ClockChủ Nhật, 14/06/2020 09:12

Đêm giữa phá Tam Giang

TTH - Khác với khung cảnh nhộn nhịp chợ cá bên đầm phá khi bình minh vừa ló dạng, những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa dưới cánh diều lộng gió khi chiều về, đêm lênh đênh sóng nước trên phá Tam Giang mang dấp dáng điệu buồn khoan thai. Nhịp gõ mạn đò như tiếng lòng của những phận đời gắn mình với sông nước cô liêu.

Thương hiệu cho cá đầm phá Tam Giang - Cầu HaiCanh giữ Tam GiangGió vẫn thổi & đò cứ trôi

“Đêm sông nước buồn lắm. Đi theo tụi tui làm chi” – nhiều ngư dân đã can ngăn khi chúng tôi xin theo đò để trải nghiệm nhịp sống về đêm của những phận đời gắn với câu ca nổi tiếng: “Sợ truông nhà Hồ/ sợ phá Tam Giang”.

Xưa là xóm nhà chồ, nay là bến đò nơi các ngư dân Điền Hải sau một đêm thu hoạch tôm cá ở phá Tam Giang tụ về

Bữa cơm đêm giữa sông nước

Những ngư dân ấy xưa sống trên xóm nhà chồ xã Điền Hải, huyện Phong Điền. Sau ngày tái định cư, họ lên bờ nhưng cái nghề mưu sinh, lênh đênh giữa sóng nước Tam Giang như ăn vận vào cuộc đời, không thể dứt ra. Họ đã trở thành một phần nhân chứng, chứng kiến không biết bao nhiêu vui buồn và một phần lịch sử của vùng phá này.

Sau nhiều cuộc hẹn, xế chiều đầu tháng 6 chúng tôi có mặt để kịp khởi hành chuyến đò đêm với ngư dân lão luyện Trần Tường (51 tuổi, từng là dân xóm nhà chồ). Trước khi về đây, anh Tường dặn dò không cần phải mang theo thứ gì, ngoài một tấm chăn mỏng để đắp lỡ khi đêm về có gió lạnh.

Mọi thứ đã được người đàn ông dạn dày sương gió chuẩn bị. Từ gạo cho đến các loại mắm, muối, tiêu, hành, ớt... và các vật dụng dao thớt, lò than đủ cho một nhóm trên 4 người lênh đênh qua đêm trên phá. Hoàng hôn vừa lặng tắt, anh Tường quay máy nổ rồi hướng đò rẽ nước ra mặt phá, màn đêm từ từ buông xuống. Xa xa, le lói một vài ánh đèn điện của đò bạn.

Trộ nò đêm với rất nhiều tôm, cá bống

Đò chạy được chừng 20 phút, anh Tường tấp vào một dãy nò (làm bằng tre và lưới tạo thành cái bẫy thủy sản hình chữ V)  của mình. “Nhờ mấy anh vò giúp tui mấy lon gạo, rồi nhóm lửa. Cẩn thận nhé, đặt lò trên mũi thuyền, canh hướng gió. Tui đổ cái nò ni, coi có con tôm, con cá nào mình nấu một vài món để ăn. Nếu không đủ tôm cá, qua thêm vài nò nữa, vô tư”, anh Tường nói sau khi vừa tắt máy, thắt đò vào đầu dãy nò nơi có những cột tre lớn đứng trụ.

Tranh thủ mấy việc được “phân công” nhưng khi anh Tường vừa đưa nò lên khỏi mặt nước, ai cũng chăm chú với vẻ mặt hớn hở như chưa bao giờ được chứng kiến cảnh đổ nò. Đúng như thế, trong đoàn chúng tôi, nhiều người chưa biết đến việc đánh bắt trên sông nước là gì, huống gì được trải nghiệm đặc biệt như thế trên phá Tam Giang. Trút nghiêng cái nò ra rổ tre, đủ loại tôm cá lóc nhóc nhảy hứa hẹn một đêm rất nhiều món ngon được chế biến với thủy vị đặc biệt không nơi nào có được.

Khi nồi cơm vừa kịp chín, các món cá bống kho rim, cá dìa nấu canh chua lần lượt được anh Tường đặt lên bếp than rực lửa trong sự cồn cào của những người có mặt trên thuyền. “Đợi chút. 10 phút nữa thôi. Tôi còn chừa lại ít tôm sau giờ cơm mình nướng rồi nhấm nháp”, giọng anh Tường bình thản nhưng khiến cái miệng chúng tôi chóp chép, thòm thèm.

