ClockThứ Hai, 20/01/2025 14:37

Tưởng niệm 124 năm ngày mất thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh

TTH.VN - Tại Di tích địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan ở núi Bân (phường An Tây, Quận Thuận Hóa), sáng 20/1, Bảo tàng Hồ Chí Minh TP. Huế đã tổ chức lễ dâng hương, tưởng niệm 124 năm ngày mất bà Hoàng Thị Loan (1901-2025) – thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Người mẹ Làng Sen”: Tái hiện quãng thời gian sâu đậm Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình ở Huế “Người mẹ làng Sen”- Câu chuyện thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí MinhChuyện hiếu nghĩa của chị em Bác Hồ 

UVTV Thành ủy,  Bí thư Quận ủy Thuận Hóa Phan Thiên Định dâng hương tưởng niệm 124 năm ngày mất bà Hoàng Thị Loan 

Đến dự có UVTV Thành uỷ, Bí thư Quận ủy Thuận Hoá Phan Thiên Định; cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa. Các đại biểu tham dự đã dành một phút mặc niệm trước khi dâng hương, hoa lên người mẹ hiền đã nuôi dưỡng, kết tinh nên tâm hồn và đạo đức trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại buổi lễ, bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh TP. Huế đã điểm lại những mốc son quan trọng của cuộc đời bà Hoàng Thị Loan, đặc biệt là những năm tháng sống tại vùng đất Cố đô Huế.

Bà Hoàng Thị Loan sinh năm Mậu Thìn (1868) tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Là con gái cả của cụ đồ nho Hoàng Xuân Đường và bà Nguyễn Thị Kép, từ nhỏ bà được cha mẹ bảo ban, dạy dỗ, lớn lên trở thành người con gái thông minh, xinh đẹp, thảo hiền, nết na, hội đủ cả “công, dung, ngôn, hạnh”.

Bà lập gia đình với ông Nguyễn Sinh Sắc - là học trò nghèo mồ côi cả cha lẫn mẹ, được cụ Hoàng Xuân Đường đem về nuôi dưỡng và dạy học. Năm 1884, bà sinh con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh; năm 1888, sinh người con thứ hai Nguyễn Sinh Khiêm; năm 1890, sinh người con thứ ba Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh); năm 1900, sinh người con thứ tư Nguyễn Sinh Nhuận (hay còn gọi là bé Xin). Do cuộc sống vất vả, nên sau khi sinh, bà lâm bệnh nặng và qua đời ở tuổi 33 vào ngày 10/2/1901 (tức 22 tháng Chạp, năm Canh Tý) tại Huế và được an táng ở triền núi Bân, nay thuộc phường  An Tây, quận Thuận Hóa - là địa điểm di tích ngày nay.

Năm 1922, cô Nguyễn Thị Thanh (chị gái của Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong thời gian bị quản thúc tại Huế đã dời hài cốt của mẹ về an táng ở quê nhà Nghệ An.

Người đời sau đã ca ngợi nhiều đức tính tốt đẹp của bà, là người vợ, người mẹ tiêu biểu cho mọi người mẹ, người vợ Việt Nam. Nhưng ở bà có một phẩm chất vượt trội hơn những phẩm chất của người vợ, người mẹ truyền thống đương thời đó là lòng dũng cảm.

Là một phụ nữ nông thôn thuần phác, sinh ra và lớn lên gắn liền với đồng ruộng, vừa đến tuổi cập kê đã lập gia đình, chưa một lần bước ra khỏi luỹ tre làng. Vì chồng, bà sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống bấp bênh nơi kinh thành, thay đổi hẳn tập quán sinh sống, từ người làm ruộng trở thành người chuyên làm nghề thủ công và buôn bán. Từ sự tần tảo "thức khuya dậy sớm" của bà mà gia đình nhỏ bé của bé của bà có thể duy trì được cuộc sống sinh hoạt hàng ngày trong suốt 6 năm trên đất Huế.  

Cuộc đời của bà tuy ngắn ngủi, nhưng bà đã để lại cho đời sau một nhân cách, phẩm giá cao đẹp, tâm hồn thanh tao, đậm đà văn hóa Việt và đặc biệt là những người con tài ba lỗi lạc, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân.

 Dâng hương tưởng niệm 124 năm ngày mất bà Hoàng Thị Loan (1901-2025) – thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo bà Chi, phát huy các giá trị di sản tinh thần và vật chất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người trên đất TP. Huế là nguyện vọng của đông đảo quần chúng Nhân dân. Vì thế, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện lòng biết ơn và kính yêu sâu sắc của Nhân dân, của Đảng đối với Người.

Công trình Nhà bia tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan được xây dựng năm 1990 ngay trên vị trí huyệt mộ của bà, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, là đạo lý muôn đời, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tuy thi hài của bà Hoàng Thị Loan đã được cải táng đưa về quê nhà Nghệ An, nhưng suốt 22 năm an nghỉ trên đất Huế, linh hồn và máu thịt đã hòa quyện, thấm sâu vào mảnh đất này.

“Nhân kỷ niệm 124 năm ngày mất của bà Hoàng Thị Loan, chúng ta cùng thành kính dâng nén hương thơm tưởng nhớ, tri ân người phụ nữ truyền thống Việt Nam đảm đang, chung thủy, nhân hậu; người mẹ kính yêu đã có công sinh thành và dưỡng dục người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa - Hồ Chí Minh”, bà Chi nhấn mạnh.

Ngay sau lễ tưởng niệm ở Di tích địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan ở núi Bân, Bảo tàng Hồ Chí Minh các đại biểu cũng đã tham dự lễ giỗ bà Hoàng Thị Loan diễn ra tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (158 Mai Thúc Loan, P. Thuận Lộc, Q. Phú Xuân).

N. MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tết trồng cây dịp xuân Ất Tỵ năm 1965

Mỗi năm, khi mùa xuân đến, chúng ta lại nhớ Tết trồng cây – một phong trào do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của chúng ta trong hơn 6 thập niên qua. Ngày 1/1/1965, Báo Nhân Dân số 3928 đăng bài báo của Bác về Tết trồng cây...

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tết trồng cây dịp xuân Ất Tỵ năm 1965
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Văn hóa, con người Huế là nguồn lực, sức mạnh mềm

Từ những giá trị to lớn, toàn diện và sâu sắc trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và Nhân dân thành phố Huế đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn để đưa thành phố phát triển một cách đồng bộ và toàn diện. Trong đó, vấn đề văn hóa và con người được hết sức coi trọng xem đây là sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển nhanh, bền vững, toàn diện.

Văn hóa, con người Huế là nguồn lực, sức mạnh mềm
55 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA BÁC HỒ (9/1969 - 9/2024)
Dân là chủ và dân làm chủ

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng đến mục tiêu cao nhất “Dân tộc độc lập – dân quyền tự do – dân sinh hạnh phúc”

Dân là chủ và dân làm chủ

TIN MỚI

Return to top