ClockThứ Hai, 02/09/2024 06:40

Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên

TTH - Bàn Môn - vùng quê cách mạng, một trong những nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng nông thôn của tỉnh trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Và cứ đến mỗi mùa thu, bao ký ức về những ngày đấu tranh, giành chính quyền về tay Nhân dân lại ùa về.

Đoàn kết, đồng lòngLộc Bình cần tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát triển đảng viên mớiKhởi công Bia ghi dấu địa điểm thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Nam Phong Điền

 Ông Lê Đức Chính, Bí thư Chi bộ thôn Nam (làng Bàn Môn) bên tấm bia ghi dấu những ngày đầu thành lập Chi bộ Bàn Môn

Những ngày gian khó nhưng rất đỗi tự hào

Chúng tôi về làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc vào những ngày mùa thu tháng Tám. Dẫn chúng tôi đi trên những con đường bê tông rợp bóng cây xanh đến đình Bàn Môn, ông Lê Đức Chính, Bí thư Chi bộ thôn Nam, làng Bàn Môn thông tin: “Năm 1930, đình Bàn Môn được chọn làm địa điểm tổ chức thành lập Chi bộ Đảng do đồng chí Lê Bá Dị làm Bí thư. Đây là một trong những Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Thừa Thiên Huế (cùng với Chi bộ Phước Tích, huyện Phong Điền). Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Bàn Môn, phong trào đấu tranh cách mạng của xã Lộc An giai đoạn 1930 - 1945 diễn ra rầm rộ, mạnh mẽ”.

Những người cao niên trong làng Bàn Môn ai cũng tự hào khi nơi đây còn là cái nôi cách mạng trong cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay Nhân dân năm 1945.

Là một trong những vị cao niên sinh ra và lớn lên trên vùng đất Bàn Môn, ông Hoàng Trọng Linh, trú tại thôn Nam hiểu rõ hơn ai hết giá trị mà cha ông để lại. “Chúng tôi luôn kể với con cháu trong làng về lịch sử của vùng đất. Đó là vào năm 1944, Chi bộ Bàn Môn đã tổ chức được lực lượng tự vệ xung phong. Ngày 18/8/1945, tại Bàn Môn, Việt Minh huyện Phú Lộc thành lập Ủy ban Khởi nghĩa và quyết định giành chính quyền ở Huyện đường Cầu Hai, sau đó tỏa về giành chính quyền ở các xã, thôn còn lại”.

Trong câu chuyện chắp nối vì tuổi cao, sức yếu, ông Nguyễn Văn Đào, trú tại làng Bàn Môn chia sẻ: Lịch sử truyền thống của làng viết, trong những ngày giành chính quyền, tự vệ các thôn dùng loa loan báo cho Nhân dân tập trung về tại đình làng Bàn Môn để kéo về huyện. Nhân dân chuẩn bị sẵn sàng giáo mác, gậy tầm vông vót nhọn, dao bầu mài sắc, dây trói... đua nhau đổ ra Quốc lộ 1 tập trung, chờ hiệu lệnh là kéo xuống huyện giành chính quyền.

Đúng 4 giờ sáng ngày 19/8/1945, sau khi nghe hiệu lệnh, Nhân dân kéo về huyện, vây chặt Huyện đường ở Cầu Hai. Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền phong kiến tay sai và ách đô hộ Nhật, Pháp, thành lập chính quyền cách mạng. Ngày 30/8/1945, Nhân dân làng Bàn Môn và xã Lộc An cùng hàng vạn đồng bào trong tỉnh tập trung trước cửa Ngọ Môn chứng kiến lễ thoái vị của vua Bảo Đại, kết thúc nền cai trị suốt gần 100 năm đô hộ của chế độ thực dân phong kiến, mở ra một trang sử mới, một kỷ nguyên mới.

Đình Bàn Môn - điểm di tích lịch sử giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước 

Ngày mới ở Bàn Môn

Đã 79 năm trôi qua kể từ những ngày đấu tranh gian khó giành chính quyền về tay Nhân dân. Con sông Truồi vốn đã trong xanh, giờ càng thanh bình, êm ả. Chính sự đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng và luôn nỗ lực vươn lên của người dân nơi đây đã giúp Bàn Môn nói riêng và xã Lộc An nói chung đổi thay rất nhiều.