Khi màn đêm đặc quánh, bữa cơm “dã chiến” được dọn xong. Ai cũng lặng lẽ ăn bữa cơm dân dã nhưng ngon đến khó tả. Tiếng xuýt xoa khen vị cá lạ, thịt dày hòa giữa khung cảnh mênh mông, tiếng nước vỗ mạn đò, gió thổi mát lành… “Ngon quá. Lâu lắm rồi mới được ăn một bữa cơm đặc biệt, ở một không gian “sang trọng” như thế”, chàng trai Bùi Triệu Khoa, 27 tuổi, người Huế làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, tấm tắc khen. Khoa lần đầu tiên trải nghiệm “chơi đêm” trên phá Tam Giang, nên mọi thứ khá lạ lẫm, bất ngờ.

Lò than chuẩn bị từ trước để chế biến tôm cá

Sau bữa cơm ấy, đò lại nổ máy chạy ra xa hơn. Thi thoảng gặp đò bạn, những tiếng chào, vẫy tay hỏi thăm khi thấy đoàn khách lạ xuất hiện trên đò anh Tường. Cứ thế, có lúc đò chạy qua tận bên kia phá, nơi có ánh đèn vàng sầm uất giáp bờ Quảng Lợi, huyện Quảng Điền.

“Sao anh chạy tài vậy. Đêm tối đen mà anh vẫn định vị được hướng chạy, rồi không va chạm vào nò sáo nữa”? – câu hỏi của Khoa làm anh Tường ngập ngừng. “Ừ thì như các anh làm nghề chi thì rành nghề nấy thôi. Tui hơn một nửa cuộc đời lênh đênh trên vùng phá này. Nên nhịp chèo, hay lái đò cứ rứa nó thành quán tính. Mà quán tính nớ thì khó nói lắm” – anh Tường lý giải.

Nỗi lo “lộc trời” vơi dần

11g đêm, anh Tường tắt máy, cả nhóm quyết định đưa lò lửa vào giữa thuyền, vừa để lấy chút hơi ấm, vừa để nướng phần tôm để dành. Lật nhẹ từng con tôm chín tới mùi thơm nức mũi, anh Tường hồi tưởng về những ngày xa xưa, cách đây chừng 20 năm về trước. Ngày đó, không riêng gì anh mà với dân vùng phá Tam Giang chạy qua vùng này đó là thời gian huy hoàng của nghề nò sáo, bởi tôm cá nhiều vô kể. “Có đêm tôi kiếm được mấy triệu là chuyện thường. Có bữa đổ nò được cả chục ký cá chình, còn tôm cá thì bao la, giờ nhớ lại mà thèm”, anh Tường kể. Nhờ con tôm, con cá mà người dân ở đây nuôi được con theo đuổi sự học, vào được đại học, ra trường có việc làm.

Trong số 3 người con anh Tường, có một người đã ra trường đi làm đầu bếp cho một nhà hàng ở Đà Nẵng, bé út đang theo học năm 1 Trường ĐH Ngoại ngữ Huế. “Đời tụi tui nghèo khổ rồi. Nên mong con cái học hành tới nơi tới chốn, ít ra có con chữ, rồi có việc làm ổn định. Cầu trời ban lộc, cho người dân mưu sinh, kiếm đồng ra đồng vô, lo cho mấy đứa – anh Tường trải lòng và không thôi lo lắng – Vậy mà có những năm nạn đánh bắt ghe cào, kích điện khiến tôm cá cạn kiệt, người làm nghề tử tế gặp nhiều khó khăn”.

May sao, chính quyền kịp lên tiếng, sắp xếp lại nò sáo, quản lý việc đánh bắt trên phá chặt chẽ hơn. Ngư dân được chia nhau cùng làm chung trộ nò sáo, thay phiên thu hoạch, bảo vệ được nguồn thủy sản mà họ gọi là “lộc trời”. Vui hơn, khi gia đình anh Tường cùng hơn 30 hộ dân xóm nhà chồ nằm sát phá – được xem là xóm nhà chồ cuối cùng trên phá Tam Giang được chính quyền hỗ trợ cấp đất, lên bờ tái định cư sau hàng chục năm tá túc một bên bờ đập, bên kia giáp con nước của phá.

