ClockThứ Hai, 17/12/2018 08:08

Giúp thanh niên khó khăn học nghề

TTH - Phú Hiệp, Phú Hậu, Hương Sơ là ba phường của TP. Huế đang được Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội (Codes) hỗ trợ trong việc đào tạo nghề cho thanh niên (từ 16 đến 22 tuổi) có hoàn cảnh khó khăn.

Liên kết trong đào tạo nghềHọc nghề không chỉ để cộng điểm thi

Giúp đào tạo nghề

Bà Lê Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hiệp cho biết: Phường là địa phương có nhiều thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, chưa được đào tạo nghề nên không thể tìm được việc làm ổn định. Để góp phần giải quyết tình trạng trên, giữa tháng 11/2018, phường đã phối hợp với Codes giới thiệu dự án đào tạo nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Dự án này thuộc một dự án lớn hơn là “Một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Thừa Thiên Huế” (2017-2020) do tổ chức Plan International Việt Nam tài trợ.

Ông Lê Thế Nhân, Giám đốc Codes cho biết: Thông qua đội ngũ cán bộ cốt cán tại tổ dân phố và phường, Codes sẽ có được danh sách các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, chưa được đào tạo nghề và có nhu cầu học nghề để vươn lên trong cuộc sống. Codes sẽ có bước tiếp theo là đến tận nhà để khảo sát và hỗ trợ cho các thanh niên này học nghề.

Theo ông Trương Minh Đến, Phó Giám đốc Codes, người quản lý dự án đào tạo nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn thì kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho một thanh niên là 7 triệu đồng. Codes hiện đang hướng vào việc đào tạo 4 ngành nghề chính là: lái xe, make up (trang điểm), cắt tóc, may mặc. Đây là những nghề đang có nhu cầu lớn trong xã hội nên thanh niên dễ dàng có việc làm sau khi được đào tạo. Tuy nhiên, thanh niên phải cam kết hoàn thành chương trình học nghề. Nếu nghỉ giữa chừng nhưng không có lý do chính đáng thì thanh niên phải trả lại 100% kinh phí hỗ trợ để Codes dùng số tiền này vào việc hỗ trợ cho thanh niên khác.

Bà Hoàng Thiên Thu, Tổ trưởng tổ dân phố 8, phường Phú Hiệp cho biết: "Được Codes về giới thiệu dự án đào tạo nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi”.

Nhiều hỗ trợ khác

Ngoài hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, đối với các thanh niên có hoàn cảnh rất khó khăn, Codes có thể hỗ trợ thêm 450.000 đồng/tháng để phụ vào việc xăng xe đi lại và ăn sáng, ăn trưa..., ông Bảo Lâm, cán bộ phụ trách lĩnh vực đào tạo nghề của Codes cho biết.

Ông Trương Minh Đến, Phó Giám đốc Codes cho biết thêm: Để thanh niên yên tâm học nghề, hiện Codes đang xây dựng mô hình nhóm tiết kiệm tương trợ. Mô hình này khoảng 10-25 người, sinh hoạt đều đặn hàng tháng. Mục đích của mô hình là các gia đình khó khăn nhưng có thanh niên đang học nghề tại dự án sẽ tiết kiệm được tài chính và sử dụng cho việc phát triển sinh kế thông qua việc mượn vốn tại nhóm.

Một thuận lợi của dự án là Codes đã liên kết với 25 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh như: Công ty Scavi Huế (Khu công nghiệp Phong Điền, huyện Phong Điền), Công ty cổ phần Cơ khí ô tô Thống Nhất, Beauty salon Ấn Tượng và Kenny Kiệt Wedding Studio... Những doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh này sẵn sàng hỗ trợ cho dự án được thành công thông qua việc giải quyết việc làm cho thanh niên sau khi được đào tạo nghề. Bên cạnh đó, nếu thanh niên sau khi đào tạo nghề có nhu cầu mượn vốn để làm ăn riêng, Codes cũng sẽ sẵn sàng hỗ trợ.

Nguyễn Văn Toàn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bốn mùa tình nguyện

Không kể mùa đông hay mùa hạ, mùa nắng hay mùa mưa, dấu chân tình nguyện của tuổi trẻ Huế đã đem đến cho đồng bào những con đường sáng, những ngôi nhà tinh tươm, những mảnh vườn được vun xới... Với những chàng trai, cô gái trẻ, đó là hành trình được cống hiến, được trưởng thành.

Bốn mùa tình nguyện

TIN MỚI

Return to top