ClockThứ Hai, 06/02/2023 15:54

Cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, chống tham nhũng, tiêu cực

TTH - Ngày 8/11/2022 Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 27-TW/NQ về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”. Đây là một trong những nội dung quan trọng của Đại hội 13 và đã được Hội nghị Trung ương 6 ban hành. Trong đó, vấn đề “Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” được đặt ra trở thành vấn đề cấp thiết.

Quan điểm về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú TrọngĐể Hội đồng nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phươngQuốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

1. Cùng với cơ chế kiểm soát kinh tế, cơ chế kiểm soát quyền lực là những yếu tố quan trọng ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, không để quyền lực công bị tha hóa. Nghị quyết 27 yêu cầu thiết lập cơ chế mới là những giải pháp kiểm soát quyền lực Nhà nước theo nguyên tắc: Mọi quyền lực phải được kiểm soát bằng cơ chế, trách nhiệm, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của cơ quan quản lý và người thi hành công vụ.

Vài nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định về kiểm soát quyền lực nhưng chỉ mới làm trong Đảng, chưa thành cơ chế của Nhà nước, cơ chế kiểm soát chung. Từ thực tế đó, Trung ương đặt ra vấn đề hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một đòi hỏi tất yếu.

Thời gian qua, phần lớn cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật, truy tố chủ yếu là do lợi dụng chức vụ và quyền hạn được giao để cố ý làm trái, tham nhũng, tiêu cực. Nhiệm kỳ Đại hội 13 mới đi chưa được nửa chặng đường, nhưng đã có hàng chục Ủy viên Trung ương và cán bộ cấp cao bị kỷ luật, truy tố hình sự. Đặc điểm chung của vi phạm chủ yếu là người đứng đầu hoặc có trách nhiệm chính trong các cơ quan công vụ, các tổ chức trong hệ thống chính trị. Bên cạnh tha hóa về đạo đức, lối sống, cá nhân chủ nghĩa thì tập trung quyền lực quá lớn mà không bị ràng buộc bởi cơ chế kiểm soát sẽ biến họ trở thành người lợi dụng quyền lực để trục lợi. Có những trường hợp vi phạm kéo dài nhiều năm không được phát hiện mà nguyên nhân trực tiếp do trong từng tổ chức không dám đấu tranh, các cơ quan chức năng dưới quyền không dám thanh tra, kiểm tra, giám sát... chỉ vì cơ chế chưa rõ ràng.

Bộ Chính trị đã có Quy định 205-QĐTW về kiểm soát quyền lực, nhưng chỉ mới “kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền”. Các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng chưa đủ thẩm quyền, bị lệ thuộc quan hệ hành chính, quan hệ trên - dưới. Trong khi người đứng đầu, người giữ vị trí cao có tác động, chi phối, ảnh hưởng quyền lợi chính trị, kinh tế đối với cán bộ dưới quyền. Những vụ vi phạm ở Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Gia Lai… vừa qua phần lớn là những người đứng đầu trong Đảng, chính quyền, có quyền lực cao nhất ở địa phương vi phạm là từ nguyên nhân đó.

2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở: Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế. Nguyên tắc đặt ra: Quyền lực phải kèm trách nhiệm, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn; lợi dụng quyền lực để vi phạm phải bị xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ. Thế nhưng, đến nay chúng ta chưa có cơ chế mang tính tổng thể, thống nhất về kiểm soát quyền lực Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đảng đã ban hành hàng chục văn bản, quy định thể hiện tính kiên quyết mạnh mẽ, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng, các cơ quan Nhà nước đã có nhiều quy định ở các lĩnh vực khác nhau nhưng về cơ chế thống nhất vẫn còn những hạn chế. Cơ chế ràng buộc, giám sát giữa cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, giữa Trung ương với địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới… đang còn những bất cập.

Cơ chế: "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" thì người dân phải được tham gia kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, tham gia thế nào là vấn đề nhạy cảm, không phải lĩnh vực và lúc nào cũng có thể tham gia, khó thực thi trên thực tế. Nhân dân thông qua đại biểu đại diện mình bầu ra các cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng nếu làm không khéo lại hình thành “vô tổ chức”, “vô chính phủ” khi có kẻ lợi dụng dân chủ để gây rối chính trị. Nhân dân ủy nhiệm cho người đại biểu thay mặt mình, nhưng không có cơ chế kiểm soát dễ nảy sinh nguy cơ mất luôn quyền kiểm soát nếu người đại diện là chủ thể của tham nhũng.

Muốn Nhân dân kiểm soát được quyền lực Nhà nước thì chức năng của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội cũng cần phải được đổi mới cho phù hợp và đi vào thực chất hơn. Chúng ta đã có nhiều quy định liên quan đến vai trò kiểm soát, giám sát, phản biện xã hội thì phải có cơ chế để các tổ chức này làm nòng cốt kiểm soát, phản biện. Quản lý Nhà nước đối với cơ quan tư pháp đang còn chịu ràng buộc bởi quan hệ giữa quản lý của Đảng, Nhà nước và thực thi theo pháp luật. Hiện nay đã có những quy định, chế tài pháp luật rõ ràng hơn trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xây dựng pháp luật… nhưng cần phải được quy định đồng bộ, thống nhất theo nguyên tắc các cơ quan tư pháp chỉ tuân theo pháp luật. Cơ chế này phải rành mạch, không lệ thuộc vào chỉ đạo mang tính cá nhân của người lãnh đạo hành chính nếu không minh bạch.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 9/12/2022 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm trưởng ban. Đó là cơ sở bước đầu từng bước hình thành cơ chế trong cơ quan quản lý Nhà nước.

Khi đã có được cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hy vọng nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng thống nhất, hiệu quả hơn, đáp ứng được kỳ vọng của Nhân dân.

NGUYỄN AN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường phòng, chống tội phạm tại Bệnh viện Trung ương Huế

Ngày 2/1, Ban Thanh niên Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã phối hợp với Phòng Quản lý dịch vụ buồng bệnh, cơ sở vật chất và Bảo vệ cùng Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế triển khai có hiệu quả Công trình thanh niên “Phòng chống tội phạm tại Bệnh viện Trung ương Huế”. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “3 trách nhiệm” của tuổi trẻ Công an thành phố trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo tốt an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Tăng cường phòng, chống tội phạm tại Bệnh viện Trung ương Huế
Tạo chuyển biến trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Chiều 31/12, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết công tác ngành nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTNLPTC) cấp tỉnh năm 2024; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Tạo chuyển biến trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

TIN MỚI

Return to top