Bữa cơm thú vị với những vị khách lần đầu tiên trải nghiệm sông nước

Ngồi cạnh chúng tôi, chị Hiền – vợ anh Tường trầm ngâm, nhưng khi nhắc đến con tôm, con cá chị nói với giọng hàm ơn phá Tam Giang. Chị bảo rằng, mình ít học nhưng hay nghe người ta đọc câu ca “…sợ phá Tam Giang” mà lòng hơi chạnh. Sinh ra, lớn lên rồi nên duyên vợ chồng bên phá Tam Giang, mấy đứa con ăn học được cũng nhờ con tôm, con cá vùng nước này nên với chị đó là ân nhân, người mẹ hiền của thiên nhiên. “Nếu không có phá Tam Giang chắc gì có tụi tui. Tụi nhỏ sau này mình không biết răng, chứ đời vợ chồng tôi sống nhờ phá”, chị Hiền nói.

Giữa cuộc vui, chúng tôi ngỏ ý mời vợ chồng anh chị lên phố ở lại đêm để đi chơi phố Tây, thăm Đại Nội, lăng vua… cả hai vợ chồng cười ồ, thú thật chưa bao giờ đến những địa danh ấy. Lưỡng lự một hồi cả hai nhìn nhau đồng ý, nhưng vẫn ngần ngại vì chưa quen ngủ phố bao giờ.

Cuộc vui cứ thế cho đến khi trời khuya dần rồi lăn ra ngủ từ khi nào không hay. 4g sáng khi lữ khách vẫn còn mơ màng, đâu đó tiếng bạn nghề trên phá gọi nhau í ới, hỏi thăm trộ nò sáo của ngày mới có bội thu. Cứ thế, bạn đò hướng về bến – nơi thương lái từ nhiều nơi đổ về chờ từ tinh mơ để thu mua trước khi tỏa đi muôn ngã, đem sản vị phá Tam Giang lên nhiều bàn ăn từ bình dân đến sang trọng.

Còn chúng tôi, rời phá Tam Giang trong niềm cảm xúc lâng lâng khó tả. Và tất nhiên, sẽ chờ đón vợ chồng anh Tường, chị Hiền như lời mời: Hãy thử rời phá một đêm!

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thời tiết ngày 20/12: Bắc Bộ đêm và sáng trời rét, gió mạnh trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/12, Bắc Bộ tiếp tục rét đậm, vùng núi rét hại, với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 7-10 độ C, riêng các khu vực núi cao như Mẫu Sơn, Sa Pa có thể xuống dưới 5 độ C, nguy cơ xuất hiện sương muối. Ban ngày trời hửng nắng nhẹ nhưng vẫn duy trì cảm giác rét buốt.

Thời tiết ngày 20 12 Bắc Bộ đêm và sáng trời rét, gió mạnh trên biển
Mùa nước nổi bên chân phá

Với những ai sống bên vùng chân phá Tam Giang, hẳn là năm nào cũng trải qua một vài đợt lũ lụt. Mùa lũ lụt tất nhiên sẽ hằn thêm nhiều lo âu về đảm bảo an toàn cho tài sản, tính mạng, nhưng cũng là cơ hội để ngư dân tăng thu nhập, bởi mỗi mùa con nước lên sẽ mang theo nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Mùa nước nổi bên chân phá
Đầm Cầu Hai

“Rất khó để lột tả hết vẻ đẹp của đầm Cầu Hai. Có thể nói đây như là một vật báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất Huế. Đây cũng là nơi mà ai đã đến thì cũng không muốn về…” – Đó là những lời “có cánh” của trang elephant travel (Công ty Du lịch Con Voi) dành cho đầm Cầu Hai, một địa danh du lịch nổi tiếng thuộc địa phận huyện Phú Lộc, cách TP. Huế khoảng 40km.

Đầm Cầu Hai
Hoàng hôn trên phá Tam Giang

Hoàng hôn trên phá Tam Giang có gì thú vị? Bạn đặt câu hỏi khi tôi nói rằng vừa mới rời khỏi phá Tam Giang và đã có dịp ngắm hoàng hôn ở đó. Tôi muốn nói với bạn thật nhiều điều nhưng lạ thay phút chốc tôi lại chẳng biết phải nói từ đâu, từ khoảnh khắc nào. Bởi, nếu ai từng đến phá Tam Giang, tận hưởng từng phút giây mới có thể hiểu được nỗi lòng.

Hoàng hôn trên phá Tam Giang

TIN MỚI

Return to top