ClockThứ Bảy, 30/06/2018 06:30

Tăng lương khó tác động đến thị trường

TTH - Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở tăng 1.390.000 đồng/tháng, thay cho mức cũ là 1.300.000 đồng/tháng. Theo đánh giá, mức tăng này khó tác động lên thị trường, giá cả.

Tăng lương, tăng kiểm soát giáMức đóng BHXH, BHYT của người lao động bắt đầu thay đổi từ ngày 1/7Các mức chi trả bảo hiểm y tế sẽ tăng từ 1/7

Cán bộ hưu trí nhận lương tại hệ thống bưu điện. Ảnh: Internet

Nhiều đối tượng được tăng lương

Theo đó, có 9 nhóm đối tượng được tăng lương, phụ cấp. Đó là cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố...

Đa phần cán bộ, công chức sống bằng đồng lương là chủ yếu nên mỗi khi tăng lương, ai cũng mừng. Mừng vì mức lương sẽ được điều chỉnh tăng lên theo quy định và thu nhập cũng tăng theo. Chị Xuân Sang, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP. Huế, cho hay: “Vợ là giáo viên, chồng là công chức nhưng mức lượng hiện tại của vợ chồng tôi không đủ trang trải nuôi con. Tôi phải tranh thủ làm thêm, bán hàng online mới đủ sống. Bây giờ lương tăng, dù không phải quá nhiều nhưng cũng đỡ đần được phần nào”.

Từ 1/7, nhiều đối tượng hưởng lương nhà nước được tăng lương

Cũng từ 1/7, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công cũng tăng. Ông Hồ Ngọc Sinh, Trưởng phòng Lao động tiền lương - Bảo hiểm xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Mức tăng là 6,92% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6 năm 2018. Áp dụng với 8 đối tượng sau: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, quân nhân, công an Nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn, quân nhân, công an Nhân dân đang hưởng trợ cấp; người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng...”.

Là cán bộ hưu trí, mỗi khi nghe tăng lương, mệ Minh Văn (phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) vui lắm. Mệ Văn kể: “Khi mới về hưu cách đây gần 20 năm, lương hưu của mệ chẳng đáng là bao. Qua nhiều lần tăng lương, đến nay, mức lương hưu đủ cho mệ sinh sống, còn trích lại được một khoản để dành những lúc đau ốm”.

Mức tăng khó tác động lên thị trường

Việc điều chỉnh tăng lương cơ sở theo lộ trình hàng năm là nỗ lực của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu mức lương sẽ là thu nhập chính, đảm bảo đời sống cho người hưởng lương. Tuy nhiên, điệp khúc tăng lương - tăng giá trước đây đang khiến khá nhiều người lo ngại. Lo vì trước đây, vừa tăng lương thì giá cả các mặt hàng tăng theo. Và lo hơn nữa, khi lương tăng được vài chục ngàn đồng thì một số loại thuế, phí cũng điều chỉnh tăng.

Chị Sang lo lắng: “Cũng như những đợt điều chỉnh lương trước đây, tôi khá lo lắng về việc giá cả các mặt hàng sẽ tăng theo lương. Mức tăng lương cơ sở hiện nay vẫn chưa bảo đảm nhu cầu sống cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức. Nếu lương chỉ tăng 90.000 đồng/tháng mà giá cả lại đội lên thì việc tăng lương khó đáp ứng nhu cầu cuộc sống”.

Anh Lê Minh, một viên chức ở Phú Vang, cùng chung tâm trạng: “Khi lương được điều chỉnh tăng, giá các loại hàng hóa, dịch vụ cũng rục rịch tăng theo”.    

Trái với lo lắng của nhiều người, các chuyên gia nhận định mặt bằng giá cả các mặt hàng thiết yếu trong thời gian tới có thể vẫn giữ ổn định. Bởi mức tăng lương chỉ 90.000 đồng/tháng và chỉ áp dụng đối với đối tượng là cán bộ, công chức nên việc tăng lương khó có thể tác động lên giá cả thị trường. Hơn nữa, hàng hóa rất dồi dào, phong phú, nếu sức mua không tăng, các tiểu thương cũng phải nhìn vào sức mua mà giữ khách.

Được biết, Chính phủ cũng đã triển khai một số biện pháp kiểm soát giá trong năm nay. Cuối tháng 5/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo các bộ, ngành phải kiểm soát chặt chẽ, không tăng giá các mặt hàng, lĩnh vực thiết yếu như điện, thuốc chữa bệnh, thực phẩm… Theo thông báo của Ban Chỉ đạo Điều hành giá, trong những tháng còn lại của năm 2018, giá một số nhóm mặt hàng vẫn được giữ ổn định hoặc có xu hướng giảm. Trong đó, giá thuốc chữa bệnh giảm từ 10 - 15%, 80 dịch vụ y tế cũng giảm từ ngày 15/7/2018 sẽ có tác động rất lớn tới giảm chi phí khám chữa bệnh của người dân. Đồng thời, giá điện cũng sẽ không tăng trong năm 2018 (theo Nghị quyết 74/NQ-CP)…

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để tăng lương, không tăng lo

Điệp khúc “lương chưa tăng, giá đã tăng” tiếp tục đặt ra những thách thức, đòi hỏi phải có giải pháp bình ổn, điều hành giá, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân… để người được thụ hưởng yên tâm, mức lương mới sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Để tăng lương, không tăng lo
Thị trường bình ổn sau tăng lương

Trước thời điểm tăng lương không xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ; sau thời điểm tăng lương, giá các mặt hàng thiết yếu hầu như không biến động là tín hiệu thị trường Thừa Thiên Huế những ngày qua.

Thị trường bình ổn sau tăng lương
Tăng mức lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7/2024

Chiều 20/6, tại Hà Nội, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nội vụ chủ trì họp báo cung cấp thông tin định kỳ và gặp mặt các phóng viên, biên tập viên nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024).

Tăng mức lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1 7 2024

TIN MỚI

Return to top