ClockThứ Tư, 24/10/2018 15:11

Sớm thông qua cơ chế đặc thù đề án di dời dân khu vực 1 Kinh thành Huế

TTH.VN - Tiếp tục kỳ họp thứ 6 Quốc hội XIV, sáng 24/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế cùng các đoàn Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Lào Cai thảo luận tại tổ các báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 -2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Lên phương án di dời hơn 4.200 hộ dân ra khỏi Kinh thành HuếMong người dân ủng hộ chủ trương di dời đến nơi ở tốt hơn“Khơi thông” Hộ thành hàoNạo vét, khơi thông Hộ thành hào

Đại biểu Phan Ngọc Thọ phát biểu thảo luận tại tổ ngày 24/10. Ảnh: Tấn Trọng

Gỡ khó cho đầu tư dự án công- tư

Một số ý kiến đại biểu cho rằng, tuy còn những khó khăn, nhưng tình hình kinh tế - xã hội từ đầu năm đến nay tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt với nhiều chuyển biến tích cực. Tăng trưởng kinh tế dịch chuyển dần sang chiều sâu, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ngày càng được nâng lên. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, các lĩnh vực; lạm phát tiếp tục được kiểm soát.....

Tham gia phát biểu tại buổi thảo luận, Đại biểu Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, trong thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chủ trương lớn để huy động nguồn lực từ xã hội, trong đó có việc triển khai thu hút đầu tư dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), tuy nhiên việc thực hiện cơ chế này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đại biểu nêu ví dụ, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định mới, tuy nhiên Bộ Tài chính lại ban hành công văn không thanh toán đất cho các dự án PPP, điều đó gây khó khăn cho các địa phương dẫn đến tình trạng các địa phương nếu không làm sẽ không có cơ hội phát triển, nếu làm thì nguy cơ sai sót về mặt pháp lý là rất lớn do cơ chế, do sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

“Nếu chúng ta chỉ xoay quanh nguồn vốn đầu tư công để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương mà không có các nguồn lực khác hỗ trợ như PPP thì sẽ vô cũng khó khăn. Nếu không kịp thời tháo gỡ những khó khăn do cơ chế hiện nay liên quan đến đấu thầu, đấu giá đất đai thì việc triển khai các dự án sẽ vô cùng khó khăn cho các địa phương”- ông Phan Ngọc Thọ khẳng định.

Cần thiết sửa đổi Luật đất đai

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra thực tế tại địa phương về bố trí sử dụng đất cho các dự án. Ảnh: Thái Bình

Đại biểu Phan Ngọc Thọ cũng đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và đầu tư tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), tuy nhiên theo đại biểu, nếu không sửa đổi Luật Đất đai hiện hành liên quan đến đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất thì sẽ còn nhiều bế tắc trong việc triển khai các dự án tại địa phương.

Theo quy định Luật Đất đai hiện hành, việc giao đất, cho thuê đất phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, muốn đấu giá phải có đất sạch, tài sản trên đất thuộc tài sản nhà nước; tuy nhiên điều kiện để có đất sạch sẽ rất khó khăn cho địa phương, đặc biệt cơ chế này nếu thể hiện không rõ sẽ dễ dẫn đến sai phạm. Bởi trong thực tế có nhiều dự án thuộc thẩm quyền thu hồi đất của nhà nước, nhưng với những dự án chủ đầu tư phải thỏa thuận như các dự án về du lịch, dịch vụ... thì cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện như thế nào vẫn chưa được quy định rõ.

