- Mẹ đây - Tôi trả lời khi chưa nghe câu chào của con - Sao gọi mẹ giờ này?
- Con bị ốm, nôn mửa suốt từ chiều. Con mệt quá mẹ ơi.
Tiếng thều thào của con càng làm tôi hoảng loạn. Rồi hàng loạt câu hỏi: Con đã uống thuốc chưa? Bạn cùng phòng có giúp con được gì không? Trong nhà có gừng tươi không?... Nhưng tôi biết, hỏi chỉ để mà hỏi, chứ hai mẹ con cách nhau cả một đại dương, thương con, lo cho con nhưng chỉ biết cồn cào cùng ruột gan chứ không nghĩ ra cách nào giúp được con nhiều hơn và giúp mình thoát khỏi sự hành hạ của những lo lắng, những nghĩ ngợi lung tung. Không giống với thời tôi đi học ở Hà Nội, dù điện thoại lúc đó chưa được sử dụng phổ biến như bây giờ, nhưng chỉ cần nghe con ốm, khó khăn đến đâu mẹ tôi cũng tìm được cách liên lạc với cô chủ nhiệm hay người quen của bà kịp đến nơi chăm sóc tôi.
Lo lắng của tôi lần đó rồi cũng qua, vài ngày sau con trai thông báo cháu chỉ bị trúng gió nên đã khỏe lại nhanh. Có điều, tình huống đó chỉ là một trong rất nhiều nỗi lo, nỗi buồn mà tôi đã trải qua suốt hơn 3 năm con ở xứ người. Chẳng điều gì giống điều gì, hết sợ điện nơi con ở có sự cố vào những hôm thời tiết xuống âm hàng chục độ, máy sưởi không hoạt động được thì làm sao nó chống chọi với cái lạnh chưa từng có ở quê nhà; rồi những ngày ngoài trời đóng băng và những thông tin về khủng bố, về những kẻ điên loạn vô cớ xả súng vào các trường học… đều làm tôi ăn không ngon, ngủ không yên.
“Ở đây không bao giờ mất điện, mẹ đừng lo”; “Tiểu bang con sống bình yên lắm mẹ ơi, không có chuyện chi mô”; “Trường con có 8 bạn người Việt Nam, trong đó có 1 bạn người Huế nên thỉnh thoảng bọn con cùng nấu món ăn Việt cho bớt nhớ nhà”… Đó là những gì con trai có thể an ủi vì nó cảm nhận được nỗi lòng của mẹ. Nhưng rồi, lo lắng chưa phải là tất cả. Không chỉ những bữa cơm, trên bàn tình cờ dọn món ăn con thích khiến mẹ thấy xao lòng…
Đã có lần, tôi cắt ngang sự hào hứng của con khi nó liên tục nói về những điều kiện ăn ở nơi xứ người bằng câu hỏi: “…Còn tình yêu quê hương? Chẳng lẽ quê hương không có gì để con yêu, kể cả mẹ”. Sau phút ngỡ ngàng, con trả lời rất chân tình: “Dạ con yêu quê hương chứ mẹ. Con nhớ nhiều những ký ức tuổi thơ bên gia đình, thầy cô và bạn bè… Nhưng…, mẹ ơi, nếu có điều kiện con vẫn muốn định cư ở đây”.
Không phải là tất cả, nhưng thông qua những lần hội cha mẹ có con du học gặp mặt, số du học sinh có tư tưởng tìm cách định cư ở nước ngoài như con tôi không ít. Các con càng hào hứng với kế hoạch xây dựng cuộc sống nơi xứ người, thì cái cảm giác bị “tuột mất” một điều quý giá như đã thức tỉnh nhận thức của người mẹ. Khác hẳn với những hân hoan cái ngày con nhận thông báo được xét học bổng, rồi ngày đưa con ra phi trường, sự tự tin về những điều tốt đẹp con trẻ sẽ gặt hái được khi đi du học đã che lấp những điều đáng lý một người mẹ phải lường trước khi để con một mình đến với đất nước xa lạ.
Không phải tất cả du học sinh đều có ý định cư ở nước ngoài, cũng chưa có rủi ro nhiều với du học sinh Việt Nam. Và việc phấn đấu để được đi du học vẫn đang là định hướng đúng cho giới trẻ. Nhưng, không phải điều gì cũng tốt đẹp khi để con đi du học nếu không trang bị cho con những kỹ năng để tự chăm sóc mình; và quan trọng hơn cả là nhận thức về tình yêu quê hương để không có sự so sánh lệnh lạc, để người mẹ không cảm thấy hụt hẫng với những quyết định của con sau khi đến nước người.
ĐĂNG VIỆT