ClockChủ Nhật, 01/11/2020 10:03

Đi dọc bắc - nam “săn” rác

TTH - Từ tình yêu thương vô bờ bến với mẹ, Nguyễn Việt Hùng, nhiếp ảnh gia đến từ Hà Nội đã bỏ ra nhiều năm để đi, chụp ảnh và mang thông điệp từ những bức ảnh về rác đến cộng đồng.

Nguyễn Việt Hùng vui cùng trẻ em vùng biển

Rong ruổi khắp bờ biển

Nguyễn Việt Hùng chia sẻ: “Cách đây 5 năm, tôi biết mẹ mình bị ung thư. Từ việc tìm những nguyên nhân gây bệnh, tôi hiểu hơn về rác thải nhựa và tác hại to lớn của nó đối với môi trường và sức khoẻ con người. Đó là một trong những lý do thôi thúc tôi lên đường và thực hiện chuyến đi của mình”.

Rác thải nhựa đã trở thành hiểm họa của loài người. Thời gian phân hủy tùy loại mất hàng chục, hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm. Trong đó, Việt Nam lại là nước thuộc top 5 thế giới về xả thải. Hiểm họa ấy không ở đâu xa mà ngay từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, từ những thói quen của con người… Làm sao để nhắn gửi thông điệp ấy đến với mọi người? Nguyễn Việt Hùng đã dùng kỹ năng và khiếu nhiếp ảnh của mình để hiện thực hóa lời nhắn gửi ấy.

Hành trang rong ruổi hàng nghìn cây số “săn” rác của Nguyễn Việt Hùng 

Nguyễn Việt Hùng đã mất 43 ngày để đi qua 39 tỉnh, thành. Trong đó có 28 tỉnh thành ven biển. Mỗi tỉnh thành anh đi qua, địa hình, phong tục tập quán…đều khác nhau. Nhưng ở đâu, rác thải nhựa cũng ám ảnh nhiếp ảnh gia suốt cả cuộc hành trình. Trải nghiệm khó quên nhất của anh đó là cả một bãi biển dài ngập trong rác ở Ninh Thuận. “Tiếng là bãi biển nhưng cát đều đã bị rác che khuất bởi rác”, anh nói.

Từ chuyến hành trình dài bằng xe máy ấy, năm 2019, Nguyễn Việt Hùng đã tổ chức triển lãm Hãy cứu biển - Save our seas và ra mắt sách Du ký xanh hành trình cứu biển. Những hình ảnh, câu chuyện suốt hành trình ấy đã hướng độc giả và người xem đến một góc nhìn khác của biển (không phải chỉ là những bãi biển cát vàng êm ru, dừa xanh soi bóng. Không phải là mặt nước biển xanh màu huyền thoại, nơi con người và đại dương hòa làm một). Đó là góc nhìn đầy ám ảnh, giản dị nhưng vô cùng chân thực về rác thải, về con người.

Hãy cứu biển

Bức ảnh người đàn ông đang ăn sáng tại Kiên Giang là một ví dụ. Ngay bên người đàn ông đang thưởng thức bữa sáng ngon lành là rác thải ngổn ngang, hầu hết là rác thải nhựa đang bập bềnh theo sóng. Có lẽ người đàn ông đang rất đói, hoặc xót xa hơn, ông đã quen với cảnh này hàng ngày.

Ám ảnh với bữa ăn sáng bên biển rác

Một bức ảnh khác rác xuất hiện ít hơn, nhưng nó lại gợi mở nên câu chuyện không hồi kết về con người và rác. Đó là những xô rác thải được người phụ nữ vô tư đổ xuống biển ngay cạnh nhà mình. Gần đó, những chai lọ, bịch ni lông đang dập dềnh, trôi nổi. Số rác ấy sẽ về đâu trong hàng chục, hàng trăm năm tới. Hay nó sẽ phân hủy, “vào bụng” của cá, tôm và theo con đường đánh bắt để trở về trên bàn ăn của con người.

Trong cuộc hành trình, Nguyễn Việt Hùng đã cùng chiếc xe máy men theo đường biển xứ Huế. Nhiều lần thăm Cố đô, nhưng chuyến hành trình này là lần đầu tiên nhiếp ảnh gia Hà Nội đến với vùng quê. Anh cho biết: “Đến khắp các bãi biển của Huế, tôi vẫn bắt gặp rất nhiều rác thải ra môi trường, nhất là rác thải nhựa. Tình trạng này lại càng nhức nhối ở vùng cảng cá Thuận An”.

Rong ruổi hàng ngàn km bờ biển, chứng kiến nhiều câu chuyện quanh các vấn đề về rác. Anh thẳng thắn: “Tôi nghĩ rằng cần có thêm nhiều thùng rác ở các khu dân cư, cảng cá ven biển. Phải đảm bảo việc thu gom rác thường xuyên, thậm chí nhiều lần trong ngày nếu cần thiết. Kèm theo đó là việc xử phạt nghiêm minh, nhất là những nơi như vùng cảng cá Thuận An”.

Về lâu dài, theo quan điểm của nhiếp ảnh gia “săn” rác, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai là điều quan trọng nhất. Đó là giải pháp để cuộc sống thanh bình ở các khu dân cư ven biển tại Huế và nhiều địa phương khác bền vững.

Vinh dự trở thành Đại sứ Đại dương xanh, Nguyễn Việt Hùng hiện vẫn đang tiếp tục dự án liên quan đến rác thải nhựa. Trong chặng đường dài ấy, anh đã có thêm nhiều cánh tay giúp sức, từ đó tạo nên những “phép màu” nho nhỏ nơi mình đi qua. Bằng cách chia sẻ những bức ảnh con người, dòng sông, bờ biển oằn mình trong rác, rất nhiều nơi đã được dọn dẹp. Từng là bãi biển, con sông ô nhiễm, nhưng giờ đây nơi ấy không còn rác. Nguyễn Việt Hùng tin tưởng: “Hành động mới có thể làm nên thay đổi. Hành động nhặt rác dù nhỏ, nhưng sự thay đổi sẽ vô cùng lớn lao”.

MAI HUẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

20 năm sau vụ 11/9, những bức ảnh vẫn gây chấn động mạnh

Hai mươi năm trước, cả nước Mỹ đã chứng kiến cảnh những chiếc máy bay bị không tặc lao vào Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở TP New York, Lầu Năm Góc ở Washington D.C và một cánh đồng ở TP Shanksville, bang Pennsylvania vào ngày 11/9/2001.

20 năm sau vụ 11 9, những bức ảnh vẫn gây chấn động mạnh
Chú thích lại một bức ảnh

Đầu tháng 3 năm nay, tôi được anh Đỗ Trưởng, Phân xã trưởng TTXVN tại Huế tặng cuốn sách “Thông tấn xã Giải phóng anh hùng” do Nhà Xuất bản Thông tấn phối hợp với một số đơn vị trong ngành biên soạn và phát hành nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) (12/10/1960 - 12/10/2020) và đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân do Đảng và Nhà nước trao tặng.

Chú thích lại một bức ảnh
Chuyện từ những bức ảnh

Hơn 200 hình ảnh, hiện vật về thảm họa chất độc da cam/dioxin được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử (từ ngày 25/10-25/11) trong triển lãm “Da cam – Lương tri và công lý” là lời kêu gọi tất cả mọi người hãy chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Chuyện từ những bức ảnh

TIN MỚI

Return to top