Bên cạnh đó có những dự án với quy mô diện tích hàng trăm ha thì việc tìm nguồn đất sạch không phải là dễ dàng và việc đấu giá quyền sử dụng đất phải thực hiện như thế nào. Hiện nay, công tác đấu giá đất các địa phương đang thực hiện theo Nghị định 30 của Chính phủ, nếu đối chiếu với Luật Đất đai thì có nhiều điểm chưa phù hợp, địa phương nhận thức được sự bất hợp lý nhưng nếu không làm thì sẽ bế tắc; vì vậy đề nghị Chính phủ cần sớm khẩn trương rà soát lại những bất cập trong việc triển khai dự án liên quan đến sử dụng đất đai để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho địa phương; trong thời gian tới việc đầu tư, triển khai các dự án sẽ rất lớn, nếu không kịp thời tranh thủ thời cơ thì trong vòng 3 đến 5 năm đến sẽ có nhiều sự thay đổi mà sẽ không có những nguồn lực như hiện nay.

Vấn đề quản lý tài sản công mà đặc biệt là các công trình thiết yếu như điện, nước, công viên cây xanh, hệ thống thoát nước hiện nay còn nhiều bất cập. Trước đây khi các công ty dịch vụ công ích là Công ty TNHH 100% vốn nhà nước nên công tác quản lý, vận hành rất thuận lợi, họ được giao làm chủ đầu tư, giao vốn và quản lý tài sản này. Sau cổ phần hóa, công tác quản lý tài sản nhà nước và công tác đầu tư, vận hành khai thác vẫn còn nhiều lúng túng, chưa tạo được sự đột phá, giá cả vẫn cao, chưa mang tính cạnh tranh, đây là 2 vấn đề hết sức quan trọng, thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, đề nghị cần sớm quan tâm giải quyết.

Cần cơ chế đặc thù cho Thừa Thiên Huế

Các phóng viên báo chí thực tế tại Thượng thành Huế nhằm tuyên truyền về việc di dời, giải tỏa khu vực này trong tương lai. Ảnh: Thái Sơn

Liên quan đến việc di dời các hộ sống trong khu vực I kinh thành Huế, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng đây là vấn đề đã được dư luận, báo chí hết sức quan tâm trong thời gian vừa qua. Khu vực I kinh thành Huế gồm có kinh thành, Hộ thành hào, eo bầu và thành xung quanh, do quá trình lịch sử di dân từ vùng nông thôn vào thành thị, di dân do chiến tranh trong giai đoạn 1945 - 1975 và gia tăng dân số tự nhiên, hiện nay khu vực này có khoảng 4.200 hộ đang sinh sống. Trong 15 năm qua, tỉnh đã di dời được hơn 1.050 hộ dân. Tuy nhiên hiện nay đời sống của bà con vô cùng khó khăn, nhếch nhác do đây là di sản nên họ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều thế hệ sống trong các căn nhà hết sức chật hẹp, khó khăn thiếu thốn đủ bề.

Mong muốn bà con sớm được di dời nhưng địa phương không đủ nguồn lực vì khi giải phóng mặt bằng sẽ không bán đấu giá mà phải trả lại cho di tích để trùng tu và gìn giữ. Dự kiến nguồn kinh phí này khoảng 2.700 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 2019 - 2021 quy mô giải tỏa khoảng 1.938 hộ với mức đầu tư khoảng 1.880 tỷ đồng, bình quân mỗi năm cần từ 600 - 650 tỷ đồng.

“Đây có thể xem là cuộc di dân lịch sử lần đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế và có những thuận lợi lớn do người dân hết sức đồng tình, ủng hộ; Chính phủ quan tâm; Chính quyền địa phương đã sẵn sàng, tuy nhiên khó khăn nhất vẫn là thiếu các nguồn lực để triển khai thực hiện. Trong điều kiện rất khó khăn đó, tỉnh mong muốn các vị ĐBQH chia sẻ và có tiếng nói ủng hộ cho tỉnh trong vấn đề này. Đề án đã được trình, mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành cũng cần sớm thông qua cơ chế đặc thù cho Thừa Thiên Huế thực hiện đề án", ông Phan Ngọc Thọ nói.

Thái Sơn- Tấn Trọng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún trong các dự án giảm nghèo

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 30/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún trong các dự án giảm nghèo

TIN MỚI

Return to top