ClockChủ Nhật, 04/08/2019 06:46

Khát vọng A Lưới

TTH - Ngày trước, A Lưới – cái tên nghe chừng xa xôi, cách trở, nhưng giờ đã khác. Vùng đất này là nơi cần xóa đói giảm nghèo và nhiều thế hệ lãnh đạo huyện mải miết tìm lời giải cho bài toán khó.

A Lưới tổ chức hội thi: “Gia đình với môi trường”A Lưới hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh”Các dân tộc thiểu số A Lưới đoàn kết, phát huy nội lực

Nông sản A Lưới ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: L.THỌ

Bán hàng thời 4.0

Những ai ngược núi sẽ được thấy một màu tươi mới. Người ta bắt đầu nói về sự đổi thay của “Phố núi” trên những thứ rất cũ.

Tôi bắt đầu câu chuyện này với cây chuối, một sản vật chẳng lạ ở vùng cao. Trong tâm thức nhiều người, trên những sạp hàng đơn sơ dọc đường Hồ Chí Minh, loại trái cây này là thứ hàng hóa giản dị của đồng bào dân tộc thiểu số. Vài ba buồng chuối dọc đường với giá “rẻ như cho” chẳng mang lại thu nhập cao cho người dân, nhưng bây giờ chuối già lùn A Lưới lại nổi tiếng, trở thành loại cây… giảm nghèo.

Trong một lần được tham quan vườn chuối già lùn cùng Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Bắc Nguyễn Văn Chở, ông hướng chỉ tay đến phía bạt ngàn màu xanh, nói như khoe: “Đây là loại cây xóa nghèo, đặc sản vùng cao. Chuối không còn rẻ nữa mà mang lại giá trị lớn, 5 nghìn đồng/kg thu mua tại vườn. Nhiều mảnh vườn trở thành vùng chuyên canh cây chuối”.

Ông Chở không nói quá. Sản phẩm này đã có mặt trên các kệ hàng ở 20 siêu thị Big C khu vực miền Trung và miền Nam, với giá trên 10.000 đồng/kg. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ thấy sức bật của nông sản vùng cao, ngay ở đồng bằng không mấy nơi làm được! Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện A Lưới đang triển khai những phương pháp trồng chuối mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nuôi cấy mô để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Không phải ngẫu nhiên những cửa hàng nông sản A Lưới ở thành phố lại sống được, sống tốt giữa trùng vây sản phẩm nông nghiệp trong cơ chế thị trường mở. “Sản phẩm của mình là thật, chất lượng đảm bảo, không lừa dối khách hàng nên khi họ sử dụng sẽ yên tâm và quay trở lại. Người đồng bào có thói quen trồng cây hay chăn nuôi không sử dụng thuốc hóa học nên toàn sản phẩm sạch”, chị Lê Thị Kim Thoa, quản lý cửa hàng Nông sản – đặc sản A Lưới nói.

Từ khởi đầu đơn sơ bằng những sạp hàng nông sản ven đường, tôi đồ rằng không nhiều người vùng cao nghĩ đến việc gạo của họ được đóng bao bì, nhãn mác, rau củ quả được vận chuyển về xuôi tiêu thụ ngay ở trung tâm thành phố và cũng ít ai nghĩ gà kiến và trứng được xác nhận chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm. Nhưng bây giờ họ đã làm được, những mảnh vườn được “quy hoạch” để xây dựng sản phẩm có thương hiệu, từ tư duy sản xuất cũ kỹ, thói quen kinh tế thị trường len lỏi vào từng bản làng tự lúc nào không hay. Những gian hàng mùa lễ hội, dù sự kiện gì đi chăng nữa, nông sản  - đặc sản vùng cao luôn được bày biện, giới thiệu, thoát khỏi vòng luẩn quẩn “đổi rá rau lấy con cá”.  Chính thói quen mua bán cũ của đồng bào làm họ bế tắc, kiếm đồng tiền quả quá xa vời, nhưng thứ gì bây giờ của họ cũng có thể bán, thậm chí giá cao.

Nếp than là đặc sản vùng cao A Lưới. Ảnh: K.T

“Nghe mô người đồng bằng chừ ưng nhiều sản phẩm vùng cao lắm. Rau, quả của tui được cán bộ giới thiệu trên mạng, facebook rồi mang đi trưng bày ở lễ hội, nhiều người hỏi mua. Tụi tui không thay đổi cách trồng mà cán bộ hướng dẫn thêm về quy trình, mùa vụ thu hoạch. Và chừ rau không mang đi đổi lấy gạo, zèng không đổi lấy trâu bò nữa mà đổi lấy tiền. Cứ đưa sản phẩm lên facebook là có người hỏi mua ngay”, chị Hồ Thị Pương (xã Nhâm, huyện A Lưới) bày tỏ.

