ClockThứ Hai, 11/11/2019 14:15
20 năm “đại hồng thủy” 1999

Thông tin liên lạc những ngày trong lũ

TTH - Trận lũ lịch sử 1999 để lại nhiều thiệt hại nặng nề là ký ức không thể nào quên đối với những người trực tiếp tham gia và chỉ đạo đảm bảo thông tin liên lạc.

Những ngày tháng khó quênDấu ấn công trình “chống lũ”

Ông Dương Tuấn Anh giới thiệu các thiết bị phục vụ liên lạc trong lũ 1999

Trực tiếp chỉ huy công tác đảm bảo thông tin liên lạc những ngày trong lũ, nguyên Giám đốc Viễn thông-VNPT tỉnh Dương Tuấn Anh (thời điểm đó là Phó Giám đốc Bưu điện kiêm Giám đốc Công ty Điện báo điện thoại tỉnh) nhớ lại: Năm 1999, cùng với các đơn vị trong ngành, Bưu điện Huế đã thực hiện “số hoá mạng lưới và thiết bị”. Vì vậy, toàn tỉnh đã có điện thoại số hoá chứ không phải analog, tất cả tổng đài được hiện đại hoá… Nhưng chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, lũ dâng nhanh đã gây ngập toàn bộ. Tại trụ sở VNPT và Bưu điện tỉnh hiện nay, nước lũ làm ngập hệ thống nguồn, thông tin liên lạc toàn tỉnh hầu như tê liệt. 

Từ trụ sở UBND tỉnh, “Văn phòng chỉ huy” được chuyển về Bưu điện tỉnh (nơi duy nhất có điện) để nối liên lạc chỉ đạo chống lũ. Lúc này chúng tôi đã có phương án dự phòng và lập tức thiết lập 9 đường dây nóng cùng hệ thống vô tuyến hiện có để liên lạc điều hành trong lũ. Chính các đường dây này giúp lãnh đạo tỉnh liên lạc thường xuyên với Trung ương để báo cáo tình hình, nhận chỉ thị và giữ liên lạc với các huyện, thị.

Ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, người trực tiếp chỉ đạo xử lý tình huống trong lũ lịch sử 1999 vẫn nhớ như in những ngày lũ “bủa vây tứ phía” và hệ thống liên lạc bị “đứt”. Ông kể: “Sau khi khôi phục được liên lạc, tôi báo cáo tình hình và yêu cầu Chính phủ có phương án cứu hộ, hỗ trợ, chi viện cho Thừa Thiên Huế. Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam biết Huế “vô phương cứu chữa” đã yêu cầu chi nhánh Đà Nẵng tìm cách mang một số điện thoại cầm tay ra chi viện. Thời điểm này, nhiều đoạn quốc lộ ngập sâu, nhân viên bưu chính viễn thông phải đi lần theo tuyến đường sắt để đưa bằng được điện thoại ra đến Huế.

Khi nước rút dần, lực lượng kỹ thuật mới khôi phục các điểm liên lạc “nhưng do thông tin thường xuyên gián đoạn, chúng tôi phải kết hợp những phương tiện ít ỏi, vừa sử dụng vô tuyến vừa dùng ghe, thuyền, cano của công an và quân sự để lấy thông tin. Trong lũ, khi các lực lượng khác chưa tiếp cận được, VNPT đã đến đầu tiên để chi viện cho chúng ta và bưu điện tỉnh có công lớn trong việc đảm bảo liên lạc, khắc phục nhanh sự cố phương tiện tại chỗ, chi viện kịp thời phương tiện giúp việc chỉ đạo điều hành thông suốt, kịp thời”, ông Mễ nói.

Trước đó, dù đã có sự chủ động, chuẩn bị nhưng do mưa to, lũ lớn, tốc độ diễn biến nhanh đã làm cho 56/66 Bưu cục cấp I, II, III ngập sâu trong nước từ 1,2 đến 3 mét; 35/36 điểm bưu điện văn hoá xã bị ngập. Toàn bộ khu vực Bưu điện tỉnh tại trung tâm thành phố ngập trên 1,2m; các tổng đài ở Huế cùng các huyện cũng trong tình trạng tương tự.