Ông Trần Hữu Quốc, Trưởng thôn Nam, làng Bàn Môn cười vui: “Chưa nói đến chuyện giàu nghèo, điều mà con dân trong làng đều tự hào là nơi có nhiều nhân vật tiêu biểu, nổi tiếng. Đó là các đồng chí: Hoàng Văn Diễn, Lê Văn Dõng, Hoàng Đức Trạch, Lê Bá Dị - người đảng viên cộng sản đầu tiên của huyện Phú Lộc - Bí thư Chi bộ đầu tiên của làng Bàn Môn, Lê Đức Anh - Đại tướng, Chủ tịch nước… Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, đình Bàn Môn là những điểm di tích lịch sử, văn hóa, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng để giúp các thế hệ trẻ trân quý hơn sự độc lập, tự do của dân tộc”.

Đi trên những tuyến đường bê tông thoáng đẹp, ông Trần Hữu Quốc kể: “Các loại cây trái chủ lực, nức tiếng như mít, dâu, chè Truồi... vẫn được người dân nơi đây bảo tồn”. Rồi ông ngâm nga câu ca dao với vẻ rất tự hào: “Xứ Truồi ngọt mít thơm dâu/ Ai đi đến đó lòng không muốn về” ...

Không chỉ phát triển nông nghiệp, người dân còn đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên đầm Cầu Hai và các con sông, trong đó có dòng sông Truồi. Đời sống người dân nơi đây từng bước đổi thay. Hộ nghèo giảm đáng kể, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

63 đảng viên sinh hoạt tại 5 chi bộ Đảng ở làng Bàn Môn là những “hạt nhân” đi đầu trong các phong trào tại địa phương. Sự tích cực, gương mẫu của cán bộ, đảng viên là truyền thống quý báu được phát huy cho đến hôm nay.

“982 hộ, 3.874 nhân khẩu ở 5 thôn của làng Bàn Môn luôn chung sức, đồng lòng, cùng sát cánh với cấp ủy, chính quyền địa phương để xây dựng nông thôn mới nâng cao. Họ tự hào khi là con dân của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Bàn Môn lại có thêm những sức sống mới”, Bí thư Đảng ủy xã Lộc An – Hồ Văn Kỳ tự hào.

Làng Bàn Môn hiện có 14 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 111 liệt sĩ, 29 gia đình có công với cách mạng. Những năm 1944 - 1945, đình Bàn Môn là một trong những địa điểm tổ chức mít tinh bí mật hưởng ứng chủ trương kháng Nhật cứu nước của Mặt trận Việt Minh. Những ngày tiền khởi nghĩa, đình Bàn Môn là địa điểm tập trung huấn luyện tự vệ chiến đấu chuẩn bị giành chính quyền về tay Nhân dân. Sau ngày Tổng khởi nghĩa thắng lợi, đình Bàn Môn là trụ sở của Mặt trận Việt Minh và Ủy ban Nhân dân cách mạng xã Đại Thành (tên cũ của xã Lộc An). Đình làng là nơi hội họp phát động các phong trào: “Hũ gạo cứu đói”, “Hũ gạo nuôi quân”, “Tuần lễ đồng”, “Tuần lễ vàng”; nơi bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (6/1/1946).
Phong Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố Quyết định thành lập Đảng bộ huyện Phú Lộc trực thuộc Đảng bộ thành phố Huế

Sáng 1/1, Thành ủy Huế tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Đảng bộ huyện Phú Lộc trực thuộc Đảng bộ thành phố Huế, trên cơ sở sáp nhập Đảng bộ huyện Nam Đông và Đảng bộ huyện Phú Lộc (cũ). Đến dự lễ công bố có các UVTV Thành ủy: Phan Xuân Toàn, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; Đặng Ngọc Trân, Trưởng ban Nội chính Thành ủy.

Công bố Quyết định thành lập Đảng bộ huyện Phú Lộc trực thuộc Đảng bộ thành phố Huế
Đổi tên Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thành Bộ Chỉ huy quân sự TP. Huế

Ngày 30/12, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ Quốc phòng về việc thay đổi tên gọi đơn vị, sáp nhập, giải thể và thành lập mới. Tham dự có Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

Đổi tên Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thành Bộ Chỉ huy quân sự TP Huế

TIN MỚI

Return to top