Bình cũ nhưng rượu đã mới

Để nhận diện miền sơn cước lúc này, nhiều người sẽ không còn nghĩ đến sự khốn khó mà hình dung về “góc phố” nhỏ giữa sâu thẳm rừng xanh, những đường hoa đi về phía núi hay ngọn thác tuyệt đẹp giữa rừng. Cây trái, sông suối không đổi thay, chỉ con người vùng cao từng ngày biết thích nghi, đơn giản là thay đổi tập quán. Người dân "hái" ra tiền từ những con suối hoang vu trong cánh rừng nguyên sinh kỳ vĩ. Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu bảo rằng, người dân đang dần nắm chắc những lợi thế trong tay để biến thành sản phẩm đặc trưng, từ nền tảng cũ nhưng tư duy mới giúp họ đánh thức những vùng đất tưởng chừng khô cằn.

Du khách bây giờ đến làng bản không để tìm một dòng sông, con suối mà đến để trải nghiệm với người dân vùng cao, thưởng thức đặc sản, tham quan, nghỉ dưỡng tại các homestay. “Người dân là chủ thể để làm du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. A Lưới đang phát triển mô hình này và đã cho thấy hiệu quả. Địa phương có rất nhiều tiềm năng về du lịch cần khai phá. Nhiều điểm du lịch homestay xã Hồng Hạ, Hồng Kim và A Roàng thu hút hàng trăm lượt du khách trong và ngoài nước ghé thăm hàng tháng là minh chứng. Điều này góp phần không nhỏ vào việc thay đổi sắc diện vùng cao”, bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới chia sẻ.

Chuối già lùn A Lưới đã vào các siêu thị. Ảnh: L.THỌ

A Lưới đang có nhiều ý tưởng mới, ngay cả trồng rau, hoa cũng có thể làm du lịch. Giới trẻ sẽ không lạ vườn rau bà Nga, vườn hoa ông Tế, vườn hoa ông Chiến tại tổ dân phố 1, 2 thị trấn A Lưới bởi đây là những địa điểm check in khiến nhiều người mê mẩn. “Trồng cây gì, nuôi còn gì” quả đã là một tư duy cũ, úa màu thời gian. A Lưới vẫn có thịt nướng ống tre, bánh a quát, xôi nếp than, rượu đoác, muối tiêu rừng, cồng chiêng và cả những sợi zèng mang màu núi nhưng vẻ ngoài không còn thô kệch mà được nhận diện bằng hai từ… thương hiệu. Bài toán xóa nghèo đang dần có lời giải, nhìn vào số liệu kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, các mô hình kinh tế đang có sự chuyển biến tích cực.

“Giống lúa lai năng suất bình quân 85 tạ/ha; Giống lúa JO2 năng suất đạt 64 tạ/ha. Địa phương đã tiến hành trồng 100 ha giống lúa Ra dư và xây dựng nhãn hiệu “Gạo Ra dư A Lưới” từ nguồn dự án Trường Sơn Xanh tài trợ. Diện tích trồng sắn cũng đạt 73,1% so với kế hoạch. Năng suất mủ đông cao su bình quân ước đạt 18,02 tạ/ha, sản lượng đạt 9.360 tấn. Diện tích chuối 193 ha. Ngoài ra, người dân còn tự xây chuồng trại để phát triển đàn bò, thoát khỏi tập quán chăn thả, du canh du cư”, ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới thông tin.

Đi về phía núi, giữa một màu xanh thẳm, diện mạo “Phố núi” trên cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại đang dần đổi thay. Vẫn còn đó mấy mùa lễ hội với những những con người nặng tình với núi, nhưng vùng đất của đèo Mạ Ơi, đồi A Bia, sân bay A So… đã mang một dáng hình khác cùng khát vọng vươn tầm.

LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Khát vọng Thái Hòa”

Bên trong điện Thái Hòa - “trái tim” của Hoàng cung Huế, triển lãm “Khát vọng Thái Hòa” đưa du khách đắm mình trong hành trình khám phá chiều sâu lịch sử và chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa vượt thời gian.

“Khát vọng Thái Hòa”
Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa

Trên địa bàn huyện A Lưới hiện có 109 hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm từ thịt bò và chăn nuôi bò được Hội Nông dân (HND) huyện cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu “Thịt bò vàng A Lưới”.

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa
Khai mở vùng đất

Chuyển động trong thu hút đầu tư hứa hẹn giúp những vùng đất hoang sơ, thay đổi diện mạo. Từ đó, góp phần tạo công ăn việc làm, chuyển dịch tư duy của người dân nông thôn.

Khai mở vùng đất

TIN MỚI

Return to top