa, Quy Nhơn nhưng làm rất ít đồ dùng do gặp khó về nguyên liệu, và kỹ thuật rất đơn sơ.

Các lò gốm ở Long Thọ sau đó, các nhà tranh che lò đều bị sụp đổ. Người dân bên ngoài vào phá dỡ, đập phá lò đem gạch ngói về xây nhà riêng. Trận bão năm Thìn (1904) đã làm cho cơ sở sản xuất ngói lưu ly ở Long Thọ bị sụp đổ và suốt mấy chục năm sau đó nghệ thuật sành sứ đã biến mất khỏi vùng Long Thọ. Theo thời gian, cây cỏ mọc um tùm khiến trung tâm lò gốm Long Thọ chìm trong hoang tàn, “thiên nhiên đã trùm lên các dấu vết công nghiệp bằng một màu cây xanh rậm rạp”…

Từng có một giai đoạn phục hưng

Nghề gốm biệt tăm ở Long Thọ khoảng 25 năm. Trong thời gian đó, đồi Long Thọ có vài lần được vua Tự Đức đến nghỉ ngơi để tránh tiết trời nóng bức. Ở đó lúc bấy giờ có không khí thanh khiết và vẻ đẹp tuyệt vời. Đến năm 1909, do sự cần thiết phải lợp lại phòng khách và phòng ăn của Hoàng cung, Thượng Thư Bộ Lễ phải yêu cầu ông Bogaert (kỹ sư đã dựng ở chân đồi Long Thọ một nhà máy vôi nước), tìm hiểu bí quyết sản xuất ngói tráng men và sơn dầu. Một lò nhỏ kiểu Quảng Đông, Trung Quốc được xây dựng, và sau vài lần cải tiến, đã sản xuất được loại ngói như Hoàng cung yêu cầu.

Từ đó, đồi Long Thọ được cắt cho ông Bogaert, ngoài vôi nước, sản xuất thêm đồ gốm. Nhiều lò rộng lớn được xây dựng. Loại dùng để tráng men thì giữ hình dạng bán thuẫn nhưng cũng phải có nhiều cải tiến về tỉ lệ, trong cách quạt và phương pháp đốt. Các thợ lò đều được huấn luyện theo phương pháp mới sản xuất công nghiệp. Các cách làm thủ công trước đây như khối lượng men đong bằng chai dầu và hộp bơ, chiều dài đo bằng gang tay, cần nặng theo cái chum, đo độ dày bằng lông voi… đều bị bỏ đi. Các thành tựu khoa học đã được ứng dụng cho phép xưởng gốm có thể đo lường sự giãn nở của đất và các loại men trong lúc nung chín. Đồng thời dần dần biến đổi các lò đốt - lò nung, ứng dụng những định luật về sự cháy để tìm cách tiêu thụ ít nhiên liệu hơn, đạt sự an toàn trong sản xuất. Xưởng đã đưa các lò nung sơ bộ (lần 1) và nung men sứ (nung lần 2) thành nối tiếp và liên tục. Từ trung bình sản phẩm gốm bị vỡ 40% theo phương pháp nung cũ, nay chỉ còn vỡ 3%, riêng tráng men và sơn dầu chỉ vỡ 2%. Họ sản xuất theo các mẫu có từ các vua triều Nguyễn trước đó, nhưng với giá thành rẻ hơn rất nhiều.

Điều thú vị là, đồ gốm ở Long Thọ lúc bấy giờ, trong lúc nhắm đến mục đích thương mại, đã không bỏ qua tính nghệ thuật của sản phẩm. Ngoài màu sắc cũ, họ đã thêm vào hai màu vàng và xanh, chì và đồng để có được màu tím và màu lựu cho sản phẩm… Từ các tư liệu trên cho thấy, ngói màu ở Việt Nam được sản xuất đầu tiên trong khu vực Long Thọ, và đã từng có nhiều lò luyện gốm đỏ lửa suốt hàng chục năm dài…

Hồ Hoàng Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghiên cứu khoa học không chỉ tính bằng tiền

Ở Thừa Thiên Huế, đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học không chỉ tính bằng tiền mà giá trị mang lại đã thể hiện chất xám, trí tuệ được cộng hưởng gấp bội lần để làm giàu cho xã hội không chỉ ở phạm vi địa phương…

Nghiên cứu khoa học không chỉ tính bằng tiền

TIN MỚI

Return to top