Giám đốc Bưu điện tỉnh lúc đó phải điện báo khẩn cấp ra lãnh đạo Tổng công ty xin được ngừng tổng đài để bảo toàn thiết bị. Cầm cự được đến trưa 2/11 thì gần như toàn bộ mạng điện thoại cố định trong tỉnh bị tê liệt. Lũ lớn đã cuốn trôi và nhấn chìm trên 700km đôi dây thuê bao và trên 15 ngàn máy điện thoại; hơn 250km cáp các loại từ 50 đôi đến 200 đôi bị đứt, trôi; trên 300 tủ cáp và gần 6 ngàn hộp cáp đầu mối bị ngập…

Theo ông Dương Tuấn Anh, ngoài Ban Chỉ huy phòng chống lũ lụt tại Bưu điện tỉnh, các công ty, bưu điện huyện, lực lượng xung kích ứng cứu cũng được huy động tối đa và khẩn trương triển khai các công việc đảm bảo thông tin liên lạc trong tình thế khẩn cấp.

Sau lũ, toàn ngành Bưu chính - viễn thông (khoảng 600 nhân viên) lập tức khôi phục hệ thống nguồn, sửa chữa máy móc, thiết bị hư hỏng… để đưa các tổng đài trung tâm Huế (3/11) và các huyện phía Nam cùng Nam Đông, A Lưới hoạt động trở lại (4/11). Ngày 5/11, ba huyện phía Bắc khôi phục được liên lạc với Huế. Đến 9/11, điểm kỹ thuật cuối cùng ở bưu cục 3 Lộc Sơn (Phú Vang) được khôi phục xong. Ngày 10/11, 18.000/26.000 máy điện thoại hoạt động trở lại.

Trận lũ cũng làm tuyến cáp nội tỉnh có dung lượng 600 đôi từ Thuận An về xã Phú Thuận, Phú Hải… bị cuốn trôi ra biển, gần 400 máy điện thoại cố định của vùng này mất liên lạc. Sau khi được chi viện thiết bị, thông tin liên lạc đường dài ở đây được nối thông suốt. Đến chiều 14/11, toàn bộ mạng viễn thông của tỉnh được khôi phục, vượt trước thời hạn 15/11 mà Chính phủ yêu cầu.

Trong khi mạng điện thoại chìm trong nước lũ, các mạng di dộng VinaPhone, MobiFone, mạng vô tuyến dự phòng Conan, Kenwood đã phát huy hết công suất. Nhân viên Bưu điện tỉnh và các huyện đã bám đài, bám máy suốt 24/24h, giữ liên lạc thường xuyên với Trung ương và chuyển tải các thông tin từ sở chỉ huy chống lũ lụt tỉnh đến các huyện, xã để chỉ huy cứu hộ, cứu nạn cho dân.

Theo thống kê, sau trận đại hồng thuỷ, thiệt hại về cơ sở hạ tầng và mạng lưới bưu chính- viễn thông của Bưu điện tỉnh ước tính trên 25,5 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lượng khí thải carbon từ cháy rừng toàn cầu tăng 60% trong 20 năm

Tờ Bloomberg ngày hôm nay (18/10) có bài viết cho hay, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ các vụ cháy rừng đã tăng 60% trên toàn cầu kể từ năm 2001, trong bối cảnh ngày càng có nhiều đám cháy lớn hơn bùng phát ở những khu vực nóng lên nhanh chóng bên ngoài vùng nhiệt đới.

Lượng khí thải carbon từ cháy rừng toàn cầu tăng 60 trong 20 năm
Dấu mốc của di sản Huế

Tối 17/6, UBND tỉnh long trọng tổ chức kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam trở thành di sản của nhân loại.

Dấu mốc của di sản Huế

TIN MỚI

Return to top